Còn nhiều trở ngại trong đầu tư
Hạ tầng giao thông, các ngành công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực chất lượng cao là những quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài
- 08-03-2015DN Hàn Quốc đầu tư dự án 100 triệu USD tại Hà Nam
- 07-03-2015TP.HCM: Hai nhà đầu tư được chấp thuận rút khỏi khu đất “vàng”
- 07-03-2015Bùng nổ đầu tư vào bất động sản của các Công ty bảo hiểm
Tại hội nghị gặp gỡ đầu năm 2015 giữa lãnh đạo TP HCM và các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức tại TP HCM vào đầu tháng 3-2015, các hiệp hội và DN nước ngoài trên địa bàn TP đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo TP HCM về những vướng mắc và khó khăn cần tháo gỡ để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn.
Nhiều vướng mắc
TP HCM hiện đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến ngày 31-12-2014, trên địa bàn TP có 5.310 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 36,28 tỉ USD. Riêng năm 2014, vốn FDI vào TP HCM tăng trưởng mạnh mẽ với 457 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đăng ký 2,88 tỉ USD, tăng 2,7 lần so với năm 2013.
Tuy nhiên, hoạt động của DN FDI trong năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam - cho rằng môi trường đầu tư tại TP HCM có chuyển biến rõ rệt, tuy nhiên tính pháp lý cần phải minh bạch tuyệt đối. Ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản, cũng thẳng thắn góp ý với lãnh đạo TP: Hệ thống pháp lý vẫn chưa minh bạch, quy trình thủ tục hành chính còn phức tạp, như thủ tục thuế, hải quan… vẫn còn gây khó khăn cho DN. Trao đổi bên lề hội nghị, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS (Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam), cho biết: Trong hơn 9 tháng qua, VWS đã đóng hơn 1 triệu USD tiền thuế GTGT nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn tiền thuế này. Công ty đã làm việc với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan nhưng kết luận cuối cùng vẫn bỏ ngỏ.
Phát triển hạ tầng và công nghiệp phụ trợ
Nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở TP HCM kéo dài đã gây quan ngại cho nhà đầu tư. Ông Phạm Thái Lai, Tổng Giám đốc Siemens, cho rằng TP cần đẩy mạnh các dự án về giao thông, nhất là hệ thống metro và các phương tiện giao thông công cộng; phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm giảm giá thành sản phẩm. Theo khảo sát của Hiệp hội DN Nhật Bản, mức độ mua sắm linh kiện từ các công ty Việt Nam của DN Nhật Bản tại Việt Nam chỉ chiếm 14,4% trong khi đó tỉ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản tại Thái Lan là 21%.
Đại diện Intel Việt Nam cho rằng TP cần phát triển các cụm công nghiệp phụ trợ để DN Việt Nam có điều kiện tham gia cung ứng sản phẩm cho các DN nước ngoài; đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - gửi thông điệp đến DN là lãnh đạo TP HCM làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư, xem khó khăn của DN là khó khăn của chính cơ quan lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan này cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu tốt hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, về nguồn nhân lực, về môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch...
Ông Kevin Moore phản ánh: “Chúng tôi đầu tư tại TP HCM về lĩnh vực môi trường gần 10 năm nay, luôn thực hiện đúng các cam kết với TP. Song, trong thời gian gần đây, theo yêu cầu của TP, Khu Xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận thêm 2.000 tấn/ngày, nâng công suất lên 5.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc thỏa thuận đơn giá xử lý rác cho TP đối với khối lượng chất thải tăng lên vẫn chưa đạt kết quả cuối cùng. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất, TP và công ty sẽ chốt lại thỏa thuận về giá xử lý này. Chúng tôi phát triển dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh ở Long An để tiếp tục tiếp nhận toàn bộ khối lượng chất thải phát sinh cho TP HCM. Hiện VWS đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án tại Long An với vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 500 triệu USD nhưng vẫn đang gặp những khó khăn như có thể phải thương thảo lại hợp đồng với TP hoặc đầu tư mà không được hoàn thuế GTGT...”.
Theo Song Nguyễn
Người lao động