Choáng với cước 3G - Kỳ 1: Lập lờ kiếm thêm 500-600 tỉ đồng
Trong các gói cước 3G tăng giá từ ngày 16-10, gói cước dành cho người dùng các thiết bị USB 3G truy cập Internet có mức tăng khủng khiếp nhất.
- 20-11-2013Bộ trưởng Bộ TTTT: Tăng giá cước 3G là việc bình thường
- 14-11-2013Giải thích tăng cước 3G là “chưa thể chấp nhận được”
- 11-11-2013Tăng giá cước 3G: Chỉ dấu phạm luật
- 08-11-2013Giá cước 3G: Phải tăng ít nhất 43% nữa mới hòa vốn?
- 07-11-2013Cục Viễn thông lý giải việc đồng loạt tăng giá cước 3G
- 06-11-2013Điều tra nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G
- 05-11-2013Vụ tăng cước 3G: Bộ Công thương còn điều tra, Bộ Thông tin truyền thông đã bật đèn xanh?
- 05-11-2013Dịch vụ 3G: Giá thành 167 đồng, giá bán chỉ có 100 đồng
- 05-11-2013Cục Quản lý cạnh tranh điều tra việc tăng giá cước 3G
- 04-11-2013Đằng sau việc chưa ban hành quy chuẩn chất lượng 3G
- 02-11-2013Tuần tới, công khai mọi thông tin về giá cước 3G
- 31-10-2013Tăng cước 3G: Doanh nghiệp viễn thông đã chịu 'xuống nước'
Theo ước tính có trên 3 triệu thuê bao đang sử dụng gói dịch vụ 3G trả trước, và đợt tăng giá vừa qua đã giúp các nhà mạng “âm thầm” bỏ túi thêm 500-600 tỉ đồng mỗi tháng của người tiêu dùng.
Điều khiến nhiều người bức xúc là việc thông tin khá mập mờ của các nhà mạng, chỉ đến khi nhận hóa đơn thanh toán cước nhiều người dùng mới biết mình đã bị tăng cước đến hơn 300%.
Khủng khiếp quá!
“Quá kinh khủng. Chị có tin một tuần tài khoản của tôi bị trừ tới 300.000 đồng? Điện thoại hầu như không gọi mà chỉ dùng vào mạng là chủ yếu” - anh Long, một người dùng 3G trên điện thoại di động của MobiFone, bức xúc. Theo anh Long, vì nơi làm việc, nhà ở đều có WiFi, ít phải dùng 3G nên anh không đăng ký gói dịch vụ theo tháng. Tuy nhiên, mới đây khi WiFi bị trục trặc, phải dùng 3G, anh Long gần như té ngửa với giá dịch vụ của nhà mạng.
"Trước đây tôi dùng dịch vụ 3G mất chỉ 40.000 - 80.000 đồng/tháng nhưng hai tháng trở lại đây cước của tôi lên đến gần 1 triệu đồng. Cước phí của tôi đã tăng đến hơn 10 lần" Luật sư Lê Minh Trường (giám đốc điều hành Công ty luật Minh Khuê) |
Tương tự, chị Hoàng, ngụ Q.12, TP.HCM cũng tỏ ra bức xúc vì bị nhà mạng trừ tiền với tốc độ chóng mặt. Chị Hoàng cho biết trước đó trên iPad gần như chỉ xài WiFi. Mới đây, khi đi công tác, phải xài 3G của Viettel, ra đến sân bay mới nạp một thẻ trị giá 100.000 đồng vào iPad. “Trong vòng 5 ngày, gần như toàn bộ thời gian ban ngày tôi dành cho công việc. Buổi tối chỉ 2-3 tiếng đồng hồ, có khi chưa đến, để lướt web, Facebook. Vậy mà tài khoản hết nhẵn! Trước đây, khi còn chưa lắp WiFi trong nhà, thời điểm nhà mạng chưa thông báo tăng cước, một thẻ nạp 100.000 đồng tôi sử dụng được khoảng một tháng” - chị Hoàng so sánh.
Những người dùng USB 3G cũng bức xúc không kém. Chị Hồng, ngụ Q.Phú Nhuận, cho biết mới đây khi tài khoản trong USB 3G của nhà mạng Vinaphone hết tiền, chị nạp 20.000 đồng vào. Chỉ lướt web, gửi mail mới được 2 giờ đồng hồ, tài khoản đã báo hết tiền! Tiếp tục nạp 50.000 đồng, chị Hồng sử dụng được trong một ngày, tài khoản lại báo còn 0 đồng.
Tăng 300-400%!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các gói cước 3G tăng giá từ ngày 16-10, gói cước dành cho người dùng các thiết bị USB 3G truy cập Internet có mức tăng khủng khiếp nhất. Đó là những gói cước dành cho các khách hàng dạng “vãng lai”, không đăng ký sử dụng bất kỳ gói cước cụ thể nào, chỉ đơn giản là mua sim 3G chuyên dụng (không có chức năng thoại) gắn vào USB 3G và kích hoạt sử dụng dịch vụ dữ liệu.
Loại gói cước này không có dung lượng miễn phí và cũng không bị giới hạn tốc độ truy cập, khách hàng dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Cụ thể, gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 250 đồng/MB, tăng 416,6% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone tăng từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước Laptop Easy của Viettel tăng từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB, tăng tương tự MobiFone.
Không chỉ khách “vãng lai” mà ngay cả những người dùng đăng ký gói cũng phải ấm ức nhiều. Thường xuyên phải di chuyển và sử dụng Internet nên chị Ngọc Ánh đã đăng ký gói cước 3G trên di động, số tiền bị trừ vào đầu tháng là 70.000 đồng. Tuy nhiên, chị Ánh cho biết có cảm giác như nhà mạng bắt chẹt người tiêu dùng. Để kiểm tra xem số dung lượng miễn phí còn bao nhiêu, người dùng nhắn tin đến tổng đài. Nay nhà mạng thu cả tiền tin nhắn (?!).
Anh Mai Thắng (TP Vũng Tàu) kể: “Tôi đang làm việc thì bỗng dưng không thể truy cập được từ mạng 3G Viettel. Mạng liên tục báo lỗi và sau đó lại hiện dòng chữ “quý khách vượt quá 70% định mức, báo động đỏ, đề nghị thanh toán cước” và bị khóa hai chiều. Tôi dùng gói dịch vụ Laptop Easy 120 của Viettel, tức là thuê bao 120.000 đồng/tháng và được miễn phí 2,6 GB. Ngoài định mức 2,6 GB đó, phải đóng tiền 60 đồng/MB. Từ ngày thuê bao đến nay hơn ba năm, chưa lần nào bị chặn như thế”.
Lên trung tâm giao dịch Viettel phản ảnh thì anh Thắng mới biết nhà mạng đã tính cước 3G theo cách mới và buộc anh phải đóng đến 300.000 đồng mới được mở mạng lại. “Nhà mạng không hề thông báo cho các chủ thuê bao mà tự khóa và trừ nghiến tiền. Hành động ấy là móc túi người dùng trắng trợn” - anh Thắng cho biết.
3,4 triệu người bị ảnh hưởng
Theo Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và truyền thông), tính đến tháng 10-2013, cả nước có hơn 3,4 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, không sử dụng trực tiếp trên điện thoại di động (tức sử dụng dịch vụ 3G trên máy tính bảng, USB 3G). Theo tìm hiểu, đa số thuê bao 3G trả trước dạng này đều không đăng ký gói cước không giới hạn dung lượng miễn phí. Những thuê bao này của cả ba nhà mạng MobiFone, Vinaphone và Viettel đều phải chịu mức tăng cước hoặc cước vượt gói từ 60 đồng/MB lên 200-250 đồng/MB. Như vậy, ảnh hưởng của đợt tăng 3G vừa qua nặng nề nhất là những người dùng ở nhóm đối tượng này.
Trong khi đó, giả sử trước đây mỗi thuê bao chỉ phải tốn trung bình 60.000 đồng/tháng cho loại dịch vụ 3G này thì giờ đây họ phải tốn ít nhất 200.000 đồng/tháng. Với đại đa số thuê bao trong khoảng 3,4 triệu thuê bao nói trên đều không đăng ký dịch vụ trọn gói, sau khi mức cước tăng nhảy vọt, nhà mạng đã kiếm bộn tiền. Họ đương nhiên bỏ túi thêm 500-600 tỉ đồng mỗi tháng.
Cũng theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến tháng 10-2013, cả nước có 19,6 triệu thuê bao 3G có phát sinh cước. Như vậy, với những thuê bao 3G sử dụng trên máy tính bảng, USB 3G bị tăng cước, đã chiếm hơn 16% tổng số thuê bao 3G. Con số này chưa kể đến những thuê bao có phát sinh cước 3G sử dụng trên điện thoại di động cũng bị ảnh hưởng, với mức tăng 20-40% tùy gói.
Người trong ngành viễn thông cũng bất ngờ Khi đề cập mức tăng thực tế của các nhà mạng, ông Phạm Tiến Thịnh, tổng giám đốc Công ty CP mạng Tầm Nhìn Mới - từng là giám đốc điều hành mạng di động S-Fone, cũng bất ngờ. Ông Thịnh nhận định: “Việc tăng cước tới 300% thì quá khủng khiếp!”. Theo ông Thịnh, cước tăng thêm 40% đã là quá hớp với thị trường và người tiêu dùng VN. Theo luật sư Lê Minh Trường, giám đốc điều hành Công ty luật Minh Khuê, các nhà mạng tăng cước 3G đã có hành vi trục lợi về mặt thông tin đối với người tiêu dùng. Cụ thể khi tăng giá họ chỉ thông báo mức tăng trung bình khoảng 20%, nhưng thực tế có những gói tăng gấp nhiều lần. “Đáng ra nhà mạng phải có thông tin cụ thể về việc tăng giá cước cũng như có cảnh báo đến người dùng về việc nếu không đăng ký gói cước cụ thể sẽ có thể bị trừ rất nhiều tiền. Nhưng thực tế nhà mạng chỉ thông báo chung chung và âm thầm thu cước tăng gấp nhiều lần từ khách hàng”, ông Trường nhấn mạnh. Ông Phạm Tiến Thịnh cũng cho rằng nhà mạng có rất nhiều kênh miễn phí để truyền thông rõ ràng về việc tăng cước cũng như giải thích nguyên nhân tăng cước để người tiêu dùng cùng chia sẻ. Nhưng thực tế việc truyền thông khá mập mờ, chỉ đến khi nhận hóa đơn thanh toán cước nhiều người dùng mới biết mình đã bị tăng cước đến hơn 300%. |