MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên chi tiền hỗ trợ doanh nghiệp?

08-01-2016 - 11:17 AM | Doanh nghiệp

Gần nửa triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được thành lập mới trên cả nước trong giai đoạn 2016 - 2020, theo kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) dự thảo. Số doanh nghiệp hoạt động đến 2020 là 700.000, chiếm 98% số doanh nghiệp toàn quốc; tỷ trọng đầu tư chiếm 50%; tỷ lệ lao động là 50%; đóng góp vào ngân sách là 35%.

Bởi trong giai đoạn 2011 - 2015, các DNNVV đã phát triển vượt bậc về số lượng nhưng “sức khỏe” thiếu ổn định, do những chính sách hỗ trợ của Nhà nước “nhiều, nhưng chưa trúng” - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp tham vấn về kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2016 - 2020. Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp của Bộ KH-ĐT, trong 5 năm 2011 - 2015, có 380.000 DNNVV được thành lập (mục tiêu là 350.000).

Tính ra, đến nay cả nước có 535.000 DNNVV hoạt động. Khu vực này chiếm 50% tổng vốn đầu tư toàn bộ khu vực doanh nghiệp, đóng góp 45% vào GDP; 30% thu ngân sách nhà nước và tạo ra 55% số việc làm trong giai đoạn nói trên. Đáng lưu ý, tỷ trọng vốn đầu tư của DNNVV so với doanh nghiệp quy mô lớn có sự biến đổi rất mạnh qua từng năm.

Cụ thể, năm 2011 chiếm 56% tổng vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp, giảm xuống còn 29% năm 2012, tăng vọt lên 86% năm 2013, nhưng lại sụt giảm xuống còn 25% năm 2014. Xu hướng này cho thấy việc đầu tư của khu vực DNNVV không ổn định và không dài hạn.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, đây là những con số chưa được “bóc tách kỹ”, chưa thể hiện đúng sức khỏe cũng như đóng góp của khối DNNVV vào nền kinh tế, vì chưa tính riêng khối doanh nghiệp nhà nước, vốn được đầu tư lớn về tài nguyên và vốn ngân sách. Chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp thì nhiều nhưng được thiết kế riêng cho DNNVV thì lại ít.

Nhiều chính sách nhưng không có đầu mối điều hành nên khá “vụn”, nguồn lực bị phân tán. Đồng tình với quan điểm này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, cũng cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chính sách nhưng các DNNVV không thụ hưởng được. Các cơ quan ra chính sách dường như không chú trọng tìm hiểu kỹ để đáp ứng đúng nhu cầu của DNNVV. 99% DNNVV không có nhu cầu trở thành lớn hơn, họ chỉ cần chính sách ổn định để phát triển bền vững.

Cung cấp thông tin về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, mức độ quan tâm của cơ quan nhà nước đối với DNNVV ngày càng được cải thiện. Chẳng hạn, 5 năm trước khi yêu cầu các bộ và địa phương báo cáo về hoạt động của DNNVV, chỉ 1/3 có báo cáo. Hiện tại trên 90% báo cáo của địa phương có nội dung về DNNVV.

Tới đây, để hỗ trợ khu vực này phát triển, môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện thông qua việc xây dựng, ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV; sửa chế độ kế toán, thuế và phí; khắc phục cơ chế về quỹ bảo lãnh tín dụng; xây dựng cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ DNNVV… Đặc biệt, các chuyên gia Bộ KH-ĐT đề nghị Chính phủ có các chương trình trị giá 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động của DNNVV.

Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng, Nhà nước không thể dùng nguồn lực để giải quyết tất cả. Có quỹ hỗ trợ cũng không thỏa mãn được nhu cầu của doanh nghiệp. Thậm chí, “việc nghĩ xem cần hỗ trợ gì nữa cho các DNNVV cũng là việc của các hiệp hội doanh nghiệp. Nhà nước chỉ cần tạo điều kiện để các hiệp hội lớn lên”.

Một quan điểm khác được chuyên gia Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ) đưa ra, theo đó cộng đồng doanh nghiệp là một hệ sinh thái nhiều tầng, nếu chỉ chăm chăm hỗ trợ DNNVV thì hiệu quả cũng rất thấp. Cần có các giải pháp tác động đến cả các tập đoàn lớn - những đơn vị thực sự nắm giữ toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất.

PV

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

Trở lên trên