MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất “bí mật”

13-12-2012 - 22:35 PM | Doanh nghiệp

Số DN khai tử cứ ngày một nhiều lên và những nỗ lực cứu DN có vẻ như ngày càng xa vời hơn...

Mấy ngày gần đây, nhiều DN điều tá hỏa trước đề xuất của Hiệp hội Điều (Vinacas) lên Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xung quanh việc chỉ cấp phép xuất khẩu cho các DN có công suất nhà máy đáp ứng sản lượng 2.500 tấn điều mỗi năm.

Theo nhiều DN, dù là thành viên chính thức nhưng trước đó họ không hề được hỏi ý kiến về vấn đề này. Theo các DN này, đây là đề xuất lén lút, bí mật nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm DN nào đó, vì nếu áp dụng quy định này sẽ có đến phân nửa số DN đang tham gia xuất khẩu bị loại.

Trước những phản ứng dữ dội từ phía DN, đại diện Vinacas cho biết đây chỉ là ý tưởng và nếu DN phản ứng như vậy có thể sẽ không làm nữa. Câu trả lời từ phía Vinacas đang khiến nhiều người phải giật mình và đặt câu hỏi đề xuất trình lên bộ mà giống như một trò chơi?

Hiệp hội thích thì để xuất, thấy không được lại kêu có thể không làm nữa. Câu chuyện của Vinacas lần này chính là một bài học kinh nghiệm cho những hiệp hội khác, vì theo nhiều thông tin, sau khi Vinacas đưa ra đề xuất này một số hiệp hội như Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng có ý định đưa 2 ngành này vào kinh doanh có điều kiện.

Thực ra, việc đưa các ngành xuất khẩu chủ lực vào kinh doanh có điều kiện cũng là điều nên làm để đảm bảo một nền xuất khẩu ổn định. Song theo nhiều chuyên gia, việc này nên được các hiệp hội tính toán, bàn thảo kỹ lưỡng với các DN hội viên. Giả như đề xuất của Vinacas được thông qua, ai dám đảm bảo không có trường hợp các DN nhỏ liên kết lại với nhau để đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Vậy khi đó những mong muốn ban đầu của hiệp hội như chấn chỉnh lại các DN xuất khẩu, giúp nâng cao giá bán có làm được hay không? Đó là chưa kể hệ lụy khi các DN đua nhau mở nhà máy nhằm đáp ứng công suất sẽ khiến ngành điều phải nhập khẩu nguyên liệu về chế biến sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra, trong tình hình xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, việc có thêm rào cản với các DN cũng nên được các hiệp hội, cơ quan chức năng cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Bởi không phải ngành nào khi DN gặp khó ở thị trường xuất khẩu cũng có thể quay đầu về thị trường nội địa. Và khi tất cả đường sống bị bóp nghẹt thì DN không thể tiếp tục tồn tại.

Điều này kéo theo rất nhiều hậu quả không đáng có như công nhân mất việc làm, nợ của DN không thể trả… Số DN khai tử cứ ngày một nhiều lên và những nỗ lực cứu DN có vẻ như ngày càng xa vời hơn.

Đặc biệt trong năm 2013 sắp tới, khi những dự báo cho nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, những đề xuất kiểu như trên càng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Theo Thanh Lâm
Sài Gòn Đầu tư tài chính

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên