MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ động nguyên liệu sẽ hưởng lợi từ tỷ giá

26-08-2015 - 10:22 AM | Doanh nghiệp

Ngoại trừ các ngành hàng sản xuất xuất khẩu lệ thuộc vào nguyên liệu nhập như cao su, hạt điều, đồ gỗ thì hầu như tất cả các ngành hàng nông - thủy sản khác các DN Việt đều đã được hưởng lợi.

Nếu không phải nhập khẩu nguyên liệu nông sản đầu vào, các DN sản xuất - chế biến nông, thủy sản hoàn toàn có thể hưởng thêm hàng trăm tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá vào các tháng cuối năm.

Trước thông tin NHNN điều chỉnh tăng thêm 1% tỷ giá VND/USD và nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% những ngày qua. Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) rất hứng khởi khi thị trường xuất khẩu (XK) chính của Antesco hiện nay là Mỹ, Nhật và EU. Toàn bộ các đối tác nhập khẩu đều chọn thanh toán cho Antesco bằng USD, do vậy công ty sẽ được hưởng lợi thêm từ mức chênh lệch tỷ giá khi quy đổi từ USD ra VND.

Lợi có thể tới nông dân

Ông Đấu cho biết, nếu tính từ đầu năm đến nay, sau 3 lần NHNN điều chỉnh tỷ giá, mỗi lô hàng xuất khẩu của DN có thể lợi thêm hàng chục triệu đồng. Vì mỗi USD được đối tác thanh toán hiện nay khi chuyển sang VND đã tăng thêm hơn 2.000 đồng so với hồi đầu năm.

Trả lời câu hỏi của TBNH về việc DN có tính đến chuyện chia sẻ lợi ích cho nông dân từ các khoản chênh lệch thu được từ tỷ giá hay không, ông Đấu cho hay, hiện Antesco cũng đang tính đến trường hợp tăng thêm giá mua đối với một số mặt hàng rau quả phục vụ chế biến XK.

“Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy chế biến tại huyện Châu Phú (tỉnh An Giang – PV). Khi nhà máy hoàn thành, công suất của Antesco sẽ nâng lên gấp đôi. Nếu tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định như thế này thì đến cuối năm doanh thu từ hoạt động XK chắc chắn sẽ tăng mạnh. Và chúng tôi sẵn sàng chia sẻ lợi ích cho những hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết. Cố gắng làm sao để DN được lợi 2.000 đồng/USD thì người dân cũng sẽ có thêm 400-500 đồng từ khoản lợi nhuận từ tỷ giá” - ông Đấu nói.

Ghi nhận ở các ngành khác như thủy sản, lúa gạo, cà phê… tình hình cũng xảy ra tương tự. Với tư cách Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Dương Ngọc Minh chắc chắn rằng doanh số XK của các DN ngành cá tra và tôm sẽ có sự tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm.

Bởi trong 6 tháng đầu năm, nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ. Các đối tác nhập khẩu theo đó liên tục yêu cầu DN Việt Nam giảm giá bán từ 10-15%. Nay tỷ giá đồng Việt Nam được NHNN điều chỉnh tăng lên so với USD, các DN hoàn toàn có thể giảm giá bán mà vẫn cân đối được lợi nhuận. Khi thị trường XK tăng thì việc thu mua thủy sản nguyên liệu trong dân phục vụ các đơn hàng cuối năm sẽ được các DN chế biến chú trọng, giá cá tra và tôm nguyên liệu vì thế sẽ ổn định ở mức cao.

Ở ngành hàng lúa gạo, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với các DN có vùng nguyên liệu lớn, không bị ảnh hưởng từ các đợt biến động giá thị trường, đồng thời làm chủ được giá cả chi phí cước vận chuyển thì việc NHNN nâng tỷ giá vừa qua là một tin tốt.

Chẳng hạn trước đây, khi chưa nâng tỷ giá, loại gạo 5% tấm có giá vốn không dưới 340 USD/tấn, nhưng khi nới biên độ tỷ giá lên +/-3% thì giá vốn của loại gạo này còn 335 USD/tấn vì các DN hưởng lợi từ chênh lệch sẽ mua gạo nguyên liệu được rẻ hơn (bằng tiền đồng).

Không quá lo từ đồng Nhân dân tệ

Trong một chiều hướng khác, cũng là tương quan giữa tỷ giá với hoạt động XK các mặt hàng nông sản, một số ý kiến lo ngại rằng từ đầu năm đến nay do Chính phủ Trung Quốc phá giá mạnh đối với đồng Nhân dân tệ (NDT), nên các DN Việt Nam XK sang thị trường này bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của TBNH ở một số DN XK thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì mức thiệt hại này không quá lớn. Đa số các DN XK thủy sản tại khu vực các tỉnh phía Nam chủ động được nguyên liệu đầu vào, hơn nữa khi XK sang Trung Quốc đều chọn thanh toán bằng USD hoặc bằng VND nên dù đồng nội tệ của Trung Quốc có bị phá giá mạnh cũng không bị ảnh hưởng.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra và tôm sẽ có sự tăng trưởng cao trong các tháng cuối năm

Tại Đồng Tháp, ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Nhóm công ty Hùng Cá cho hay, hiện nay mỗi tuần DN này xuất khẩu khoảng 2-3 container cá tra fillet sang thị trường Trung Quốc, nhưng hầu hết các đơn hàng đều được đối tác đặt cọc trước 20-30% bằng tiền Việt, ngay sau khi ký hợp đồng và thanh toán trọn gói trước khi giao hàng (cũng bằng tiền đồng) nên không bị ảnh hưởng gì.

Trong khi đó, ông Huỳnh Khánh Châu, Phó tổng giám đốc CTCP Thương mại thủy sản Á Châu cũng cho rằng, ngay cả các hợp đồng thanh toán bằng USD thì mức ảnh hưởng cũng chưa lớn, bởi so với mức độ phá giá 25-30% của đồng EUR thời gian trước thì mức phá giá 4-5% của đồng NDT vẫn đảm bảo DN XK cân đối được, bởi chi phí vận chuyển đường bộ rẻ hơn nhiều so với vận tải biển.

“Có chăng thì khi đồng NDT bị phá giá, các DN Trung Quốc sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua USD, từ đó họ sẽ ép giá DN Việt Nam phải bán rẻ. Nhưng tới thời điểm này thì chưa thấy các nhà nhập khẩu có động thái thay đổi gì. Có lẽ do nhu cầu hàng thủy sản ở phía họ vẫn đang ở mức cao, phục vụ cho các dịp lễ, tết từ nay đến cuối năm” - ông Châu nói.

Như vậy, hiệu ứng của việc tăng và nới biên độ tỷ giá liên NH giữa VND với đồng USD của NHNN đã thực sự lan vào khối DN XK. Ngoại trừ các ngành hàng sản xuất XK lệ thuộc vào nguyên liệu nhập như cao su, hạt điều, đồ gỗ thì hầu như tất cả các ngành hàng nông - thủy sản khác các DN Việt đều đã được hưởng lợi.

Theo những thống kê của Tổng cục Hải quan tương ứng trong các năm thì trung bình mỗi tháng kim ngạch XK của các DN ngành thủy sản ước khoảng 650 triệu USD, ngành rau quả khoảng 125-130 triệu USD và ngành cà phê khoảng 290-300 triệu USD.

Trong đó, hầu hết với các ngành hàng này, DN trong nước đều khá chủ động được nguồn nguyên liệu. Dù lượng hàng hóa XK sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng khá cao nhưng như các phân tích của các DN thì khả năng các nhà XK nông sản sẽ có lợi nhuận thêm hàng trăm tỷ đồng từ việc tỷ giá tăng là hoàn toàn có thể.

Theo Thạch Bình

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên