Đa cấp Liên Kết Việt cao tay, Bộ Công Thương rất vất vả mới thu hồi được giấy phép
Sau 8 tháng vi phạm, Liên Kết Việt mới bị rút giấy phép. Để làm được điều này, Bộ Công Thương phải rất vất vả mới đưa ra được bằng chứng chứng minh vi phạm.
- 25-03-2016Nhiều công ty đa cấp tại Hà Nội "trống trơn" sau vụ Liên kết Việt
- 17-03-2016Nạn nhân Liên kết Việt cần làm gì để lấy lại tiền?
- 16-03-2016Liên kết Việt “rỗng ruột”, 1.900 tỷ đồng đi đâu và về đâu?
Tháng 7/2015, Công ty Liên Kết Việt từng bị Bộ Công Thương phạt 570 triệu đồng với lý do có 5-6 điểm nội dung vi phạm các quy định pháp luật.
Trong đó, có hành vi vi phạm nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, cung cấp các thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm, duy trì nhiều hơn vị trí kinh doanh đa cấp…
Tuy nhiên, thông tin trên đã được Bộ Công Thương giữ kín. Liên Kết Việt cũng không bị thu hồi giấy phép.
Phải đến tháng 3/2016, Công ty đa cấp này mới chính thức bị rút giấy phép. Gần 8 tháng kể từ khi bị xử phạt 570 triệu đồng, công ty này vẫn tiếp tục dẫn dắt nhiều người dân vào mạng lưới bán hàng đa cấp, khiến số lượng người bị lừa đảo tăng lên chóng mặt.
Lý giải về việc chậm trễ thu hồi giấy phép của Liên Kết Việt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã thực hiện theo đúng trình tự pháp luật, cụ thể là Nghị định 42 của Chính phủ, về quản lý kinh doanh đa cấp. Theo đó, khi đang trong quá trình điều tra Liên Kết Việt, Bộ không có quyền quyết định bất kỳ ai là lừa đảo.
“Không một ai được coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Do đó, chúng tôi không thể lấy lý do công ty này đã có lãnh đạo bị bắt hay công ty lừa đảo để thu hồi giấy phép”, Thứ trưởng cho hay.
Cũng theo tâm sự của ông, để thu hồi được giấy phép của Liên Kết Việt, Bộ phải rất vất vả.
Theo đó, Bộ phải tìm ra biện pháp để ghép Liên Kết Việt vi phạm vào một trong các điều khoản của Nghị định 42. Ví dụ như phải chứng minh Liên Kết Việt không còn hoạt động ở địa điểm rõ ràng, không còn vốn để hoạt động - tức là không còn năng lực để đáp ứng điều kiện của một doanh nghiệp…
Chỉ sau khi chứng minh được những vi phạm trên, Bộ mới thu hồi được giấy phép của công ty này.
“Trên thực tế, chúng ta có rất nhiều công ty, doanh nghiệp mà lãnh đạo bị khởi tố nhưng công ty vẫn không bị rút giấy phép kinh doanh. Vì vậy, để thu hồi giấy phép kinh doanh của một công ty đa cấp, chúng tôi phải thực hiện theo đúng Nghị định 42, có nghĩa là khi đưa ra lý do thu hồi phải đúng Luật”, ông Khánh nhấn mạnh.
Trong một năm kể từ khi Nghị định 42 được ban hành, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sở kiểm tra và phát hiện nhiều đơn vị vi phạm. Số tiền phạt lên tới trên 5 tỷ đồng, Liên Kết Việt cũng nằm trong số đó.
Sau câu chuyện của Liên Kết Việt, Thứ trưởng Khánh thừa nhận trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Ông nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Công Thương là không bao giờ từ chối bỏ trách nhiệm của mình.
Công ty Liên Kết Việt được sở công thương cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp từ ngày 10/2/2014.
Ngày 15/7/2015, khi bị phát hiện có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, Liên Kết Việt bị phạt 570 triệu đồng.
Đến tháng 3/2016, Công ty đa cấp bất chính trên mới bị thu hồi giấy phép.
Theo thông tin trên truyền thông, đã có hơn 60.000 người bị lừa trong hoạt động kinh doanh đa cấp của Liên Kết Việt.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay có 65 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam, gần 20% là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Trí thức trẻ/CafeBiz