Chối bỏ tính pháp lý
Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A bị ràng buộc bởi rất nhiều văn bản pháp lý. Bằng các thủ thuật, nhà đầu tư cố tình luồn lách để dự án dễ được thông qua
Một trong những văn bản pháp lý điều chỉnh 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) viện dẫn qua 3 lần thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là Nghị quyết 66/2007/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Né quy định của Quốc hội
Bên cạnh đó, năm 2010, Quốc hội thông qua Nghị quyết 49/2010/NQ-QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, khẳng định Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 đã hết hiệu lực. Các dự án chuyển đổi mục đích rừng đặc dụng trên 50 ha thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 49. Các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và cả Chính phủ đều khẳng định 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A phải tuân theo Nghị quyết 49, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Thế nhưng, bỏ qua ý kiến các ban ngành, trong tất cả các lần thực hiện ĐTM, chủ đầu tư chỉ viện dẫn Nghị quyết 66 đã hết hiệu lực, phớt lờ Nghị quyết 49.
Phải tuân thủ quy định pháp luật
Sau khi xảy ra tranh cãi xung quanh việc triển khai xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, mới đây, lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã có văn bản trả lời về tính pháp lý của 2 dự án thủy điện này.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết tại điểm b, khoản 2 Nghị quyết 49 quy định: “Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực địa khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Do vậy, các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thuộc diện phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, cơ sở pháp lý của 2 dự án thủy điện này còn liên quan đến pháp luật về bảo vệ môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 quy định các dự án chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi ĐTM đã được phê duyệt.
Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định: Quyết định phê duyệt ĐTM là căn cứ để quyết định đầu tư dự án. Tại khoản 2, điều 7 Luật Đa dạng sinh học còn quy định những hành vi bị nghiêm cấm là: Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Theo hồ sơ dự án thì các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. “Do vậy, việc xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A phải tuân thủ các quy định trên” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định.
Dự án ưu việt? Chủ đầu tư cho rằng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có nhiều ưu thế so với các dự án thủy điện khác. Diện tích mất đất cho 1 MW ít hơn 5 lần so với dự án thông thường (không rõ chủ đầu tư căn cứ vào đâu?), không di dân, tái định cư… Tuy nhiên, ưu thế này có được là do đầu tư trong các khu rừng đặc dụng được bảo tồn nghiêm ngặt, đặc biệt là khu rừng mưa nhiệt đới cuối cùng còn sót lại của miền Nam Việt Nam là VQG Cát Tiên. Cũng theo chủ đầu tư, dự án thủy điện Đồng Nai 6 có công suất lắp máy 135 MW, vòng đời hoạt động của nhà máy khoảng 40 năm, nộp ngân sách 180 tỉ đồng/năm, tương đương 1,3 tỉ đồng/MW. Dự án thủy điện Đồng Nai 6A có công suất lắp máy 106 MW, nộp ngân sách khoảng 142 tỉ đồng/năm, tương đương 1,3 tỉ đồng/MW. Theo báo cáo mới đây của Quốc hội, tổng công suất lắp của tất cả các thủy điện Việt Nam khoảng 13.694 MW, nộp ngân sách 6.500 tỉ đồng thông qua thuế GTGT, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng... tương đương 0,4 tỉ đồng/MW. Điểm lại các dự án thủy điện đã và đang thực hiện của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đều có công suất lắp máy nhỏ hơn 10 MW (hầu hết là 2-3 MW). Mới đây, dự án thủy điện Đăk SePay (tỉnh Gia Lai), công suất lắp máy 3 MW của doanh nghiệp này bị UBND tỉnh Gia Lai thu hồi do thiếu vốn, chậm đầu tư. Liệu chủ đầu tư có quá khoa trương về số tiền đóng ngân sách không khi nó gấp 3-4 lần số tiền đóng ngân sách của tất cả các đơn vị “lão luyện” như EVN hay một số tập đoàn lớn khác? M.Khanh |