MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty TNHH MTV Điện lực Hải phòng: Thất thu hàng chục tỷ đồng vì… Luật!

31-05-2013 - 09:31 AM | Doanh nghiệp

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả 3 công ty đã không thực hiện đúng cam kết, chỉ sử dụng 1 lượng điện thấp hơn nhiều so công suất đăng ký, gây lãng phí thiết bị đã đầu tư với tổng giá trị 37,2 tỷ.

Từ năm 2001 - 2007, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã ký hợp đồng đầu tư xây dựng đường dây 110 KV và trạm biến áp để cung cấp điện sản xuất cho 3 khách hàng sử dụng điện với công suất lớn là Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty Cổ phần Thép Cửu Long và Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ với tổng giá trị đầu tư trên 146 tỷ đồng.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả 3 công ty đã không thực hiện đúng cam kết, chỉ sử dụng 1 lượng điện thấp hơn nhiều so công suất đăng ký, gây lãng phí thiết bị đã đầu tư với tổng giá trị 37,2 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền điện còn nợ cũng lên tới 23,503 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, cũng là bên bán điện - Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng

Hiện nay, cả 3 doanh nghiệp trên đang đứng trước nguy cơ phá sản, toàn bộ tài sản đều đã thế chấp ngân hàng, không còn khả năng thanh toán tiền điện và bù đắp thiệt hại do để lãng phí thiết bị đã đầu tư theo cam kết, buộc Công ty TNHH MTV Điện Lực Hải Phòng phải tính đến phương án đưa vụ việc ra Tòa.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền điện, lãng phí giá trị đã đầu tư các công trình đường dây và trạm kể trên, có một nguyên nhân do sự bất cập trong các quy định của Luật Điện Lực. Cụ thể, Điều 23 khoản 6, Luật Điện lực quy định: “Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán thông báo ba lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện”. Nếu thời gian ngừng cấp điện được cơ quan chức năng (trực tiếp là Quốc hội) xem xét, rút ngắn xuống còn 5, thậm chí 3 ngày kể từ lần thông báo đầu tiên, chắc chắn sản lượng điện bị lãng phí hoặc số tiền điện bị nợ đọng sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, Luật Điện lực cũng cần bổ sung thêm nội dung: “Đối với khách hàng sản xuất ghi chỉ số 3 kỳ/tháng (có sản lượng điện sử dụng trung bình > 100.000 KWh/tháng) phải đặt cọc hoặc có thư bảo lãnh cho bên bán điện. Giá trị tiền đặt cọc hoặc thư bảo lãnh tương đương với số tiền điện của 1 kỳ ghi chỉ số cộng với số tiền sử dụng điện bình quân của 15 ngày tiếp theo”. Vì theo quy định hiện nay, khi các doanh nghiệp sản xuất ghi chỉ số 3 kỳ/tháng nợ tiền điện của kỳ ghi chỉ số trước nhưng bên bán điện chỉ có thể thực hiện ngừng cấp điện sau 15 ngày thì sẽ phát sinh thêm số nợ tiền điện của kỳ ghi chỉ số tiếp theo.

Theo Kim Thành

thunm

Thanh tra

Trở lên trên