MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện lạ sửa giấy phép: 3 tháng,11 lần bổ sung...

21-10-2015 - 14:53 PM | Doanh nghiệp

Chuyện lạ tại Sở KHĐT, chỉ làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật mà một DN đã mất hơn 3 tháng, 11 lần bổ sung hồ sơ nhưng vẫn chưa có giấy phép hợp lệ.

Chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật tại 
Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM: chỉ làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật mà một doanh nghiệp đã mất hơn 3 tháng, 11 lần bổ sung hồ sơ nhưng vẫn chưa có giấy phép hợp lệ.

Đến ngày hôm nay, sau hơn ba tháng nhưng Công ty TNHH khí công nghiệp Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương) vẫn chưa có được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hợp lệ khiến hoạt động của công ty bị đình trệ.

Yêu cầu đến gặp trực tiếp

Kể lại với PV Tuổi Trẻ về hành trình đi làm thủ tục, ông Bùi Vĩnh Hiếu - giám đốc Công ty Thái Dương (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) - cho biết công ty đang hoạt động cung cấp các dịch vụ sản phẩm về khí công nghiệp, vào tháng 7-2015, do có thay đổi về nhân sự nên quyết định thay đổi người đại diện pháp luật.

Ngày 8-7, công ty bắt đầu làm thủ tục qua mạng theo hướng dẫn cụ thể trên website đăng ký doanh nghiệp của Sở KH-ĐT TP.HCM.

“Dù chỉ làm thủ tục rất đơn giản là thay đổi người đại diện pháp luật nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do thái độ hạch sách của cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Họ liên tục cứ yêu cầu chúng tôi nay bổ sung cái này, mai bổ sung cái nọ” 
- ông Hiếu bức xúc.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận hồ sơ qua mạng, đến ngày 15-7 Sở 
KH-ĐT phản hồi đề nghị sửa đổi và bổ sung ba nội dung: thay đổi giấy “thông báo thay đổi người đại diện pháp luật” thành “giấy đề nghị thay đổi người đại diện pháp luật” (dù trước đó công ty đã làm đúng như mẫu hướng dẫn website của sở), đồng thời đề nghị đăng ký áp mã ngành và hiệu chỉnh nội dung biên bản họp hội đồng thành viên.

Thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhưng sau khi nộp hồ sơ về sở, công ty lại tiếp tục nhận được phản hồi của cơ quan này yêu cầu bổ sung: CMND của người đại diện mới kèm giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; hồ sơ cập nhật số điện thoại, fax, website, email; quyết định biên bản họp hội đồng thành viên về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh; nhập đầy đủ dữ liệu hệ thống online so với nội dung trong hồ sơ...

Công ty bổ sung các điều trên nhưng hồ sơ vẫn bị sở trả về và lần thứ ba yêu cầu nộp các loại giấy tờ gồm: quyết định, biên bản họp hội đồng thành viên về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh; nhập đầy đủ dữ liệu hệ thống online so với nội dung trong hồ sơ.

Mặc dù đã bổ sung tất cả thông tin yêu cầu nhưng hồ sơ lại tiếp tục bị trả về, yêu cầu bổ sung lần thứ tư gồm: giấy xác nhận thay đổi CMND của người đại diện mới.

Do thấy hồ sơ bị trả về nhiều lần với những yêu cầu quá vụn vặt, anh Thịnh - nhân viên Công ty Thái Dương, người trực tiếp làm thủ tục này - đã gọi nhiều lần vào hai số điện thoại 0838272191 và 0838293179 của sở để mong gặp được người phụ trách nhưng không ai trả lời.

Sau đó, anh Thịnh liên lạc với cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thì được cho số của chị K. thuộc phòng đăng ký kinh doanh của sở. Thế nhưng, khi gọi điện cho chị K. thì nhân viên này lại yêu cầu công ty mang hồ sơ lên để giải quyết.

Thành viên của Công ty Thái Dương và “đoạn trường” điều chỉnh giấy phép kinh doanh - Đồ họa: Tấn đạt
Thành viên của Công ty Thái Dương và “đoạn trường” điều chỉnh giấy phép kinh doanh - Đồ họa: Tấn đạt

“Cầu cứu” Sở Tư pháp

Lo lắng cho số phận hồ sơ của mình bị “ngâm tôm” kéo dài, lãnh đạo Công ty Thái Dương đã làm đơn “cầu cứu” Sở Tư pháp TP.HCM thì được một cán bộ ở đây giới thiệu một nhân viên khác của Sở KH-ĐT tên M. để giải 
quyết sự việc.

