MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn địa điểm mới cho Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam: Phải hoàn thành trong tháng 4

21-03-2015 - 08:37 AM | Doanh nghiệp

Tập đoàn Vingroup hay CTCP VEFACT chỉ được thực hiện Dự án Trung tâm thương mại tại 148 Giảng Võ khi có Trung tâm triển lãm mới tại Nhật Tân - Nội Bài.

Ngày 20/03/2015, Công ty TNHH Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu với khối lượng cổ phiếu đưa ra đấu giá là 16.266.105 cổ phiếu. Bên lề buổi đấu giá, chúng tôi đã có một số câu hỏi dành cho ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc của công ty.

Thưa ông, Công ty TNHH Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã xác định giá bán cho cổ đông chiến lược chưa?

Ông Trần Văn Tân: Rồi. Theo quy định, nhà đầu tư (NĐT) chiến lược sẽ mua theo giá trước IPO. Tổ chức tư vấn đưa ra mức giá cao nhất là 10.080 đồng. Theo Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch, NĐT chiến lược được mua với giá “ưu đãi” hơn giá IPO do họ “mua buôn” mà. Tức là họ được mua với giá thấp nhất. Trong cuộc đấu giá hôm nay, giá trúng bình quân là 10.058 đồng nên giá bán cho NĐT chiến lược là 10.050 đồng, tôi thấy hợp lý.

Mức giá khởi điểm của đợt IPO này là 10.050 đồng. Như vậy, giá trúng bình quân cũng như giá bán cho cổ đông chiến lược là tương đương với giá khởi điểm. Dường như mức giá này đã được dự tính từ trước?

Không, không dự tính được. Giá cổ phiếu là do thị trường quyết định. Chúng ta chỉ có nhiệm vụ tuân theo quy luật của thị trường thôi.

Sau buổi đấu giá hôm nay, công ty đã có kế hoạch cụ thể cho các hoạt động tiếp theo chưa?

Cứ theo quyết định 59 mà làm thôi. Sau kết quả này, Ban chỉ đạo cổ phần hóa của công ty VEFACT sẽ họp lại và đưa ra vấn đề là Vingroup đã cam kết mua lại hết số cổ phần không bán hết bằng với giá mà Vingroup đã mua trước IPO.

Vậy còn việc chọn địa điểm để di dời Trung tâm Triển lãm?

Tôi chỉ biết là ở khu Nhật Tân – Nội Bài, còn chi tiết như thế nào, phải chờ sắp tới UBND thành phố Hà Nội làm việc với Bộ Văn Hóa, Bộ Xây dựng để đưa ra sự thống nhất và trình lên Chính Phủ quyết định. Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì việc này phải hoàn thành trong tháng 4/2015.

Khi nào công ty tiến hành kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu?

Điều này phải đợi Ban chỉ đạo họp thì mới làm đúng quy trình. Tôi không phải người quyết định.

Thưa ông, khi VEFACT có cổ đông chiến lược là Vingroup, ông có cho rằng kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện? Và Vingroup có cam kết hỗ trợ công ty như thế nào?

Tôi tin là kết quả kinh doanh của công ty sẽ được cải thiện. Lương của người lao động sẽ được nâng cao. Cổ phần hóa sẽ xóa bỏ chế độ cào bằng trong thu nhập tại Doanh nghiệp Nhà nước. Đó là điểm tích cực nhất.

Về việc hỗ trợ, Vingroup có rất nhiều cam kết, trong đó có cam kết là lo toàn bộ vốn đầu tư để thực hiện cả 3 dự án của CTCP Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia trên trục Nhật Tân - Nội Bài, Dự án Giảng Võ và Dự án Mễ Trì) chứ không phải chỉ góp vốn mua 80% cổ phần.

Lượng vốn đầu tư cho 3 dự án ước tính bao nhiêu, thưa ông?

Cũng chưa tính chính xác được, vì bây giờ vị trí dự án di dời Trung tâm triển lãm ra Nhật Tân – Nội Bài còn chưa có. Dự án ở Mễ Trì cũng chỉ nói là “còn lại”, tức là có thể có, có thể không, có thể to, có thể bé... Cho nên tất cả mọi cái phải do Chính phủ xác định một cách chính xác rồi sau đó chúng tôi lập dự án đầu tư, lập quy hoạch 1/500 rồi mới tính ra tổng mức đầu tư được.

Vậy còn dự án Trung tâm thương mại tại địa chỉ 148 Giảng Võ đã tiến hành đến đâu?

Việc quy hoạch đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt. Nhưng tôi nghĩ sau này phải có sự điều chỉnh. Bởi vì ở những thời điểm khác nhau, quy hoạch tại Hà Nội lại có sự khác nhau.

Sau này khi Vingroup vào tham gia CTCP VEFACT và CTCP này sẽ có trách nhiệm lập quy hoạch dự án đầu tư tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Trên cơ sở quy hoạch ấy, cơ quan có thẩm quyền sẽ thẩm định giá đất và quyết định của nhà nước ghi rõ là theo giá thị trường.

Nhiều người cho rằng góp vốn mấy trăm tỷ rồi sở hữu luôn miếng đất thì không phải. Anh mới chỉ đóng góp để tham gia vào CTCP thôi, còn tiền đất thì chưa tính vì đã biết là làm gì đâu, chưa biết quy hoạch như thế nào. Tiền đất phải dựa vào quy hoạch 1/500. Sau khi có quy hoạch 1/500, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Vingroup sẽ phải bỏ thêm tiền để CTCP có quyền sử dụng đất và thực hiện dự án. Mà theo quy định, phải trả giá đất theo giá thị trường, và theo Luật đất đai thì giá này do UBND thành phố Hà Nội ra quyết định.

Tôi xin nói tiếp, tập đoàn Vingroup hay CTCP VEFACT chỉ được thực hiện Dự án Trung tâm thương mại tại 148 Giảng Võ khi có Trung tâm triển lãm mới tại Nhật Tân - Nội Bài. Tức là anh phải bỏ ra khoản tiền khoảng 4.000 tỷ và làm xong trung tâm triển lãm Nhật Tân – Nội Bài trong thời hạn 3 năm. Nếu không đảm bảo những điều này, anh sẽ bị tịch thu quyền nhà đầu tư chiến lược và không được bồi hoàn, không bồi hoàn tất cả những khoản tiền đã bỏ ra từ trước đến nay. Điều này được ghi rõ trong cam kết và phương án đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận.

Với việc mua lại hết số cổ phần bị “ế” trong đợt IPO này, Vingroup đã sở hữu hơn 80% vốn cổ phần của VEFACT. Nếu sau này, công ty tiếp tục phát hành tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống thấp hơn 10% nữa thì sao?

Quyền của cổ đông Nhà nước được ghi rõ trong thỏa thuận, không nắm tỷ lệ chi phối nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Dù cổ đông Nhà nước thoái vốn chỉ sở hữu 1 cổ phiếu thôi thì cổ đông này vẫn có quyền phủ quyết quyền của NĐT chiến lược nếu công ty vi phạm đối với các vấn đề liên quan đến khu hội chợ triển lãm quốc gia.

>>>IPO Trung tâm Hội trợ Triển lãm Việt Nam: Giá bình quân 10.058 đồng/cổ phần

Xin cám ơn ông rất nhiều!

Mai Linh

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên