MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia xuất ngoại, những cú trắng tay đau đớn

17-02-2014 - 07:51 AM | Doanh nghiệp

Không ít đại gia Việt gặp khốn khó khi đầu tư ra nước ngoài. Có những dự án đã phải tạm ngừng hoạt động và thậm chí là phá sản, trong khi nhà đầu tư đã chi cả tỷ USD.

Họa vô đơn chí, chết vì lạm phát

Tại cuộc họp báo cuối năm vừa qua, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đã thừa nhận "thất bại" bất đắc dĩ ở Venezuela. Sau 3 năm ký kết hợp đồng, mọi kỳ vọng gửi gắm ở dự án 8 tỷ USD, liên doanh khai thác dầu nặng Junin 2 tại quốc gia dầu mỏ này đã phải tạm dừng.

Ông Thực chia sẻ, năm 2013, Venezuela có mức lạm phát lên tới hơn 57%. Tỷ giá chính thức và tỷ giá "chợ đen" chênh lệch nhau tới 10 lần.

"Với tình hình kinh tế như vậy thì không có nhà đầu tư nào chịu nổi khi chuyển tiền vào đây thuê các đơn vị dịch vụ của Venezuela triển khai dự án", ông Thực nói.

Đây có lẽ là quyết định đầy tiếc nuối của PVN. Không dễ gì từ bỏ giấc mơ lợi nhuận ở quốc gia dầu mỏ này khi mà tình hình chung là ra nước ngoài, 10 dự án thăm dò, nếu có 2 dự án thành công thì coi như là thắng lợi. Lô Junin 2 nằm ở vành đai dầu Orinoco, khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cho phép khai thác công suất 1.400 tỷ thùng.

Hơn nữa, vụ hợp tác trên là dự án đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam tính đến nay. Theo tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Con số này sẽ bằng 70% sản lượng dầu của Vietsovpetro, liên doanh dầu khí đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện, tập đoàn này đang đàm phán với đối tác để điều chỉnh lại hợp đồng và sẽ tiếp tục khi nền kinh tế nước này ổn định hơn.

Trước đây, PVN cũng đã phải đặt dấu chấm hết cho 6 dự án dầu khí ở nước ngoài mà không thu được lợi nhuận nào từ các dự án này. Số tiền chi cho 6 dự án đó là khoảng 29,02 triệu USD.

Không chỉ PVN, nhiều đại gia khác cũng gặp khó ở những lĩnh vực đòi hỏi thời gian thu hồi vốn dài, khó lượng hóa ngay tính hiệu quả như khai khoáng, dầu khí, cao su, điện.

Chẳng hạn như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trước đây có 5 dự án đầu tư ở Lào và Campuchia, nhưng sau khi nghiên cứu khảo sát thì Vinacomin đã buộc phải kết thúc một dự án tại Lào. "Ông lớn" này mất trắng khoảng 1,56 triệu USD ở đây. Cùng đó, 3 dự án sau khi khảo sát lại cho thấy, khả năng phát triển mỏ là thấp vì trữ lượng không đủ lớn để đầu tư khai thác, chế biến quy mô lớn.

Không dễ kiếm đô la ở nước ngoài

Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt ở xứ ngoại, phụ thuộc chính sách kinh tế, nguồn nhân lực và tình hình chính trị nước sở tại nên các bài toán kinh doanh của các đại gia Việt dù hoàn hảo đến mấy cũng luôn tiềm ẩn đầy rủi ro.

Ngay như Viettel, đại gia đã gặt hái thành công ở 7 quốc gia đầu tư thì năm qua phải ngậm ngùi chấp nhận thất bại trong cuộc đua xâm nhập thị trường viễn thông Myanmar. Quyền đầu tư mạng di động cho đất nước 60 triệu dân nhưng mới chỉ có 10% người dân sử dụng dịch vụ này đã thuộc về 2 tập đoàn viễn thông của Qatar và Nauy.

Sau cú trượt thầu trên, vị phó Tổng giám đốc Viettel chỉ tiết lộ tập đoàn đã cố gắng hết sức, cả về giá thầu, đưa ra các cam kết hấp dẫn với Chính phủ Myanmar nhưng không thắng được với giá bỏ thầu rất cao của hai đối thủ trên.

Tại hội nghị tham tán thương mại tháng 12 năm ngoái, ông Hoàng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chia sẻ, không ít doanh nghiệp tại tỉnh đã trắng tay sau khi cầm cố tài sản vay tiền sang Campuchia trồng cao su.

Cây cao su được coi là vàng trắng. Theo ước tính của một đại gia trong lĩnh vực này, một ha cao su có thể cho ra 2 triệu tấn mủ/năm, tương đứng 2.500 tỷ/năm. Còn nếu bán cây với giá 350.000 đồng/cây thì 1 ha cao su cho thu hoạch 180 triệu đồng/ha. Với suất đầu tư thấp ở Lào và Campuchia, lợi nhuận sẽ càng lớn gấp vạn lần nếu như các đại gia được cấp phép diện tích lớn.

Song theo các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận đó còn phải gắn với giá thị trường cao su tại thời điểm kinh doanh nên rủi ro thua lỗ vẫn luôn rình rập. Do đó, dù nắm trong tay 120.000 ha cao su ở Lào và Campuchia, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng phải đợi 3-4 năm nữa, mới có thể cầm chắc được lợi nhuận mang về hay không.

Đôi khi, dự án tưởng đã đến ngày "hái quả" rồi thì có khi, doanh nghiệp vẫn bị "sao quả tạ" rơi trúng đầu vì những rủi ro nằm ngoài tiên đoán.

Chẳng hạn như câu chuyện của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) với vụ nhập 30.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam tinh chế để xuất sang Trung Quốc. Kế hoạch kinh doanh này bị ách tắc cả năm trời mới giải quyết được vì gặp phải làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Hiệp hội mía đường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực đầu tư này, thất bại là mẹ thành công. Những vấp váp trên chỉ là chuyện thường ngày của bất cứ nhà đầu tư nào ra nước ngoài. Có bước ra thế giới thì thương hiệu Việt mới phát triển được, tầm vóc doanh nghiệp mới lớn được. Và cũng như việc kinh doanh trong nước, nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống.

Song, cách tốt nhất để tránh mọi rủi ro là các nhà đầu tư Việt Nam nên phối hợp với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để có sự hỗ trợ lớn nhất về thông tin, chính sách.

Theo Phạm Huyền

thunm

VEF

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên