MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc bành trướng của C.P

26-02-2013 - 14:24 PM | Doanh nghiệp

Mô hình 3F trong ngành nông nghiệp đang được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Việc sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp C.P giảm rất nhiều chi phí trong mô hình trang trại.

Mô hình 3F trong ngành nông nghiệp đang được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. 3F được hiểu là chuỗi khép kín thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình này phải đầu tư nhà máy sản xuất nguồn thức ăn chăn nuôi đến việc xây dựng trang trại nuôi, giết mổ và sản xuất thực phẩm chín.

Với mô hình 3F, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) được đánh giá là hoàn thiện nhất. Chi phí thức ăn chăn nuôi trung bình chiếm 75% giá bán thịt heo, trong khi đó chi phí này lên đến 80% đối với ngành tôm. Việc sản xuất thức ăn chăn nuôi vô hình trung đã giúp C.P giảm rất nhiều chi phí trong mô hình trang trại của mình.

Vốn điều lệ của C.P Việt Nam là 1.224 tỉ đồng nhưng riêng mức doanh thu của 2 mảng Feed (thức ăn chăn nuôi) và Farm (chăn nuôi) trong mô hình 3F năm 2011 đạt 29.700 tỉ đồng doanh thu, đạt hơn 1.800 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Sau khi bắt đầu đánh mạnh vào mô hình Food (thực phẩm) từ đầu năm 2012, doanh thu của C.P tăng trưởng khá mạnh. Theo báo cáo của công ty C.P mẹ tại Thái Lan, doanh thu trong 6 tháng 2012 của C.P Việt Nam đạt 15.400 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế và lãi vay đạt xấp xỉ 1.200 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu thức ăn chăn nuôi chiếm 52,6%, còn lại là doanh thu từ các sản phẩm chăn nuôi và thực phẩm. Điều này phần nào khẳng định hiệu quả của 3F

Đẩy mạnh ngành thực phẩm

Chính thức vào Việt Nam từ năm 1992, C.P bắt tay vào xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai và Hà Tây. Đây là bước đầu tiên và cũng là nền móng cho mô hình chuỗi khép kín trong ngành nông nghiệp. Sau đó, C.P bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất giống ngô tại Đồng Nai.

Hiện nay, C.P. Việt Nam có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, rải đều khắp các tỉnh trên cả nước. Trong đó, 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản và 1 nhà máy sấy ngô. Thức ăn chăn nuôi do Công ty sản xuất được cung cấp cả nước. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm C.P tại tỉnh Bình Dương là nhà máy mới nhất, được xây dựng và bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Nhà máy này được đánh giá là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất châu Á. Đến nay, hệ thống kho chứa và phân phối thức ăn của C.P đã trải rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước.

ông Jittisart Jittiloet Sakulchai, Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam thuộc Tập đoàn CP Thái Lan cho biết, Công ty sẽ đầu tư 60 triệu USD và 70 triệu USD cho 2 năm 2013 và 2014 để tiếp tục đầu tư mạnh vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam. Thị phần thức ăn chăn nuôi của C.P chiếm 18% cả nước và thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, ông Lực cho biết. Sắp tới, C.P sẽ xây dựng thêm một nhà máy thức ăn tại Bình Định.

Có tiềm lực mạnh và đặt mục tiêu chuỗi khép kín từ đầu nên ngay từ năm 1993, C.P Việt Nam mở rộng đầu tư xây dựng trại gà giống và nhà máy ấp trứng tại nhiều tỉnh thành. Hiện C.P chiếm hơn 30% nguồn cung cấp trứng gà và 5% thị phần thịt heo trong cả nước. Ngoài ra, công ty đẩy mạnh chăn nuôi các loại lợn, gà thịt, gà đẻ. Mở rộng kinh doanh lĩnh vực trại gây giống và nuôi tôm thẻ chân trắng, cá tại một số tỉnh miền Tây. Sản xuất tôm thịt và cá thịt ở các trại là nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất thủy sản đông lạnh phục vụ xuất khẩu của Công ty.

Mất gần 20 năm C.P mới hoàn thành mô hình 2F (Feed và Farm). Phải đến 2001, C.P mới xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Phú Nghĩa để chuẩn bị cho quá trình thực hiện F thứ 3 (Food). Tuy nhiên, C.P có vẻ đang gặp khó trong lĩnh vực này. Theo ông Lực, Công ty mẹ Thái Lan có 80 năm phát triển ngành thức ăn chăn nuôi và trang trại nhưng ngành thực phẩm thì vẫn còn mới mẻ. Chính vì vậy, ngành thực phẩm đang là bài toán khó với C.P.

Với mảng Food, C.P đang trên đà mở rộng kinh doanh lĩnh vực thực phẩm chế biến và phân phối heo mảnh, heo giết mổ, thịt gà tươi, trứng gà so, trứng gà thuốc bắc, tôm chế biến, các sản phẩm thức ăn nhanh như gà quay 5 sao, xúc xích, sản phẩm chế biến chín.

Giữa tháng 6 năm ngoái, ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó Tổng Giám đốc CP Việt Nam, cho biết CP Việt Nam lên kế hoạch hoàn thành hơn 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước với nhiều sản phẩm cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Đến nay, CP mới đầu tư được 400 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu C.P. Fresh Mart, C.P. Kiosk...

Ông Lực cho biết thêm hiện công ty vẫn đang tích cực tìm kiếm đối tác để mở rộng thêm hệ thống cửa hàng trong năm 2013 này. Gặp khó trong việc phát triển mảng thực phẩm, C.P quyết định nhượng quyền thương hiệu trong ngành bán lẻ để đẩy mạnh phân phối mặt hàng thức ăn nhanh mà C.P đang tham gia.

Sắp tới C.P Thái Lan sẽ mở hệ thống bán lẻ 7 Eleven tại các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Việt Nam, ông Piyawat Titasattavorakul, giám Đốc Điều Hành 7 Eleven Thái Lan đã cho biết. Mục tiêu của C.P trong thời gian tới đẩy mạnh mô hình 3F vào các nước này và Việt Nam là tâm điểm.

7 Eleven là Tập đoàn bán lẻ đứng thứ 5 trên thế giới và thuộc top 10 các thương hiệu nhượng quyền tại Mỹ. Hệ thống các cửa hàng tạp hóa 7 Eleven bán tất cả các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng thường ngày, đồ uống suốt 24/24. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 1.200 khách hàng mua sắm tại một cửa hàng 7 Eleven tại Thái Lan. Con số tại Nhật Bản này là 1050 và 920 tại Mỹ. Đưa hệ thống fastfood 7 Eleven vào Việt Nam là cách nhanh nhất để C.P mở rộng chuỗi khép kín 3F và đây cũng là bàn đạp để C.P nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thức ăn nhanh đang rất béo bở tại Việt Nam.

Vài năm trở lại đây, một loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm trong và ngoài nước đã đua nhau xây dựng mô hình sạch từ trang trại đến bàn ăn, điều này đang tạo ra một cuộc cạnh tranh ngầm giữa nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh một loạt các doanh nghiệp nước ngoài như C.P, Lotte, Jollibee, GreenFeed. Nhiều doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần Vissan, Công ty cổ phần Thực phẩm Gia đình Anco, Massan cũng đang trong guồng đua này.

Trong đó, Vissan nổi lên như là doanh nghiệp Việt thực hiện mô hình 3F khá rõ nét. Tuy nhiên, thời điểm này Vissan mới chỉ mạnh F cuối cùng là lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Vissan liên kết với một đơn vị khác cung cấp. Như vậy, nguồn con giống và thức ăn chăn nuôi Vissan chưa thực hiện được.

Vissan vừa tuyên bố xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm tại miền Bắc và mở cửa hàng thực phẩm thứ 102, với mục đích nhận diện thương hiệu tại TP.HCM vào cuối năm 2012. Vissan có thể đấu nổi chuỗi cửa hàng bán lẻ mà C.P đang chuẩn bị đưa vào Việt Nam không? Mặc dù doanh thu trong ngành thực phẩm của Vissan đạt 4.400 tỷ đồng/ năm nhưng so với doanh thu và quy mô 3F của C.P thì Vissan còn rất khó mới theo kịp.

Theo Thanh Hương

NCĐT

thunm

Trở lên trên