Danapha – Doanh nghiệp Dược sắp niêm yết: “Luật bảo hộ trí tuệ giúp chúng tôi tự tin hơn”
Với quy mô vốn tương đối khiêm tốn (62 tỷ đồng vốn điều lệ, được duy trì qua nhiều năm) – Danapha đạt lợi nhuận năm 2014 với 35,4 tỷ đồng, EPS đạt 5.704 đồng/cổ phiếu.
16/8/2015, Công ty cổ phần Dược Danapha tròn 50 tuổi. Từ một xí nghiệp Dược phục vụ kháng chiến, sau 50 năm phát triển, Danapha đã khẳng định được vị thế thương hiệu của mình trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm tại Việt Nam, sẵn sàng cho việc đại chúng hoá và vươn ra thị trường thế giới.
Với quy mô vốn tương đối khiêm tốn (62 tỷ đồng vốn điều lệ, được duy trì qua nhiều năm) – Danapha đạt lợi nhuận năm 2014 với 35,4 tỷ đồng, EPS đạt 5.704 đồng/cổ phiếu. Với các chỉ số lành mạnh cả về khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, Danapha là một trong những doanh nghiệp “tí hon” đáng chú ý.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT Danapha, Ds Nguyễn Quang Trị cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu DAN trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm sau.
Ông có cho rằng 2016 là đúng thời điểm để Danapha niêm yết lên sàn?
Danapha đã cổ phần hoá vào đầu năm 2007 và dự định sẽ niêm yết sau 3 năm. Nhưng như chúng ta đều biết, 2 đợt suy thoái kinh tế diễn ra ngay sau đó vào năm 2008 và 2012 với quy mô toàn cầu đã làm thay đổi mọi thứ. Thay vì niêm yết, Danapha phải tập trung vào việc củng cố nền móng, đầu tư công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu đông dược, hoàn thành bộ dữ liệu dược liệu chuẩn hỗ trợ công tác sản xuất. Trong 3 năm gần đây, công ty luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm.
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng tôi phải bước ra sân chơi nhộn nhịp bên ngoài, với nhiều cơ hội mới. Tất nhiên, thách thức là không tránh khỏi. Danapha chấp nhận cuộc chơi đó. Dù gì chúng tôi cũng đã 50 “tuổi” – sẽ là một trong những doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Niêm yết vào thời điểm này chúng tôi nghĩ là phù hợp.
Hiệp định TPP khả năng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm 2016, Ông có cho rằng tham gia TPP thì doanh nghiệp Dược Việt Nam không có nhiều lợi thế?
Tôi không cho rằng như vậy. Bảo hộ trí tuệ là mấu chốt của hiệp định TPP, hướng các quốc gia thành viên phải có luật về bằng sáng chế và đặt chuẩn cao hơn cho những phiên bản thuốc generic (thuốc đã hết hạn bảo hộ trí tuệ) trên thị trường. Trên sân chơi chung, Việt Nam không thể coi mình là một quốc gia nghèo mà phải tuân thủ về bản quyền các sản phẩm dược phẩm được bảo hộ trí tuệ. Việc này có thể tạo ra tác động xấu ngắn hạn, nhưng khi luật bảo hộ trí tuệ được thực thi, thì đây là cơ hội cho các công ty Dược nhanh nhạy có thể cạnh tranh trên thương trường quốc tế bằng những ý tưởng độc đáo của mình. Chúng tôi không dựa vào sản xuất thuốc generic mà tập trung vào thế mạnh đông dược và những sản phẩm công nghệ có hàm lượng chất xám cao để làm vũ khí cạnh tranh. Và điều này rất có lợi tại TPP. Trên thực tế, tại Việt Nam ít có doanh nghiệp Dược nào có thể theo đuổi mảng thuốc generic. Chúng tôi cũng không là ngoại lệ.
Ai cũng biết thế mạnh của Y học Việt Nam là Đông dược và với việc sở hữu một nhà máy GMP-WHO Đông dược hoàn chỉnh khép kín, Danapha sẽ sản xuất ra những dược phẩm của riêng mình và luật bảo hộ trí tuệ sẽ giúp chúng tôi bước vào sân chơi thế giới tự tin hơn nhiều.
Danapha đã chuẩn bị đến đâu cho cuộc chơi này, thưa ông?
Đây là các công trình mà Danapha đã và đang hoàn thiện trong năm nay trước khi niêm yết, bao gồm: Nhà máy GMP-WHO Đông dược, Trung tâm R&D, Nhà máy Công nghệ cao Danosome và các dự án phát triển đào tạo khác. Danapha cũng làm tốt khâu kinh doanh với doanh thu liên tục tăng trưởng, nếu năm 2007 đạt 129 tỷ, năm 2011 đạt 250 tỷ thì đến năm 2014, doanh thu đã đạt con số 350 tỷ. Cũng trong khoảng thời gian đó, lợi nhuận tăng từ 4,6 tỷ lên 45,7 tỷ đồng. Doanh số xuất khẩu vào năm 2007 là 1,2 triệu USD, năm 2011 là 2,5 triệu USD thì đến năm 2014 con số đó là 3,2 triệu USD.
Đồ thị Doanh thu thuần/LNST của Danapha những năm gần đây. Năm 2015 theo kế hoạch (Đơn vị: Tỷ đồng)
Cảm ơn ông và chúc Danapha thành công với kế hoạch niêm yết vào năm 2016.
Trí Thức Trẻ