MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán trì hoãn nợ: Nên?

04-02-2014 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

"Giật gấu vá vai" và rồi quanh đi quanh lại vẫn bị thiếu hụt bởi bản chất vấn đề không được giải quyết là điều thường gặp ở các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Nợ nần đã khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Lao đao trước hết vì không khéo cân dòng tiền khiến doanh nghiệp hụt trước, thiếu sau.

Đàm phán để trì hoãn nợ là một điều mà ít doanh nghiệp đã làm để cứu mình.

Hiếm doanh nghiệp nghĩ rằng đó là điều có thể làm được. Họ luôn tâm niệm nợ thì phải trả và trả đúng hạn nếu không thì sẽ bị phạt lãi suất. Chính bởi thế, vòng xoáy nợ-trả nợ-vay nợ cứ liên tục quẩn quanh với dòng tiền của doanh nghiệp. "Giật gấu vá vai" và rồi quanh đi quanh lại vẫn bị thiếu hụt bởi bản chất vấn đề không được giải quyết là điều thường gặp ở các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Nên hay không nên đàm phán trì hoãn nợ? Khả năng thành công liệu có cao hay không? Chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ điển hình của các công ty niêm yết để các doanh nghiệp thấy rõ được điều đó.

Đàm phán trì hoãn nợ: Nên?

Ông chủ Trường Thành (TTF) và châm ngôn: Họ PHẢI cứu mình!

Nổi tiếng năm nay là chuyện Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương tổ chức cuộc họp cầu nối giữa Trường Thành (TTF) và 13 ngân hàng để bàn chuyện tháo gỡ khó khăn cho TTF. Thời điểm đó, TTF nợ 13 ngân hàng hơn nghìn tỷ đồng!

Thời điểm đó, Trường Thành có Tỷ lệ đòn bẩy nợ là 4:6 và ông chủ của doanh nghiệp gỗ này mạnh dạn đánh giá: "Đó là tỷ lệ hơi cao thôi chứ trong hoạt động kinh doanh thì tỷ lệ 4:6 là bình thường". Chỉ ở mức "hơi cao", sao chủ nợ lại phải đau đầu nghĩ kế cho doanh nghiệp?. Đấy là bởi, theo ông Thành, việc phá sản được coi có nguy cơ nếu vấn đề không được giải quyết! Nếu Trường Thành phá sản, tất nhiên, ngân hàng cũng bị mất tiền. Ông Thành nhấn mạnh: Kinh doanh là đồng hành. TTF đầu tư là rủi ro 100% còn ngân hàng đầu tư vào mình thì họ cũng có rủi ro nhưng đó là rủi ro ở mức độ chia sẻ. TTF đề nghị như vậy, nếu không chia sẻ rủi ro thì thanh khoản của TTF gặp khó, hoạt động kinh doanh không thể diễn ra bình thường, nghĩa vụ đối với ngân hàng không thể thực hiện được.

Vậy là, xuất phát từ quyền lợi đôi bên, ông chủ Trường Thành đã mạnh dạn đàm phán với ngân hàng trì hoãn nợ và đây là cách giúp công ty thoát khỏi bẫy thanh khoản.

Bài học của Trường Thành thực sự quý!

CII và chuyện đảo ngược bàn cờ thế

CII là doanh nghiệp thành công nhất 2013 trong hoạt động cơ cấu nợ. Đứng trước cơ hội đầu tư 2 dự án có quy mô vốn- một dự án có tổng vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng và một dự án 7.000 đồng, tổng 15.200 tỷ đồng-CII đã đứng ra đàm phán nợ. Kết quả đạt được thật sự bất ngờ khi:

-Hợp tác toàn diện với Vietinbank và tổng các khoản nợ/bảo lãnh mà Vietinbank đã thực hiện mua lại của CII tại các tổ chức tín dụng khác là 3.287,8 tỷ đồng. Đầu tư 1.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp do CII phát hành với kỳ hạn 5 năm, được đảm bảo bằng tài sản được hình thành từ nguồn vốn trái phiếu.

-
HĐQT CII thống nhất điều chỉnh giá chuyển đổi cho 15 triệu USD trái phiếu chuyển đổi từ 29.000 đồng/cp giảm xuống còn 10.000 đồng/cp, thấp hơn mức giá chuyển đổi của trái phiếu sắp sửa phát hành.  Lên kế hoạch phát hành 1.128 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm.

Với hàng loạt nỗ lực cơ cấu nợ đó, CII đảo ngược bàn cờ thế và chạm tay gần hơn với cơ hội mới.

Doanh nghiệp không còn "cô đơn" khi xử lý nợ

Từ lâu nay, doanh nghiệp vẫn nghĩ việc xử lý nợ của mình là chuyện của mình. Nhưng không, đầu năm 2014 này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng chú ý trong bản nghị quyết này là Bản Nghị quyết cũng đã nhấn mạnh vấn đề xử lý nợ của doanh nghiệp. Theo tinh thần Nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại nợ, đối tượng vay; thực hiện cơ cấu lại nợ, kể cả việc xem xét khoanh nợ trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.

Vậy là, doanh nghiệp không còn "cô đơn" khi xử lý nợ mà thực sự đã được Chính phủ quan tâm sâu sắc. Khi Chính phủ đã "mở lối", tại sao doanh nghiệp không đàm phán trì hoãn nợ?

Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên