Chế biến nông sản XK Nam Định: Lên kế hoạch niêm yết trên HNX
Công ty xây dựng chiến lược làm khép kín từ khâu sản xuất con giống, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kiểm soát chất lượng (thông qua sự hợp tác với trường ĐH Nông nghiệp).
Ngày 18/05/2014, CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định tổ chức ĐHCĐ thường niên 2014. Tham dự đại hội có 23 cổ đông đại diện cho 99,01% số cổ phần có quyền biểu quyết.
CTCP Chế biến thực phẩm nông xuất khẩu Nam Định (mã: NDF) có vốn điều lệ 56,5 tỷ. Ngành nghề kinh doanh là chế biến thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm xuât khẩu; mua bán các loại sản phẩm nông sản xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; Bán buôn thực phẩm. Cổ phần hóa vào năm 2000, công ty là một trong những đơn vị đầu tiên được cổ phần hóa của tỉnh Nam Định. |
Năm 2013, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, Ban lãnh đạo đề ra chiến lược mới
Báo cáo của Ban Giám đốc cho biết, năm 2013, tổng doanh thu của công ty đạt hơn 58 tỷ - giảm 38% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 805 triệu. HĐQT và ban kiểm soát không được nhận thù lao trong năm 2013.
Năm 2014, Công ty đặt kế hoạch doanh thu là 120 tỷ - tăng hơn 2 lần so với doanh thu đạt được năm 2013. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 9 tỷ - tăng rất mạnh so với con số 805 triệu.
Kế hoạch này đã khiến cho các cổ đông không khỏi băn khoăn. Trước những băn khoăn đó, ông Vũ Trọng Nghĩa – chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2013, khi kinh tế suy thoái, thị trường xuất khẩu chính của NDF như Malaysia, Singapore, Nga… đều giảm. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, công ty có nhiều cơ sở để có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ nhất, ban lãnh đạo công ty hiện nay là đội ngũ mới tiếp nhận công ty từ cuối năm 2012, thay cho ban lãnh đạo cũ. Ban lãnh đạo mới đã kết nối được với đội ngũ lao động cũ - những công nhân có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm. Ông Nghĩa thừa nhận, chất lượng của các thiết bị sản xuất không còn mới, nhưng đủ để thực hiện các kế hoạch trên. Điều quan trọng nhất đó là lực lượng lao động và HĐQT “gắn kết như một gia đình”.
Thứ hai, về thị trường đầu vào, chủ tịch của NDF chia sẻ, thời gian trước, có nhiều nhà cung cấp nguyên liệu đã nghi ngờ về hoạt động của ban lãnh đạo mới và chuyển sang làm nhà cung cấp cho các công ty khác ở Thái Bình, Hải Dương. Nhưng trong quý I/2014, ban lãnh đạo đã làm việc và xây dựng, củng cố lại sự gắn kết giữa hai bên. Nguồn nguyên liệu đầu vào đã được đảm bảo.
Thứ ba, về thị trường đầu ra, ông Nghĩa nhận định rằng suy thoái kinh tế đã qua đáy. Điều này được thể hiện với riêng công ty là có nhiều khách cũ quay trở lại và và có thêm một số khách mới.
Thứ tư, trong lúc còn khó khăn về nhiều mặt, chủ tịch HĐQT đã họp và đề ra chiến lược lấy chất lượng làm gốc, kiểm soát từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Công ty cũng liên kết với nông dân, với một số trang trại lớn để xây dựng các trang trại vệ tinh cung cấp nguyên liệu. Hoạt động này đã được UBND tỉnh Nam Định ủng hộ. Bên cạnh đó, NDF đã ký hợp tác với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để đưa các giống tiến bộ vào sản xuất.
Những kết quả của chiến lược này đã được khách hàng thừa nhận. Mẫu mã sản phẩm đã khác, phong cách làm việc đã tiến bộ, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Không tăng khả năng cạnh tranh, Doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam thua ngay trên sân nhà
Ông Nghĩa nhấn mạnh:
“Trong xu thế hội nhập, muốn hay không cũng phải cạnh tranh. Gần đây nhất, hiệp định TPP đang được đàm phán ký kết sẽ làm tăng thêm sự cạnh tranh cho công ty. Khó khăn nhiều nhưng cũng là cơ hội.”
Theo ông, cơ hội cho ngành chế biến thịt lợn có thể tốt hơn do tập quán của người Việt Nam là thích ăn thịt tươi, không thích ăn đông lạnh. Nếu có chiến lược hợp lý thì với thị trường 90 triệu dân của Việt Nam, cơ hội cho ngành chăn nuôi, chế biến thịt lợn rất lớn. Nhận định về thị trường chế biến thịt bò, thịt gà, ông Nghĩa đánh giá “Con bò và con gà sẽ thua trên sân nhà”.
Dẫn chứng cho điều này, ông Nghĩa chỉ ra rằng hiện nay, thịt bò Úc đã được nhập về Việt Nam. Thịt bò Úc rẻ hơn, chất lượng, giàu giá trị dinh dưỡng và mới mẻ đã gây cạnh tranh giữa bò nội – bò ngoại rất quyết liệt. Còn về thịt gà, các tập đoàn của Thái Lan đã hoạt động nhiều năm và chiếm thị phần lớn trên thị trường.
Đánh giá thêm về những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, chủ tịch của NDF nhận xét, hiện nay sản phẩm thức ăn chăn nuôi biến động giá mạnh làm kết quả ngành chăn nuôi rất thấp.
Chăn nuôi là 1 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đối với người nông dân Việt Nam, là một nghề truyền thống nhưng nông dân thường chăn nuôi không có kế hoạch, không có định hướng và không hiểu “con giống” có giá trị như thế nào đối với kết quả cuối cùng. Lý do đó làm chăn nuôi Việt Nam không phát triển và thua ngay trên sân nhà.
Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá thành sản xuất trong khi thị trường này đang thuộc về tay nước ngoài. Còn phân phối lợi nhuận thì nằm cơ bản trong nhóm tiểu thương và nông dân bị ép giá.
Trước những thực trạng đó, Công ty xây dựng chiến lược làm khép kín từ khâu sản xuất con giống, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kiểm soát chất lượng (thông qua sự hợp tác với trường ĐH Nông nghiệp). Ban đầu có thể công ty chưa làm được nhưng sẽ kết hợp với các công ty khác. Đồng thời, công ty kết hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý.
Thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX
ĐHĐCĐ đã nhất trí thông qua phương án niêm yết cổ phiếu của Công ty trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. ĐHCĐ uy quyền cho HĐQT thực hiện các bước công việc cần thiết để đăng ký, lưu ký chứng khoán trên Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết cổ phiếu của Công ty.
Hải Minh