Có nên ưu đãi hàng không?
Tình hình căng thẳng trên biển Đông thời gian qua đã làm các hãng hàng không trong nước đứng trước nguy cơ thua lỗ trong năm nay, đặc biệt Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Giảm thuế nhập xăng dầu và nới lỏng visa
Những tính toán ban đầu của Vietnam Airlines cho thấy do những biến động về thị trường, nhất là từ tình hình biển Đông, doanh thu năm 2014 của hãng sẽ giảm gần 2.900 tỷ đồng, trong đó giảm thu từ các đường bay đi/đến Trung Quốc hơn 1.300 tỷ đồng, các đường bay quốc tế khác 1.270 tỷ đồng... Trước nguy cơ lỗ của các hãng hàng không, Bộ GT-VT đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số chính sách hỗ trợ Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do tình hình biển Đông.
Cụ thể, bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện 2 giải pháp: hỗ trợ giảm 4% thuế nhập khẩu xăng dầu dùng cho tàu bay (từ 7% xuống mức 3%) trong năm 2014; nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với một số thị trường hành khách quan trọng, nhiều tiềm năng như Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ.
Theo số liệu của Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu bay của tổng công ty chiếm tỷ trọng 37-38% tổng chi phí nếu áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng dầu dùng cho tàu bay 7% như hiện nay. Do giá nhiên liệu bay đang ở mức cao, mức thuế nhập khẩu này đang là gánh nặng với tổng công ty trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thị trường.
Nếu mức thuế nhập khẩu xăng dầu 3% được chấp thuận, trong 6 sáng cuối năm hãng này sẽ giảm được 118 tỷ đồng chi phí xăng dầu bay. Một báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy việc doanh thu sụt giảm từ hoạt động vận chuyển của hãng trong năm nay gần 2.900 tỷ đồng sẽ khiến chênh lệch thu chi sụt giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm. Nhằm khắc phục tình trạng này, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp như giảm chi phí khai thác, cắt giảm lương cán bộ, nhân viên, cắt giảm các vị trí nhân sự không cần thiết, giảm chi phí thuê tàu bay, chi phí quảng cáo...
Bên cạnh đó, để giảm lỗ trong những tháng còn lại của năm nay, Vietnam Airlines đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không và Tổng công ty Quản lý bay giảm phí khai thác tại các sân bay và hoạt động điều hành bay cho toàn bộ chuyến bay của Vietnam Airlines, với mức giảm 25% (sau khi được giảm giá theo quy định) trên tổng giá trị hóa đơn từ nay đến hết năm. Để tăng nguồn thu trong những tháng còn lại, Vietnam Airlines dự kiến tăng tần suất bay trên một số đường bay tới các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đường bay nội địa.
Không hợp lý?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và Vietnam Airlines nói riêng đã nhận được nhiều ưu đãi về nguồn lực. Do vậy, nếu chỉ vì nguyên nhân hủy chuyến với thị trường Trung Quốc để xin cơ chế hỗ trợ của Nhà nước là không hợp lý. DN đã kinh doanh phải có lãi, có lỗ. Chi phí đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam hiện nay đang cao hơn một số nước trong khu vực, vì vậy Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác cần làm rõ con số lỗ cụ thể, cần đưa con số lỗ tạm thời vào chiến lược kinh doanh dài hạn để cân đối lỗ lãi.
Việc xin ưu đãi giảm 4% thuế nhập khẩu xăng dầu bay cho các hãng hàng không là không hợp lý, bởi việc biệt đãi cho một đơn vị kinh doanh lớn suy cho cùng là lấy tiền thuế của người nghèo hỗ trợ người giàu. DNNN không thể cứ lỗ lại xin cơ chế hỗ trợ để giảm lỗ.
Một chuyên gia khác cho rằng thời gian qua không chỉ Vietnam Airlines hay các hãng hàng không bị thiệt hại, nhiều DN khác cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, nếu chỉ vì điều đó mà cho ưu đãi đặc thù sẽ không bình đẳng. Những ảnh hưởng đó DN tìm cách chia sẻ với Chính phủ và tìm cách vượt qua như các DN khác đang làm, đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách năm nay có những khó khăn nhất định từ các diễn biến trên biển Đông.
Theo một số liệu từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết 7 tháng năm 2014, cả nước có hơn 42.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 262.400 tỷ đồng, giảm 7% về số DN và tăng 17,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký của cả nước trong 7 tháng là 37.600 DN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Bộ GT-VT đã chỉ đạo Vietnam Airlines nghiên cứu phương án tái cơ cấu mạng lưới đường bay, đội tàu bay cho các năm tiếp theo nhằm tăng cường, phát triển các đường bay xuyên lục địa sử dụng đội tàu bay thân rộng, giảm sự phục thuộc vào thị trường Trung Quốc; giảm hoặc duy trì tỷ trọng quốc tế của thị trường này trong tổng thị trường quốc tế của Vietnam Airlines như giai đoạn vừa qua khoảng 8-10%.
>> Lo kinh doanh khó khăn, Vietnam Airlines “xin thêm” hàng loạt cơ chế
>> Vietnam Airlines xin ưu ái Cổ phần hóa: Thành quả lớn nhất là... độc quyền!