Cuộc chiến sinh tồn của các công ty gạch ốp lát
Trong cả nước hiện nay có khoảng 47 công ty gạch ốp lát đang hoạt động, trong đó có khoảng 10 công ty mạnh, còn lại là những nhà máy có quy mô nhỏ.
Trên sân nhà, gạch ốp lát mang thương hiệu Việt Nam đang bị lấn lướt bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Có khá ít các công ty trong ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, ngay cả những doanh nghiệp lớn trong ngành như Gạch Đồng Tâm, Taicera cũng chỉ thu được một tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn. Tình trạng bi đát đến nỗi nhiều công ty trong ngành bị kiểm toán ngoại trừ khi thực hiện khấu hao thấp hơn mức thực tế để ghi giảm bớt con số lỗ báo cáo trước cổ đông.
Ngành gạch ốp lát là ngành cạnh tranh toàn cầu
Ngành gạch ốp lát cần được quan niệm rộng là ngành công nghiệp toàn cầu và các công ty gạch ốp lát của Việt Nam cũng cần xác định rõ họ đang cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành trên phạm vi thị trường toàn cầu. Điều này là bởi những lý do sau:
- Chi phí hậu cần (logistics) được giảm thấp: Khác với những mặt hàng như xi măng có khối lượng lớn và chi phí vận tải đến các thị trường xa thường đắt đỏ, chi phí vận tải thấp trong ngành gạch ốp lát khiến cho cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn khi điều này giúp các công ty thực hiện chính sách sản xuất tập trung và phân phối sản phẩm trên phạm vi toàn cầu.
- Sản phẩm có tính tiêu chuẩn hoá cao và chi phí chuyển đổi thấp: Vì sản phẩm có tính tiêu chuẩn hoá trên toàn thế giới, không có nhiều sự khác biệt theo quốc gia, việc đạt được quy mô lớn sẽ giúp các công ty có lợi thế về chi phí. Ví dụ, việc đạt được quy mô lớn giúp tiết giảm giá thành sản xuất do sản xuất đại trà, chi phí cố định phân bổ trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm xuống. Quy mô lớn cũng giúp các công ty lớn phân bổ chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, chi phí quảng cáo trên một số lượng lớn sản phẩm giúp giảm giá thành. Việc khách hàng có thể chuyển sang sử dụng sản phẩm của hãng khác mà không gặp phải chi phí chuyển đổi nào đáng kể càng khiến khó tìm kiếm sự trung thành từ khách hàng và cạnh tranh theo đó cũng khốc liệt hơn.
- Sự hạ thấp hàng rào thuế quan của các quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: Sự gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO của nhiều quốc gia với cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu theo thời gian sẽ khiến hàng rào thuế quan hạ thấp và điều này đang xoá dần sự phân tách thị trường quốc gia, đưa thị trường gạch ốp lát trở thành một thị trường toàn cầu.
Các nhóm chiến lược trong ngành
Trong một ngành cạnh tranh toàn cầu, thực chất các doanh nghiệp của Việt Nam đang phải cạnh tranh một cách bất lợi với nhiều đối thủ nặng ký đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Hàng Trung Quốc mặc dù tham gia vào tất cả các phân khúc, từ phân khúc giá thấp đến phân khúc giá cao, tuy nhiên, vẫn được định vị chủ yếu là những mặt hàng giá rẻ. Do đó, các những doanh nghiệp Việt Nam được xem là nằm trong cùng phân khúc này với Trung Quốc nên phân khúc này được xem là cạnh tranh khốc liệt nhất khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập với mẫu mã đa dạng và khiến phần lớn các công ty sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam bị thua lỗ hoặc có tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong khi đó, phân khúc cao cấp được chiếm lĩnh bởi các sản phẩm của Ý và Tây Ban Nha, cạnh tranh trong phân khúc này dễ chịu hơn và đem lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Những đặc trưng dẫn đến tình trạng tỷ suất lợi nhuận thấp phổ biến của các công ty gạch ốp lát của Việt Nam
Việc các doanh nghiệp Việt Nam để mất một phần đáng kể thị phần vào tay các công ty gạch ốp lát Trung Quốc trên sân nhà đồng thời bị thua lỗ hoặc có tỷ suất lợi nhuận thấp cho thấy sự bất lợi trong cạnh tranh của các công ty gạch ốp lát tại Việt Nam so với Trung Quốc.
