Cuộc chơi với thuế
Doanh nghiệp luôn tìm đủ mọi cách để giảm thiểu chi phí thuế phải nộp, còn cơ quan thuế luôn kiểm soát để thu được trọn vẹn nhất số thuế cần thu theo luật định.
Thuế hiếm khi được doanh nghiệp coi là “trách nhiệm xã hội”, “quyền lợi”, “cống hiến”… hay bất kỳ mỹ từ nào. Trên quan điểm thực dụng, thuế là một loại chi phí mà doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để giảm thiểu, trong điều kiện ràng buộc của luật quản lý thuế, sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan thuế. Đối với nhà nước, thuế là nguồn thu chính để tài trợ cho các khoản chi công. Chính vì vậy chi phí thuế có một đặc trưng riêng biệt là nó không hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiểm soát của doanh nghiệp.
Thuế là cuộc chơi giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý thuế. “Một trò chơi bao gồm một tập các người chơi/đấu thủ, một tập các nước đi (hoặcchiến lược) mà người chơi có thể chọn, và một đặc tả về cơ chế thưởng phạt cho mỗi tổ hợp của các chiến lược” (Lý thuyết trò chơi, wikipedia). Ở đây, cơ chế thưởng, phạt chính là những quy định về thuế do Bộ tài chính ban hành.
1/7/2013 là mốc thời gian Luật quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực. Có khá nhiều điểm khác biệt giữa luật sửa đổi và luật quản lý thuế cũ đã được nhiều chuyên gia phân tích. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, luật sửa đổi có một điểm tiến bộ, đó là việc tăng các chế tài xử phạt những hành vi gian lận thuế. Vì vậy, đứng trên quan niệm thuế là một khoản chi phí, doanh nghiệp sẽ hoặc là chấp hành nghiêm luật thuế, hoặc là vi phạm, và sẽ phải “dự trù” những khoản xử phạt không nhỏ.
Gần đây, một loạt các hành vi gian lận thuế, thông qua việc chuyển giá đã được các cơ quan thuế và báo chí phanh phui. Mặc dù chưa có kết luận chính thức, nhưng có thể thấy cuộc chơi đã bắt đầu bước vào giai đoạn “gay cấn”.
Một trong những hành vi chuyển giá thường thấy là các công
ty liên kết cho nhau vay nhưng không tính lãi. Giả sử đó là 2 công ty A và B –
trong đó A là công ty ở Việt Nam, B là công ty liên kết ở nước ngoài (thông thường
là ở các khu vực vẫn được gọi với cái tên “thiên đường thuế”). Việc A cho B vay không tính lãi rõ ràng đã làm
doanh thu của A giảm, qua đó sẽ trực tiếp giảm các khoản thuế A phải nộp cho cơ
quan thuế ở Việt Nam.
Trong một vụ việc riêng lẻ của đệm Kim Đan, Cục thuế Tp. HCM cho rằng nếu công ty này cho công ty con cho vay với lãi suất = 0, thì phải điều chỉnh tăng doanh thu cho mục đích tính thuế theo lãi suất thị trường, hoặc sẽ được cơ quan thuế áp mức lãi suất theo mức cao nhất đối với loại cho vay hoặc đi vay tương ứng mà Kim Đan đang thực hiện. Trong trường hợp Kim Đan không có khoản vay hay cho vay vào thời điểm đó, mức lãi suất được áp dụng bằng 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố với loại cho vay tương ứng. Rõ ràng, việc ghi nhận lãi suất cho vay đúng đắn ngay từ đầu sẽ tránh cho Kim Đan được một mức “phạt” khi cơ quan thuế phát hiện ra.
Phải nói thêm rằng, đây mới chỉ là ý kiến của Cục thuế Tp.HCM, áp dụng riêng cho trường hợp của Đệm Kim Đan, chứ không mang tính chất bắt buộc và áp dụng đối với mọi doanh nghiệp trên cả nước. Nói đi thì cũng phải nói lại, quan điểm của Cục thuế lớn nhất cả nước chắc chắn sẽ có ý nghĩa lớn trong việc xử lý các vụ việc tương tự sau này.
Cũng tương tự như vậy khi A quyết định mua nguyên vật liệu, máy móc thiết bị từ B. Giá mua rất có thể được hai bên đội lên, không ngoài mục đích giảm lợi nhuận cho A, qua đó giảm hoặc tránh các khoản thuế phải nộp cho cơ quan thuế Việt Nam. Cocacola Việt Nam hiện đang bị nghi vấn áp dụng phương pháp này trong việc mua hương liệu từ công ty mẹ. Có điều, hương liệu là một sản phẩm đặc thù, mang tính chất “bí kíp” kinh doanh, nên việc xác định giá chính xác gây không ít khó khăn với cơ quan thuế.
Trên thực tế, Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ tài chính đã có những quy định khá chặt chẽ về việc chống chuyển giá. Hiện nay, cơ quan thuế vẫn đang kết hợp với các bộ ngành liên quan để thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện điều chỉnh về giá chuyển nhượng.
Bộ cơ sở dữ liệu này sẽ là một dạng “benchmark” để cơ quan thuế căn cứ vào đó áp các mức giá chuyển nhượng cho các giao dịch bị nghi ngờ chuyển giá. Một khi bộ cơ sở dữ liệu này được xây dựng đầy đủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn nếu muốn chuyển giá để trốn thuế. Cán bộ thuế hiện nay cũng đã được đào tạo vững vàng hơn trước, để có thể cư xử “cứng rắn” hơn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi gian lận về thuế. Ngoài ra, đã có một số ngành, nghề và các khu vực tỉnh, thành phố đã và đang được cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm trong việc thanh tra thuế.
Đối với các doanh nghiệp, trong cuộc chơi mà “đối thủ” đang ngày một mạnh lên, không có cách nào khác là phải tính toán thật cẩn trọng, cân nhắc thiệt hơn giữa các chiến lược, xem xét cặn kẽ các trường hợp, xác suất rủi ro có thể xảy ra để đưa ra những quyết định có lợi nhất cho bản thân.
Một lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia tư vấn về thuế dành cho các doanh nghiệp có khả năng lớn bị thanh tra thuế là các doanh nghiệp hãy chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ xác định giá thị trường. Việc chuẩn bị hồ sơ này mất khá nhiều thời gian, trong khi đó cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình chứng minh giá hợp lý trong vỏn vẹn 30 ngày.
Minh Thư