MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia đào vàng muốn chuyển quặng từ Bồng Miêu sang Phước Sơn

25-11-2014 - 07:55 AM | Doanh nghiệp

Tái sản xuất lại sau gần 1 năm đóng cửa,Tập đoàn Besra đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin được vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu sang Phước Sơn để tách và chế biến vàng.

“Tập đòan Besra rất mong muốn được Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt cho công ty được vận chuyển carbon ngậm vàng từ nhà máy Bồng Miêu qua tách vàng tại nhà máy Phước Sơn. Để nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, để tháo gỡ những khó khăn và hai nhà máy có thể sớm trở lại họat động sản xuất như trước đây”.

Ông Paul Seton, đại diện cho Tập đoàn Besra (chủ đầu tư nước ngoài tại hai công ty chuyên khai thác vàng là công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và công ty TNHH Vàng Phước Sơn, sau đây gọi tắt là Bồng Miêu và Phước Sơn) đã nói như vậy trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây tại Hà Nội.

Việc vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu sang tách vàng tại Phước Sơn trước đây vẫn được Besra thực hiện. Quy trình tách vàng từ carbon ở Phước Sơn thân thiện với môi trường hơn và là một quy trình khép kín, mang tính tự động cao.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2013 hai công ty Bồng Miêu và Phước Sơn có nhiều biến cố bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão xảy ra vào cuối năm 2013, mỏ vàng Bồng Miêu đã phải tạm thời đóng cửa đến tháng 6/2014. Sau đó, hai công ty này lại bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế (phong tỏa tài khỏan, tuyên bố hóa đơn mất hiệu lực), hai mỏ vàng này phải tạm thời đóng cửa để giải quyết các vấn đề về thuế.

Theo ông Paul Seton, việc tạm thời đóng cửa hai mỏ vàng trong gần 1 năm đã khiến 1.800 công nhân mất việc làm và nhiều người trong số họ đã quay trở lại khai thác vàng trái phép để mưu sinh. Bên cạnh đó, do mỗi công ty chỉ còn vài chục người trông coi mỏ vàng, nên việc kiểm sóat nạn khai thác vàng trái phép trong khu vực hết sức khó khăn.

“Từ khi Besra buộc phải đóng cửa hai mỏ vàng, nạn vàng tặc trong khu vực mỏ đã gia tăng đáng kể. Môi trường cũng bị hủy họai nghiêm trọng do những người khai thác vàng trái phép dùng thủy ngân để tách vàng, sau đó họ xả thải thủy ngân ra môi trường, rất độc hại”, ông Paul Seton nói.

Đến 30/9/2014, Bồng Miêu đã quay trở lại họat động khi biện pháp cưỡng chế thuế hết hiệu lực. Tuy nhiên việc ngừng họat động quá lâu, cộng với ảnh hưởng của bão lũ khiến nhiều thiết bị bị ngập nước dẫn đến hư hỏng. Hơn nữa công nghệ chế biến xử lý than họat tính (carbon) ngậm vàng của Phước Sơn hiện đại hơn, cho nên Bồng Miêu cần phải hợp tác với Phước Sơn bằng cách vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu qua Phước Sơn để chế biến thành vàng thỏi nhằm tiết kiệm chi phí. Công nghệ tách vàng ở Phước Sơn đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tốt nhất trong quá trình xử lý carbon không bị đốt đi mà chỉ chiết xuất vàng từ carbon trên công nghệ hiện đại của nhà máy chế biến và tuyển luyện vàng Phước Sơn.

Theo đại diện công ty, việc tách vàng tại Phước Sơn sẽ giúp cho một số lao động của công ty này có thể quay trở lại làm việc trong lúc nhà máy đang tạm thời đóng cửa. Qua đó cũng giúp một số dây chuyền công nghệ của nhà máy Phước Sơn được khởi động, tránh tình trạng hỏng hóc, hay sự cố khác do ngừng họat động quá lâu.

Besra đã có công văn gửi Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Quảng Nam về vấn đề này, sau đó UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản trả lời về việc cho phép vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu qua Phước Sơn chế biến là thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 16/11/2014, Besra cũng đã chính thức có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ cho phép cho Besra vận chuyển carbon ngậm vàng từ Bồng Miêu sang Phước Sơn để tách vàng với tần suất vận chuyển khỏang 2 chuyến/tuần, mỗi chuyến khoảng 1 tấn carbon ngậm vàng.

Trong công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Besra cũng nêu rõ: “Sẽ cam kết tiến hành các thủ tục cần thiết để ký kết hợp tác giữa hai công ty của mình theo đúng pháp luật và thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách minh bạch, rõ ràng”.

Trong 10 năm đầu tư vào Việt Nam, Besra đã nộp cho ngân sách 1.114 tỷ đồng tiền thuế, hiện số thuế còn nợ 242 tỷ đồng. Ông Paul Seton cho biết, Besra đã trình lên Thủ trướng Chính phủ 2 phương án đề xuất để trả nợ thuế từ 8/2014 và đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi rất muốn được đầu tư làm ăn lâu dài ở Việt Nam và muốn được sớm đưa 2 công ty Bồng Miêu và Phước Sơn trở lại họat động sản xuất để có thể trả hết các khoản nợ”, ông Paul Seton phát biểu.

>> Đại gia đào vàng xin trả nợ kiểu Doanh nghiệp "khó khăn đặc biệt"

Theo M.Q

thunm

Infonet

Trở lên trên