Bảng: Chỉ tiêu tài chính của một số công ty trong ngành năm 2011
Đơn vị tính: tỷ đồng
(*) Những công ty sử dụng số liệu năm 2010
- Môi trường kinh doanh của Việt Nam gây bất lợi cho các công ty gạch ốp lát trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc: Chi phí nhiên liệu và chi phí sử dụng vốn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng chi phí của các công ty gạch ốp lát. Tại Việt Nam, việc giá năng lượng và nhiên liệu như điện, than, dầu liên tục leo thang cùng với việc thường xuyên trong tình trạng bị cắt điện luân phiên là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá thành của các công ty gạch ốp lát Việt Nam cao hơn đáng kể so với các công ty của Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao của Việt Nam cũng gây rất nhiều khó khăn cho các công ty gạch ốp lát khi họ phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn vay ngân hàng.
- Nhiều công ty gạch ốp lát Việt Nam bị kẹt giữa các chiến lược: Nhiều công ty gạch ốp lát của Việt Nam đã không thể theo đuổi chiến lược trở thành nhà sản xuất có chi phí thấp khi so sánh với các công ty sản xuất gạch ốp lát Trung Quốc, cũng không đủ tiềm lực đầu tư để đưa mình trở thành khác biệt hoá bằng việc cung cấp sản phẩm cao cấp khi so sánh với các sản phẩm ngoại nhập từ Ý và Tây Ban Nha. Điều này khiến cho các công ty gạch ốp lát cùa Việt Nam bị kẹt giữa các chiến lược.
- Ngành có hàng rào gia nhập thấp và hàng rào rút lui cao: Việc đầu tư và vận hành các dây chuyền sản xuất gạch ốp lát về cơ bản không phải đầu tư vốn ở mức quá lớn, hơn nữa có thể đầu tư một phần lớn bằng vốn vay ngân hàng, công nghệ và dây chuyền sản xuất rất sẵn mua. Chính điều này khiến ngành có hàng rào gia nhập thấp. Bên cạnh đó, ngành có hàng rào rút lui cao bởi vì các dây chuyền máy móc rất chuyên biệt do đó giá trị thanh lý có thể cực thấp nếu không bán được cho một doanh nghiệp trong ngành có nhu cầu. Hơn nữa với việc công suất gạch ốp lát hiện nay đã bão hoà thì các nhà máy không dám đầu tư mua dây chuyền nên việc chuyển nhượng dây chuyền có thể rất khó khăn. Do đó, nếu bán thanh lý thì giá trị cực thấp. Chính vì vậy, mặc dù kinh doanh thua lỗ thì các công ty vẫn cố gắng bám trụ trong ngành. Điều này khiến cho công suất dư thừa tồn tại dai dẳng và dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp.
- Hàng rào gia nhập thấp và hàng rào rút lui cao dẫn đến tình trạng dư thừa công suất trong ngành: Việc nhiều công ty gia nhập ngành dẫn đến công suất dư thừa lớn. Theo tính toán của các nhà phân tích, hiện nay có khoảng 47 nhà sản xuất gạch ốp lát tại Việt Nam, công suất trong ngành hiện đang vượt nhu cầu rất nhiều, đặc biệt diễn ra ở phân khúc gạch ốp lát kích cỡ nhỏ. Điều này khiến cho các công ty buộc phải tập trung vào cạnh tranh giá bán để khai thác công suất và giải quyết hàng tồn kho, khiến cho biên lợi nhuận sụt giảm. Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, tính đến năm 2010, năng lực sản xuất gạch ốp lát đạt tới 426 triệu m2/năm, trong khi đó thực tế công suất sản xuất chỉ đạt 360 triệu m2/ năm. Năm 2011, công suất của các nhà máy chỉ khoảng 70%, kéo theo đó là gần 30 triệu m2 hàng tồn kho.
