Công nghiệp hỗ trợ ngành cao su: Hứng mảnh vụn
"Chúng ta cung cấp được cục cao su gác chân, cao su giảm chấn, cao su đệm... còn phần lớn các linh kiện cao su cao cấp như dây đai truyền lực, phốt, ống cao su thủy lực... đều nhập khẩu hoặc do các DN FDI cung ứng.
Miếng bé cũng khó chen chân
Theo khảo sát của Hội Cao su - Nhựa TP.HCM về năng lực hội viên tham gia vào CNHT hai ngành ô tô và xe máy, 90% doanh nghiệp (DN) không đáp ứng được về công nghệ; 90% khác khi được chào hàng sản phẩm trả lời không làm được; và nếu có làm được thì 95% không đáp ứng được yêu cầu về giá.
Thống kê từ Cục Hóa chất cho biết, số lượng DN trong ngành cao su rất khiêm tốn so với ngành nhựa, chỉ khoảng 200 DN, bao gồm 40 DN sản xuất, kinh doanh săm lốp và 160 DN sản xuất các mặt hàng liên quan đến cao su kỹ thuật như: băng tải, đai truyền lực, ống, joint, linh kiện ô tô, linh kiện xe máy. Trong đó, TP.HCM chiếm 2/3 DN trên cả nước (đạt khoảng 50% năng lực sản xuất cao su kỹ thuật).
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết, mỗi năm sản lượng cao su kỹ thuật Việt Nam sản xuất đạt khoảng 15.000 tấn, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Vì thế, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu gần 600 triệu USD sản phẩm cao su kỹ thuật từ Trung Quốc.
"Có một DN đặt hàng mỗi năm 10 triệu ron. Nhưng khi tôi đưa đơn hàng cho DN hội viên thì giá chào cao gấp 10 lần giá DN đặt hàng kỳ vọng. Điều quan trọng nữa là 90% các DN không đáp ứng được vấn đề về quản trị", ông Quốc Anh kể.
Sở dĩ các DN nhựa - cao su trong nước chào giá bán các sản phẩm CNHT quá cao là vì hầu hết không được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại đủ sức làm các đơn hàng số lượng lớn và chất lượng cao.
Năm 2011, dự án nhà máy kỹ thuật cao chuyên sản xuất dây truyền lực biến đổi liên tục dùng cho hộp số tự động (CVT) cho ô tô kỹ thuật cao, có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 30 triệu Euro do Tập đoàn Bosch (Đức) đầu tư tại KCN Long Thành (Đồng Nai) đi vào hoạt động.
Có khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực cao su, trong đó 40 doanh nghiệp sản xuất săm lốp, 160 DN còn lại sản xuất cao su kỹ thuật. Và cũng như thực trạng của ngành nhựa, nguyên liệu cao su phải phụ thuộc nhập khẩu đến 80%. |
Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành cao su Việt Nam, trình độ của các DN Việt chưa cao, cũng chưa có hệ thống thiết kế sản phẩm. Đây được xem là nguyên nhân khiến các DN không thể phát triển sản phẩm mới được.
Ông Quốc Anh cho biết thêm, khi đầu tư vào Việt Nam, các DN nước ngoài không bao giờ sử dụng nhà cung cấp trong nước nếu nguồn cung cấp đó chưa ổn định.
Điển hình như Honda khi sang Việt Nam, kéo theo các nhà cung ứng lốp xe là Công ty Inoue, nhà cung ứng bình ắc quy là Công ty GS, nhà cung ứng thiết bị, phụ tùng cao su kỹ thuật là Công ty Nok. Tỷ lệ cung ứng của DN Việt Nam cho Honda chưa đầy 1%.
"Chúng ta cung cấp được cục cao su gác chân, cao su giảm chấn, cao su đệm... còn phần lớn các linh kiện cao su cao cấp như dây đai truyền lực, phốt, ống cao su thủy lực... đều nhập khẩu hoặc do các DN FDI cung ứng. SYM cũng vậy, khi đến Việt Nam, họ kéo Kenda (nhà cung ứng lốp xe), Tuico (nhà cung ứng cao su kỹ thuật) từ Đài Loan sang", ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.
Theo thống kê, ngành cao su kỹ thuật phần lớn là đóng góp vào ngành CNHT. Điển hình, doanh số thị trường toàn cầu năm 2013 là 116 tỷ USD. Riêng thị trường Mỹ, mỗi năm chi 8,8 tỷ USD để mua miếng đệm cao su Gasket và Seal cao su.
Vì nhận thấy sự đóng góp của CNHT vào sự phát triển của các ngành công nghiệp khác là rất lớn, nên nhiều tập đoàn cao su lớn trên thế giới đã chi rất mạnh tay vào lĩnh vực này.
Điển hình là Công ty Continental, đơn vị chuyên sản xuất săm lốp, nhưng lại có các mảng về CNHT làm ống, phụ tùng cung cấp cho các tập đoàn ô tô trên thế giới. Doanh thu của lĩnh vực này mỗi năm mang về cho Continental khoảng 3.887 triệu euro. Hay Tập đoàn Hutchison (Pháp), chuyên sản suất, cung ứng linh kiện cho các hãng điện tử, cũng có doanh thu khoảng 2.281 triệu euro/năm.
Trong khi, Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (Ruthimex) thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, đơn vị được xem là "đại gia" trong ngành cao su Việt Nam, cũng chỉ có doanh thu mỗi năm khoảng 30 triệu USD, tức bằng khoảng 1/200 Công ty Continental và bằng 1/100 của Hutchison.
Điều này cho thấy ngành CNHT của Việt Nam còn quá nhỏ. Theo đó, để các DN Việt có được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng linh kiện cao su kỹ thuật cho các tập đoàn điện tử, ô tô lớn trên thế giới hẳn còn là thử thách lớn.
Kinh nghiệm từ Ruthimex
Làm việc với các tập đoàn nước ngoài là dựa trên cơ sở chứng từ để truy xuất nguồn gốc, chứ không thể dựa trên kinh nghiệm.
Ruthimex là đơn vị đang cung ứng các sản phẩm phụ tùng cho các dòng xe Honda, Mazda, Suzuki, Toyota, Daihasu và Nissan thông qua nhà cung ứng trung gian.
Lý giải việc tại sao các công ty đa quốc khi vào Việt Nam thường mang theo rất nhiều DN "chân rết" chứ ít sử dụng DN bản địa, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Ruthimex, cho hay, khi DN hoạt động trong một ngành nghề nào đó thì phía đối tác luôn yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng.
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu (đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%) cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25%. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu, trong đó lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, đến năm 2020 đáp ứng 60% nhu cầu linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp, năm 2030, đáp ứng 80% nhu cầu. |
Tuy nhiên, khi đã có chứng nhận quốc tế, DN phải có đầy đủ các chứng chỉ, các hệ thống quản lý chất lượng để làm và tiếp cận với những khách hàng lớn. Thông thường, khách hàng thường trải qua khoảng 4 - 5 giai đoạn. Đầu tiên là DN mua hàng tiếp cận DN Việt Nam, sau đó họ sẽ đưa một loạt câu hỏi liên quan đến hệ thống chất lượng.
Các DN Việt Nam không thể nói theo kinh nghiệm, mà phải chứng minh bằng hồ sơ chứng từ, những việc làm của DN đều được lưu lại bằng chứng từ để làm cơ sở truy xuất. Riêng ngành ô tô, khi sản phẩm ra khỏi nhà máy, tới tay người tiêu dùng, một khi gặp sự cố, cần truy xuất nguồn gốc DN để biết được vấn đề đó xuất phát từ nhà máy, dây chuyền, người quản lý?...
Theo ông Hồng, trong một chiếc xe hơi có khoảng 50 cụm, trong các cụm đó lại có rất nhiều phụ tùng liên quan đến cơ khí, nhựa, cao su, điện tử...
"Thông thường những DN thiết kế đưa những yêu cầu rất cao. Các DN Việt Nam, nhiều khi muốn lấy đơn hàng đã vội vàng đồng ý ngay mà quên mất yếu tố thương lượng. Thực tế, ngay từ đầu chúng ta cũng phải thương lượng, trong trường hợp đạt được mức độ đó, mình sẽ thương lượng rằng, mình chỉ làm tới đây thôi, tất nhiên phía đối tác cũng sẽ xem xét. Trong quá trình làm việc với đối tác, DN phải kiên trì bằng cả nguồn lực. Chẳng hạn, khi sửa tới sửa lui một chi tiết sản phẩm, bao giờ DN cũng nên đặt từ nhỏ đến lớn, nên nguồn lực DN bao giờ cũng phải đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Nếu ngay từ đầu thấy số lượng nhỏ quá mà từ chối là không được", ông Hồng phân tích.
Hiện nay, ngoài các sản phẩm thông thường cung ứng cho các hãng ô tô, Ruthimex cũng đã có những liên kết với khách hàng lớn của thế giới như: BMW, Ford và các dòng xe hạng sang, thế nhưng, DN vẫn không thể bán trực tiếp cho nhà sản xuất mà phải bán qua đơn vị trung gian là các nhà phân phối có công nghiên cứu và thiết kế sản phẩm.
Casumina: Hành trình trở thành nhà cung ứng
Dù sản phẩm của DN được cung ứng cho Tập đoàn Nissan, nhưng đến nay, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) vẫn phải thông qua đơn vị trung gian thứ ba chứ chưa thể xuất trực tiếp đến nhà sản xuất.
Gần 10 năm trước, Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (nay là Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam - Casumina) ký hợp đồng lắp đặt và chuyển giao dây chuyền thiết bị tự động sản xuất ống cao su kỹ thuật Spiral với Công ty Teito Rubber (Nhật Bản). Với tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất ống cao su kỹ thuật này sẽ cung cấp 5 triệu sản phẩm/năm (trong đó 70% dành cho xuất khẩu).
Ống Spiral là sản phẩm cao su kỹ thuật cao, được chế tạo bởi sợi tổng hợp (rayon), chịu được áp lực mạnh, nhiệt độ cao, dùng để truyền dẫn nước, xăng, dầu trong xe ô tô. Được biết, việc đưa dự án ống Spiral vào sản xuất sẽ giúp cho sản lượng ống cao su kỹ thuật xuất sang thị trường Nhật tăng lên 10 container/tháng.
Sau đoạn đường gần một thập niên, doanh thu của Casumina đạt hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Thế nhưng việc "thoát khỏi" Teito Rubber để trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho Tập đoàn Nissan là dường như không thể đối với Casumina. Rào cản ở đâu?
Theo ông Nguyễn Đình Đông, Phó tổng giám đốc Casumina, việc trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các tập đoàn ô tô hay điện tử lớn trên thế giới là rất khó, bởi những đơn vị này có nhiều yêu cầu vô cùng khắt khe mà không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được.
"Ngay như việc cung ứng lốp xe cũng vậy, mỗi năm Casumina gia công cho Công ty Continental để cung ứng cho các nhà sản xuất xe máy, ô tô trên thế giới", ông Đông cho biết.
Song, đứng ở góc độ là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực cao su, ông Quốc Anh cho rằng, về lĩnh vực lốp xe, dĩ nhiên Casumina rất khó để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia có mạng lưới phủ rộng trên thế giới như: Kumho, Goodyear hay Yokohama...
Do đó, việc chọn cách trở thành đơn vị giá công cấp hai cho những DN cung ứng cho các hãng điện tử, ô tô lớn cũng là cách làm thận trọng. Song, điều lo ngại liên quan các vấn đề về thiết kế, hàng không bị lỗi, không thừa, không thiếu và giao hàng đúng hạn. Đây được xem là những nguyên tắc bất biến trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, thiết kế vẫn được xem là khâu yếu nhất của các DN sản xuất trong ngành cao su. "Rất nhiều DN vẫn chưa các có thiết bị tiên tiến. Hệ thống quản lý chưa bảo đảm. Chưa đồng đều chất lượng. Trong khi khách hàng luôn đòi hỏi sản phẩm cung ứng phải có tỷ lệ phế phẩm gần như bằng 0", ông Quốc Anh cảnh báo.
Một chiếc tô có hàng trăm chi tiết cao su trong đó, vì thế, chỉ cần một chi tiết giao thừa, hay thiếu thì nhà sản xuất bắt buộc phải tháo toàn bộ lô hàng, đôi khi lên tới hàng nghìn chiếc xe để kiểm tra. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đông cho hay, đối với ống Spiral, Casumina đã đạt mức 98% quy định của các nhà cung ứng, trong khi lốp xe, DN đạt mức 100% theo quy định của đơn vị đặt hàng.
Với cách làm này, năm 2013, xuất khẩu của Casumina đóng góp khoảng 30% vào doanh thu. Các năm tiếp theo, Casumina đang phấn đấu đạt 50% doanh thu từ xuất khẩu.