MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn nhầm người, trả giá đắt

06-07-2014 - 22:22 PM | Doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp phải lãnh đủ chỉ vì quá tin tưởng hoặc trao quyền quản lý nhầm người.

Mới đây, bức xúc trước việc ông Hsu Chang Huan, quản lý người Đài Loan - Trung Quốc, tự ý đuổi việc 13 công nhân (CN) chỉ vì họ từ chối tăng ca, hơn 100 CN Công ty TNHH MTV Việt Hoa Tân (huyện Bình Chánh, TP HCM) đã ngừng việc phản đối. Theo tập thể CN, đây chỉ là giọt nước làm tràn ly bởi không phải lần đầu vị quản lý này có cách hành xử hà khắc với họ.

Lạm quyền, gây ức chế cho công nhân

Tập thể CN cho biết 2 tháng nay, kể từ khi ông Hsu Chang Huan xuất hiện thì mọi việc trong công ty đảo lộn. Trước đây, công ty trả hết lương cho CN vào ngày 15 hằng tháng. Thế nhưng, khi ông Hsu Chang Han làm quản lý, CN chỉ được nhận 80% lương, công ty giữ lại 20% mà không giải thích lý do.

Ngày 24-6, phản ứng việc công ty không trả hết lương như thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ), 13 CN đã từ chối tăng ca. Một ngày sau đó, ông Hsu Chang Hua đã trả đũa số CN này bằng cách buộc họ viết đơn xin thôi việc hoặc nộp hồ sơ thử việc lại từ đầu. Ấm ức vì cách hành xử hết sức vô lý, nếu không nói là chèn ép của người quản lý, 13 CN không đồng ý. Kết quả là họ bị ông Hsu Chang Huan đuổi việc.

Nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra xuất phát từ việc bố trí cán bộ quản lý của chủ doanh nghiệp
Nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra xuất phát từ việc bố trí cán bộ quản lý của chủ doanh nghiệp

Không những tùy tiện trong việc điều hành, gây ức chế cho người lao động (NLĐ), tập thể CN cho biết ông Hsu Chang Huan còn đối xử với họ rất thô bạo. Cách đây không lâu, một nam CN bị ông ta chửi mắng thậm tệ và đuổi việc chỉ vì “tội” dám thắc mắc về tiền lương.

Trước những bất ổn liên tiếp xảy ra, để xoa dịu CN, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Hoa Tân đã ra thông báo nêu rõ: “Ông Hsu Chang Huan được mời đến để hỗ trợ công ty quản lý sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại đây, ông Hsu Chang Huan đã sai phạm về công tác quản lý gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự ý đuổi việc CN không có lý do chính đáng, không thông qua giám đốc công ty”.

Từ những sai phạm trong quản lý dẫn đến những bất ổn không đáng có của ông Hsu Chang Huan, bà Dinni Lieu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Hoa Tân, quyết định buộc ông này phải rời khỏi doanh nghiệp (DN).

Đặt niềm tin không đúng chỗ

Ở một số nơi, do quá tin tưởng và giao quá nhiều quyền hành cho nhân viên dưới quyền, ban giám đốc DN đã phải gánh đủ hậu quả.

Tại Công ty TNHH V.T (quận 6, TP HCM), dù chỉ là quản lý đội xe nhưng do có nhiều kinh nghiệm nên ông Đặng Minh Tâm được bà K., giám đốc công ty, hết sức ưu ái. Được giao quyền tuyển nhân viên, ông Tâm đã ra oai bằng việc xây dựng những tiêu chí tuyển dụng trái luật. Trong đó, ông quy định buộc NLĐ phải làm cam kết tự nguyện nộp hồ sơ lái xe gốc và chỉ trả lại sau khi nghỉ việc 1 tháng, gây bức xúc cho tài xế.

Điều đáng nói là quy định trái luật này vẫn được bà K. thông qua. Mới đây, khi nghỉ việc, anh Huỳnh Tấn Phát (quận Tân Phú, TP HCM) yêu cầu được nhận lại hồ sơ lái xe để tìm việc làm mới nhưng ông Tâm vẫn phớt lờ, thậm chí còn thách thức NLĐ đi kiện.

Trao đổi với chúng tôi, chị N., trợ lý giám đốc, giải thích: “Tôi đã cố gắng giải thích rằng pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc giữ hồ sơ, giấy tờ gốc của NLĐ nhưng giám đốc vẫn nhất quyết không nghe và chỉ đạo làm theo ý của ông Tâm. Đến nước này thì tôi cũng hết cách”.

“Cách hành xử sai luật của người quản lý cùng với việc đặt niềm tin không đúng chỗ của giám đốc công ty chắc chắn sẽ khiến phát sinh những rắc rối tương tự. Người đại diện pháp luật của DN sẽ lãnh đủ trong trường hợp bị NLĐ kiện ra tòa” - luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khuyến cáo.

Mới đây, ông T.Q.B, Giám đốc Công ty TNHH T.D (quận 1, TP HCM), đã phải bồi thường 100 triệu đồng cho chị Trương Thị Cẩm (quận Tân Bình, TP HCM) vì chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Ông B. cho biết ông được điều về làm giám đốc công ty từ tháng 12-2013. Môi trường mới cộng với tình hình khó khăn của DN nên ông dồn sức vào mảng kinh doanh, còn việc quản lý nhân sự giao hết cho một người tên Lan phụ trách. Hậu quả của việc lơ là này là vào tháng 4-2014, khi tái cơ cấu nhân sự, ông B. đã cắt giảm một số chỗ làm, trong đó có chị Cẩm.

Khi thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với công ty, chị Cẩm cho biết mình đang mang thai nhưng không có giấy tờ chứng minh. Thay vì chờ chị Cẩm bổ sung giấy tờ và tư vấn cho giám đốc biết việc chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ đang mang thai là trái pháp luật, bà Lan lại đề xuất ra quyết định cho chị thôi việc.

Điều đáng nói là sau khi cho chị Cẩm thôi việc, công ty lại bố trí người thay thế. Điều này càng khiến chị bức xúc. Khi chị Cẩm khiếu nại, phát hiện phần lỗi thuộc về công ty và để tránh rắc rối về sau, ông B. đành phải trả 9 tháng lương theo yêu cầu để chị thôi việc.

Giao quyền thì phải giám sát

Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Nguồn nhân lực Việt (quận Gò Vấp, TP HCM), cho rằng việc tin tưởng và giao quyền tự quyết cho cấp dưới trong một chừng mực nào đó sẽ tạo hứng khởi, khuyến khích họ phát huy năng lực. Tuy nhiên, việc giao quyền hạn cho nhân viên phải được đặt dưới sự giám sát của DN. Thực tế, do lơ là giám sát, không ít DN đã lãnh hậu quả khi nhân viên cấp dưới thiếu năng lực quản lý.


thunm

Người lao động

Trở lên trên