Những công ty có tỷ suất lợi nhuận cao trong ngành
Trong bối cảnh chung ảm đạm đó của ngành gạch ốp lát Việt Nam, vẫn có một vài công ty thu được tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với mặt bằng chung của ngành. Ba ví dụ có thể kể ra là Tập đoàn Prime, Công ty cổ phần Trung Đô và Công ty cổ phần CMC. Có hai lý do cơ bản được đưa ra ở đây:
- Thứ nhất, lợi thế thuộc về những công ty nằm trong chiến lược tích hợp ngược của tổng công ty xây dựng hoặc bất động sản. Thuộc nhóm này có Công ty cổ phần Trung Đô (công ty thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) và Công ty cổ phần CMC (Công ty liên kết của Tổng Công ty Sông Hồng). Nếu tinh ý chúng ta thấy rằng, các công ty gạch ốp lát này có chi phí bán hàng rất thấp, biên lợi nhuận cao hơn và tồn kho ít hơn các công ty gạch ốp lát độc lập. Việc các dự án của tổng công ty hấp thụ đầu ra một cách ổn định cho phép các công ty này có thể sản xuất liên tục và vận hành tốt công suất thiết kế cũng như tiết kiệm được các chi phí bán hàng. Việc điều phối tốt trong nội bộ cũng giúp giảm thiểu chi phí tồn kho. Việc tiết kiệm được đáng kể chi phí từ việc tích hợp dọc là điểm mấu chốt giải thích tại sao Công ty CMC và Công ty Trung Đô đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn mặt bằng chung của ngành.
- Thứ hai, những công ty có công suất lớn và chiếm lĩnh được thị phần lớn sẽ đem lại lợi thế chi phí do tính kinh tế nhờ quy mô. Việc có quy mô sản xuất lớn giúp công ty có lợi thế mặc cả trong việc thu mua vật tư và thiết bị đầu vào với giá ưu đãi hơn so với các công ty khác trong ngành. Trong khi đó, việc chiếm lĩnh thị phần lớn giúp giảm giá thành sản xuất khi chi phí cố định phân bổ trên một đơn vị sản phẩm ngày càng giảm xuống. Tại Việt Nam, công ty thu được lợi thế theo quy mô này và đem lại tỷ suất lợi nhuận cao có lẽ duy nhất Tập đoàn Prime. Số liệu năm 2009 của Prime công bố, Tập đoàn này có doanh thu lên tới 7.595 tỷ đồng và chiếm khoảng 30% thị phần gạch ốp lát của Việt Nam. Bên cạnh đó, Prime cũng thực hiện tích hợp dọc theo cả hướng tích hợp tiến (kinh doanh bất động sản) và tích hợp ngược (khai thác các mỏ fenspat, một đầu vào chính của sản xuất gạch ốp lát) giúp Tập đoàn có lợi thế chi phí.
Các bước đi chiến lược của các công ty trong ngành
Các công ty gạch ốp lát của Việt Nam đang cố gắng thoát ra khỏi thế kẹt giữa các chiến lược nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận bằng những bước đi chiến lược.
- Thứ nhất, những công ty có tiềm lực mạnh như: Prime, Đồng Tâm, Taicera đang nỗ lực chuyển đổi sang nhóm chiến lược định vị mình như những nhà sản xuất gạch ốp lát cao cấp. Những biện pháp được thực hiện bao gồm như: Đầu tư vào công nghệ hiện đại (prime), quảng cáo mạnh (prime), chất lượng sản phẩm tốt (định vị tiêu chuẩn Châu Âu), tài trợ cho bóng đá để làm thương hiệu (Đồng Tâm), tham gia các cuộc thi bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao (Prime). Trong báo cáo thường niên năm 2009, Đồng Tâm xác định nâng tỷ trọng dòng sản phẩm cao cấp lên 60% tổng doanh số của Công ty.
- Thứ hai, đầu tư để khai thác những phân khúc có cạnh tranh dễ chịu hơn nhưng độ phức tạp công nghệ cao hơn hoặc đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn: Nhiều công ty đang cố gắng chuyển đổi sang phân khúc mà hiện ít có các công ty Việt Nam tham gia là phân khúc gạch ốp lát khổ lớn. Đây là phân khúc chưa được nhiều công ty khai thác và có tỷ suất lợi nhuận tốt do nhu cầu đang gia tăng và cạnh tranh dễ chịu hơn. Công ty Gốm sứ Taicera, Viglacera Tiên Sơn, và Công ty cổ phần CMC đều đang chuyển sang tích cực khai thác phân khúc này.
- Thứ ba, thực hiện tích hợp dọc để tạo ra lợi thế chi phí: Xu hướng này được thể hiện rõ nhất ở người dẫn đầu ngành là Tập đoàn Prime. Bên cạnh đó, một số công ty phải di chuyển địa điểm tới những nơi có mặt bằng có chi phí thuê thấp và mặt bằng tiền lương thấp hơn nhằm thu được lợi thế chi phí (Công ty Gạch men Vitaly).
- Thứ tư, định hướng xuất khẩu: Nhiều công ty đang nỗ lực thực hiện xuất khẩu sản phẩm như một biện pháp để giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất trong nước. Tuy nhiên, ngoại trừ một số thương hiệu cao cấp như Prime, Taicera, tỷ trọng xuất khẩu của các công ty còn lại khá khiêm tốn.
Tình hình tài chính của các công ty trong ngành
Đứng trước tình trạng khó khăn của ngành, Nhà nước đã có những động thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gạch ốp lát. Hai động thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Việt Nam đó là:
- Thứ nhất, giá nhân công tại Trung Quốc tăng mạnh và việc đồng Nhân dân tệ lên giá: Điều này sẽ khiến cho chi phí sản xuất và giá các sản phẩm gạch ốp lát xuất sang Việt Nam trở nên đắt tương đối so với trước đây và giúp thu hẹp sự chênh lệch giữa hàng Trung Quốc và hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện chính sách hạ giá đồng Việt Nam để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu.
- Thứ hai, từ 01/06/2011 Việt Nam đánh thuế nhập khẩu mặt hàng gạch ốp lát từ Trung Quốc thuế suất 20% - 40%: Điều này là một nhân tố góp phần tạo cho các công ty gạch ốp lát của Việt Nam có sự cải thiện trong doanh số bán hàng trong năm 2011. Tuy nhiên, việc gian lận giá kê khai thuế nhập khẩu thấp hơn nhằm tránh thuế đã làm suy giảm hiệu lực của biện pháp này.
Các công ty trong ngành liệu có cầm cự được? Hiện nay, nhiều công ty trong ngành đang lâm vào tình trạng thua lỗ
trầm trọng. Ví dụ, Công ty Cổ phần Vitaly, Công ty Viglacera Thăng Long đã lỗ gần
như hết vốn chủ sở hữu. Tình trạng chưa hết lỗ luỹ kế và liên tục ngấp nghé
thua lỗ cũng diễn ra với Công ty Gạch men Thanh Thanh, Công ty Viglacera Hà Nội.
Tình thế này kết hợp bối cảnh năm 2012 nền kinh tế suy giảm tăng trưởng, mặt bằng
lãi suất cao, chi phí năng lượng tiếp tục tăng sẽ khiến nhiều công ty trong
ngành khó có thể cầm cự thêm. Năm 2012 được xem là một năm quyết định và rất có
thể nhiều công ty sẽ buộc phải rút lui khỏi ngành.
Tuấn Dương