Đằng sau lời than “kiệt sức”
Tôi kiệt sức rồi”- lời than của một, trong vô số doanh nghiệp tư nhân ngày hôm qua đã được một tờ báo giật làm tít chính.
Thời thịnh vượng không biết bao giờ mới quay trở lại. Hàng hóa làm ra bị hàng Trung Quốc, Đài Loan (TQ) đè bẹp ngay trên sân nhà.
Lãi suất vốn vay 11%, cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 “đối thủ”. Có thể nói thế nào nhỉ. Lời than? Sự chán nản? Nỗi tuyệt vọng? Hay là cả 3 thứ đó cộng lại.
Những người còn sống, còn tồn tại, còn đủ sức để than kiệt sức thật ra còn may mắn hơn 60.340 doanh nghiệp khác phải giải thể, phá sản trong 11 tháng của năm 2014.
Nhưng đằng sau một lời than đó, chứa đựng biết bao nhiêu vấn đề.
Đó là tỉ lệ 70% số DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vẫn là một mâu thuẫn không thể giải thích được, trong khi phía ngân hàng thừa tiền đến mức phải đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Đó là sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc. Từ rau củ quả, con cá, chiếc tăm cho đến máy móc, nguyên phụ liệu và cả… bánh kẹo. Chỉ vừa tuần trước, trong buổi tọa đàm về nhập siêu do Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách tổ chức, hậu quả của kỷ lục nhập siêu từ Trung Quốc tăng 200 lần chỉ trong một thập kỷ đã được thạc sĩ Phạm Bích Ngọc chỉ ra rằng: Việc nhập hàng ở khu vực có trình độ công nghệ nguồn không thể làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại. Bà Ngọc thậm chí nhắc lại ý kiến “VN đang bán hàng Trung Quốc sang Mỹ” vì VN chủ yếu nhập nguyên, vật liệu Trung Quốc, chỉ gia công rồi xuất khẩu sang EU, Mỹ.
Nhưng nếu phải nói về một “vấn đề của vấn đề”. Đó chắc chắn sẽ là sự cùng quẫn của không ít DN tư nhân, khi mà song song với lời than là sự bế tắc.
“Cái chết”, “cái khó”, sự suy thoái, hay lời than vãn “kiệt sức” còn là nỗi nhức nhối khi đồng nghĩa với nó là cắt giảm lao động. Khảo sát của VCCI cho thấy số liệu sử dụng lao động bình quân giai đoạn 2007-2012 trong khu vực kinh tế tư nhân từ 47 nay giảm xuống chỉ còn 32 người.
Lời than kiệt sức nếu không được giải quyết, vì thế, không chỉ là ảnh hưởng đối với sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinhh tế mà sẽ là sức ép lên mỗi gia đình khi đồng nghĩa với kiệt sức là suy thoái, đồng nghĩa với cắt giảm lao động là thất nghiệp.
>> Teo tóp doanh nghiệp tư nhân: "Tôi kiệt sức rồi!"
Theo Đào Tuấn