Thế nhưng sự việc vẫn chưa “xuôi chèo mát mái” khi bà M. lại tiếp tục gửi yêu cầu công ty sửa đổi thông tin: tỉ lệ biểu quyết phải thay từ 3/3 thành viên thành 2/2 thành viên... Đến lần thứ sáu vào ngày 25-8, bà M. thông báo hồ sơ đã hợp lệ nhưng công ty phải mang hồ sơ gốc đến sở để nộp trực tiếp.

Tréo ngoe thay khi công ty mang hồ sơ đến sở thì phòng đăng ký kinh doanh lại “đẻ” ra yêu cầu in bản email chứng nhận đăng ký qua mạng đã hợp lệ nên người của công ty lại phải ra về để “bổ sung”. Đến ngày 28-8, nhân viên công ty đến tận sở để lấy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng lại tiếp tục bị yêu cầu 
chỉnh lại giấy ủy quyền.

Tưởng mọi chuyện sẽ ổn thỏa, tuy nhiên ngày 1-9, khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới tại sở, nhân viên công ty đã “té ngửa” vì bị sai ngày sửa đổi, hiển thị là ngày 4-10-2011 (?!).

Lúc này bà M., người của sở, giải thích lỗi sai do cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia nên sở không giải quyết. Như vậy, sau rất nhiều ngày vất vả cuối cùng công ty nhận về một tờ giấy đăng ký kinh doanh không có giá trị pháp lý vì 
sai ngày tháng sửa đổi.

Mãi cho đến ngày 16-9, cổng thông tin đăng ký quốc gia xác nhận lỗi sai không thuộc về công ty và sẽ phối hợp với Sở KH-ĐT TP.HCM để sửa đổi. Ngày 17-9, Sở KH-ĐT lại yêu cầu công ty mang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phiếu đề nghị hiệu đính lên sở để làm lại toàn bộ thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ đầu.

Đề nghị làm rõ

Vụ việc tiếp tục kéo dài, đến ngày 24-9, Sở Tư pháp TP.HCM phải có công văn đề nghị giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung phản ảnh, trong đó xác định các vấn đề cụ thể như làm rõ việc yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần; yêu cầu công ty phải đến nộp trực tiếp thay vì làm qua mạng; làm rõ thái độ làm việc của cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

Sở Tư pháp cũng đề xuất biện pháp khắc phục như gửi thư xin lỗi doanh nghiệp, chấn chỉnh và xử lý cán bộ sai phạm...

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 
20-10, ông Bùi Vĩnh Hiếu - giám đốc công ty - cho biết cách đây hai ngày, một nhân viên Sở KH-ĐT có gọi điện báo với công ty mang theo giấy phép cấp mới bị sai ngày đến để sở này hiệu đính lại, đồng thời lấy công văn xin lỗi về thái độ tắc trách của nhân viên trong công tác giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Sau đó đến ngày 20-10, Sở KH-ĐT TP.HCM có gửi thư xin lỗi vào email của công ty nội dung:

Phòng đăng ký kinh doanh gửi lời xin lỗi công ty do trong thời gian đầu triển khai Luật doanh nghiệp 2014 nên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia có một số lỗi kỹ thuật, phòng đăng ký kinh doanh cũng gặp lúng túng trong xử lý công việc dẫn đến cứng nhắc trong việc giải quyết hồ sơ của công ty.

Tiếp nhận thư xin lỗi, ông Hiếu nói: “Vấn đề ở đây là con người hành chính ở Sở KH-ĐT đang hành doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là cứng nhắc như trong thư xin lỗi. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì doanh nghiệp sẽ khổ dài dài”.

* Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM):

Thiếu minh bạch trong đăng ký kinh doanh

Câu chuyện trên cho thấy cơ quan cấp phép đang sử dụng sự thiếu minh bạch trong đăng ký kinh doanh như một tài sản để khai thác. Nếu các thông tin được minh bạch, trọn gói trên website để khi doanh nghiệp thực hiện đăng ký qua mạng được rõ thì nhân viên cấp phép không thể hạch họe doanh nghiệp như trường hợp trên.

Ở đây có thể thấy rõ công tác cấp phép vẫn duy trì cơ chế “xin cho” khi giao công chức tiếp nhận hồ sơ cái quyền cho hoặc từ chối cấp phép. Duy trì con người hành chính như trên không chỉ cản trở thu hút đầu tư mà còn trở nên phi lý khi Chính phủ đang kêu gọi tự do kinh doanh.

Về việc yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi bổ sung tới 11 lần, xét theo điều 32.4 Luật doanh nghiệp quy định cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của doanh nghiệp.

Khi xét thấy cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Sở KH-ĐT có thể hướng dẫn toàn bộ nội dung cần sửa đổi bổ sung để doanh nghiệp thực hiện một lần trong thời gian quy định.

Theo ĐÌNH DÂN

Tuổi trẻ

Trở lên trên