MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCP hóa chất: Giải quyết chế độ cho NLĐ theo cảm tính

28-10-2013 - 07:39 AM | Doanh nghiệp

Cũng theo ông Thuật, từ đầu năm đến nay, số người còn làm việc chỉ có mức thu nhập khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2010 đến nay là thời kỳ làm ăn hết sức khó khăn của Cty CP hóa chất. Chính vì thế, trong vòng 3 năm qua, đã có khoảng 30 lao động của DN này xin nghỉ việc. Nhưng điều đáng nói là việc chi trả chế độ cho họ không được DN thực hiện theo quy định của Luật Lao động, dẫn đến một số CNLĐ đã gửi đơn đến Báo Lao Động và một số cơ quan chức năng.

Ban đầu chi theo khả năng…

Ông Vũ Ngọc Thuật – Phó Tổng GĐ Cty CP hóa chất – cho biết, 3 năm gần đây do suy thoái kinh tế, Cty có số nợ xấu quá lớn khiến cho tình hình tài chính của Cty vô cùng khó khăn. Việc vay vốn ngân hàng cũng bị thắt chặt nên hoạt động kinh doanh ngày càng bí bách. Tính đến hết tháng 9.2013, đơn vị mới đạt doanh thu bằng 17% kế hoạch năm.

Cty cổ phần hóa chất: Giải quyết chế độ cho NLĐ theo cảm tính

Trụ sở của Cty CP hóa chất tại số 135 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Bắc Việt

Cũng theo ông Thuật, từ đầu năm đến nay, số người còn làm việc chỉ có mức thu nhập khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng. Khó khăn lớn, thu nhập giảm sút nên số NLĐ xin nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng LĐ tăng dần trong 2 năm gần đây. 9 tháng đầu năm nay, có gần 20 người xin chấm dứt hợp đồng LĐ và chuyển công tác. Nhưng do DN đang rất khó khăn nên việc chi trả chế độ trợ cấp thôi việc cho NLĐ được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Nguyễn Đình Hùng (54 tuổi, đã có gần 30 năm làm việc cho Cty) xin được chấm dứt hợp đồng LĐ từ 1.6.2013 và được trợ cấp thôi việc 35 triệu đồng. Anh Phạm Văn Trường (37 tuổi, có hơn 10 năm công tác) xin chấm dứt hợp đồng LĐ từ 1.7.2013, được hưởng trợ cấp thôi việc 7,4 triệu đồng.

Tất cả những người thôi việc thời gian gần đây như 2 trường hợp trên đều phải viết “Đơn xin chấm dứt hợp đồng LĐ”, trong đó phải ghi rõ đồng ý nhận số tiền trợ cấp thôi việc theo sự thỏa thuận trước đó với Tổng GĐ Cty. Theo đánh giá chung của NLĐ thì DN chỉ đồng ý chi trả trợ cấp thôi việc cho họ bằng 60 – 70% chế độ chung.

Lý giải về vấn đề này, ông Thuật nhấn mạnh rằng, mọi việc đã được thỏa thuận trên tinh thần hoàn toàn thoải mái với NLĐ. “Trong lúc DN đang khó khăn, không còn khả năng chi trả mà NLĐ lại kéo nhau xin nghỉ việc như vậy, khiến chúng tôi càng thêm phần khó khăn. Nguồn vốn đầu tư cho SXKD còn thiếu mà NLĐ không thông cảm thì thật khó cho DN” – Phó Tổng GĐ Cty nói thêm như vậy.

…rồi chấm dứt luôn việc chi trả

Một CN (xin được giấu tên) đang muốn xin chấm dứt hợp đồng LĐ bức xúc nói rằng, việc chi trả trợ cấp theo thỏa thuận dù sai nhưng vẫn còn tạm chấp nhận được; nhưng kể từ 1.7 năm nay, Tổng GĐ Cty Phạm Thanh Phong đã ký văn bản thông báo “tạm thời không chi tiền trợ cấp thôi việc cho những NLĐ chấm dứt hợp đồng” thì thực sự là một sự vi phạm trắng trợn pháp luật về LĐ. Hiện nay có một số LĐ đang tiếp tục muốn xin thôi việc, nhưng với quyết định bất chấp cả quy định chung như vậy, họ rất bất bình.

Anh P.V.T - một nhân viên đã thôi việc - vẫn tỏ ra bức xúc, không “tâm phục” quyết định của Cty đã cho rằng, dù có khó khăn nhưng lẽ ra Cty phải tuân thủ quy định của pháp luật. Việc để cho hiệu quả SXKD ngày càng đi xuống khiến NLĐ không tin tưởng ở DN này và họ tìm cách rời khỏi nơi đó là điều dễ hiểu và họ hoàn toàn có quyền được hành động như vậy.

Cựu nhân viên Cty còn tiết lộ thêm rằng, việc thỏa thuận với DN về số tiền trợ cấp được lĩnh khiến nhiều người hết sức mệt mỏi. Về chủ trương chung, Cty muốn “ghìm” số tiền chi cho NLĐ ở mức thấp nhất và đến nay họ đã đưa việc chi trả đó về con số không.

Có lẽ đến lúc này, các cơ quan chức năng ở quận Long Biên và TP.Hà Nội cần vào cuộc để kết luận rõ cách làm “một mình một kiểu” của Cty CP hóa chất, giúp NLĐ ở DN này được hưởng những gì họ xứng đáng được hưởng.

Theo Phạm Linh

thunm

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên