“Cổ phần hóa gắn với niêm yết mới có hàng hóa chất lượng cho thị trường”
Lâu nay, nhắc đến vốn, người ta hay nghĩ đến ngân hàng, nhưng vốn cho nền kinh tế còn đến từ nhiều “cửa” khác nữa. Theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân (ảnh), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi cần vốn, DN có thể phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu DN trên thị trường để huy động vốn trung và dài hạn, còn các ngân hàng thương mại chỉ có thể đáp ứng nguồn vốn ngắn hạn.
Đối với Việt Nam hiện nay, vốn cho hoạt động DN vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Ông nghĩ sao ?
Chúng ta đã xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đồng bộ đầy đủ các quyền lực của thị trường, trong đó để tạo vốn cho DN phải phát triển mạnh và bền vững thị trường tài chính, thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó thị trường vốn thông qua thị trường chứng khoán để làm sao tạo ra được một sân chơi, nơi mà các DN khi cần vốn có thể phát hành lượng cổ phiếu hoặc trái phiếu DN trên thị trường để huy động vốn trung và dài hạn, còn các ngân hàng thương mại chỉ là nơi đáp ứng nguồn vốn ngắn hạn.
Xác định là như vậy nhưng để làm được đúng theo mục đích lại là một vấn đề, thưa ông?
Chúng ta phải xác định, phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để thay đổi mô hình công ty, phải chuyển từ công ty trách nhiệm một thành viên sang công ty cổ phần để có thể huy động vốn, cổ phiếu, phát hành trái phiếu để huy động vốn trên thị trường.
Tuy nhiên, điều kiện để công ty cổ phần có thể huy động được vốn trên thị trường còn khắt khe hơn đi vay ngân hàng…
Lâu nay chúng ta cứ nghĩ là huy động vốn trên thị trường tài chính dễ hơn là đi vay ngân hàng nhưng thật sự là ở đây điều kiện phải khắt khe hơn, bởi nhà đầu tư phải chọn lựa DN nào an toàn, có báo cáo tài chính minh bạch, được kiểm toán, các báo cáo công khai và liên tục cập nhật thông tin trên thị trường. Điều này cho thấy, để DN huy động được vốn trên thị trường, điều kiện cần là phải rõ ràng và minh bạch, đã có những luật chi phối vấn đề này và người dân, cổ đông có thể tăng cường giám sát, bởi họ là nhà đầu tư mà nhà đầu tư thì rất đa dạng.
Đồng thời chính thị trường tài chính qua giá cổ phiếu lại là tấm gương phản chiếu hiệu quả hoạt động của DN nên DN thông qua thị trường sẽ kịp thời chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của mình, có thể theo dõi diễn biến của thị trường để soi rọi bản thân mình và hoạt động hiệu quả hơn.
Như vậy, chắc chắn trong thời gian tới, việc phát triển thị trường vốn rất quan trọng bởi nó sẽ hỗ trợ cho DN phát triển?
Một điểm mà hiện nay tôi thấy lo lắng là, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% năm của năm nay, tổng vốn đầu tư xã hội phải chiếm khoảng 32% GDP, tức là khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng mà trong đó đã xác định, cơ cấu vốn của Nhà nước chiếm tỷ lệ thấp, còn lại là nguồn vốn của nhân dân phải chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn của nhân dân phải trên 44% tổng vốn đầu tư, như vậy là gần 700 nghìn tỷ đồng vốn từ nhân dân để tăng vốn đầu tư xã hội.
Vậy vốn nhân dân lấy từ đâu, một “ngõ” duy nhất mà từ trước nay mình cứ suy nghĩ là từ vốn vay ngân hàng chuyển thành vốn đầu tư nhưng nay phải nghĩ một cách nữa là vốn nhân dân xuất phát từ thị trường tài chính. Vậy phải làm sao cho thị trường tài chính, thị trường chứng khoán đảm bảo minh bạch? Câu trả lời là các công cụ giám sát để tránh sự lũng đoạn của thị trường phải được tăng cường để thị trường phát triển.
Có thể thấy, thị trường vốn rất nhạy cảm với những thông tin kinh tế vĩ mô như bội chi, ngân sách, nợ công, lạm phát, lãi suất và cả tình hình biến động kinh tế thế giới. Vậy để ổn định và phát triển thị trường này thực sự là một “bài toán” khó?
Thị trường chứng khoán là một bộ phận của thị trường tài chính nên sự phối hợp của các thị trường tiền tệ, ngoại hối, vốn, thị trường chứng khoán phải có sự nhịp nhàng và hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, một điều kiện căn bản để thị trường chứng khoán phát triển bền vững là điều kiện về môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và dự đoán được những vấn đề về kinh tế, xã hội thế giới. Tại sao sự kiện xảy ra ở Bỉ mà cả thế giới rung động vì nó tác động đến những điều kiện thương mại, kinh tế, ngoại giao, chính trị của các quốc gia, nên người đầu tư cũng cần hiểu biết về mối quan hệ kinh tế vĩ mô đối với thị trường chứng khoán.
Riêng về giải pháp, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đơn vị kinh doanh chứng khoán thực hiện tính minh bạch để có điều kiện cạnh tranh công bằng và phải làm rõ tính minh bạch đó, thể hiện ở giải pháp chống kinh doanh nội gián, chống lũng đoạn thị trường và phải nâng hình phạt cao hơn.
Thứ hai là tạo điều kiện cho DNNN đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đó là yêu cầu cổ phần hóa phải gắn với niêm yết, phải bắt buộc thời gian nhanh hơn, ví dụ sau cổ phần hóa bao nhiêu tháng thì phải niêm yết để tạo hàng hóa chất lượng cao trên thị trường. Dĩ nhiên, thị trường có hàng hóa chất lượng cao và hàng hóa chất lượng chưa cao nhưng thị trường sẽ có sự sàng lọc.
Thứ ba là phải phát triển các công cụ thị trường chứng khoán phái sinh để các nhà đầu tư có thể bảo vệ mình trước các cơn sóng của thị trường.
Còn thị trường trái phiếu DN thì sao, thưa ông?
Chúng ta phải giới thiệu rộng rãi thị trường trái phiếu DN để nhà đầu tư hiểu rõ về trái phiếu DN. Thông thường lãi suất của trái phiếu DN sẽ thấp hơn trái phiếu ngân hàng nhưng lại có rủi ro, bởi tiền gửi ở ngân hàng có bảo hiểm tiền gửi còn đối với DN không có bảo hiểm trái phiếu DN, cho nên bản thân DN đó phải gắn với niêm yết để minh bạch thông tin, từ đó nhà đầu tư giám sát và hiểu được chiến lược phát triển của DN đó.
DN thích phát hành trái phiếu bởi lãi suất trái phiếu DN thường cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng nhưng lại thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng, như vậy khuyến khích DN chủ động trong phát hành trái phiếu nhất là những DN có thương hiệu, tiềm lực, tài chính, hoạt động hiệu quả. Thuận lợi là thế nhưng chỉ có số ít DN quan tâm bởi để làm được việc này đòi hỏi thị trường trái phiếu DN phải được quảng bá ra thị trường. Cùng với đó, DN phải chủ động, sẵn sàng với vấn đề kiểm toán, thông tin minh bạch hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Báo Hải quan