[ĐHCĐ bất thường CII] Bán 7 dự án BOT sang cho CII B&R, "vòng quay tiền" của CII sẽ nhanh hơn
Rất nhiều cổ đông tham dự đại hội có thắc mắc về việc tại sao CII không tự tăng vốn để đầu tư các dự án BOT mà lại lập ra CII B&R, CII sẽ được lợi gì sau việc chào bán cổ phần này.
Theo CII, mục đích của CII khi tiến hành thành lập CII B&R nằm trong lộ trình tái cấu trúc công ty, bên cạnh các công ty khác đã được thành lập như CII Water (CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn SII), CII E&C (CTCP xây dựng hạ tầng CII), CII Service (công ty TNHH MTV Dịch vụ Hạ tầng).
Một điểm cần nhấn mạnh là CII là công ty đã hết room ngoại, trong khi các dự án đang triển khai của CII đều cần nguồn vốn lớn nên với việc thành lập CII B&R, ngoài việc chuyên môn hóa hoạt động đầu tư (phân theo các ngành như trên), CII sẽ có thêm một kênh huy động vốn mới, thay vì tăng vốn của công ty mẹ khiến cổ phiếu bị pha loãng thì thông qua CII B&R, CII sẽ có thêm nguồn tiền lớn để triển khai các dự án khác (vòng quay tiền sẽ nhanh hơn).
Theo kế hoạch này,CII sẽ chuyển giao cho CII B&R 7 dự án BOT, BTmà CII đang triển khai là (i) dự án chuyển nhượng quyền quản ly thu phí giao thông trên Xa lộ Hà Nội để hoàn vốn đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc mới, (ii) dự bán BOT Cầu Rạch Miễu, (iii) dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, (iv) dự án BT Cầu Sài Gòn, (v) dự án BOT tuyến tránh Phan Rang – Tháp Chàm (giai đoạn 1 và giai đoạn 2), dự án BOT cầu đường Bình Triệu (giai đoạn 2).
Tổng giá trị 7 dự án này khoảng 1.955 tỷ đồng, nên để chuyển giao sang cho CII B&R với giá bằng giá trị sổ sách, CII B&R sẽ phải phát hành 50.400.000 cổ phần trong đó phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:2 (14,73 triệu cổ phần) và phát hành riêng lẻ cho CII với giá 10.000 đồng/cp (35,67 triệu cp).
Tổng số cp mà CII được mua giai đoạn này là 48,9 triệu cổ phần.
Ngoài ra CII B&R sẽ phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho CII với giá chuyển đổi 10.000 đồng/trái phiếu.
Tuy nhiên sau khi CII B&R tăng vốn thì CII sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại CII B&R từ 90% xuống 51%bằng cách bán ra thông qua đấu giá trên sàn HoSE 31,5 triệu cổ phần CII B&R với giá khởi điểm 16.500 đồng/cp và song song với việc đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi cho CII B&R phát hành, CII sẽ thực hiện phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi (hoặc khoản vay hoán đổi) cho NĐT quan tâm đến CII B&R với giá hoán đổi 18.000 đồng/cp; thời hạn trái phiếu 7 năm, lãi suất trái phiếu 11%/năm, giá hoán đổi 18.000 đồng/cp, NĐT được quyền bắt đầu hoán đổi từ năm thứ 2.
Huy động vốn “đường vòng” qua CII B&R
Rất nhiều cổ đông tham dự đại hội có thắc mắc về việc tại sao CII không tự tăng vốn để đầu tư các dự án BOT mà lại lập ra CII B&R, CII sẽ được lợi gì sau việc chào bán cổ phần này.
Ông Lê Quốc Bình, tổng giám đốc CII cho rằng: “Nếu chúng ta cứ để CII thực hiện tất cả các dự án BĐS, xây lắp, nước, tài chính…thì đến lúc nào đó “nồi lẩu thập cẩm” sẽ không ai ăn, chúng ta chuyên môn hóa các công ty để ai quan tâm đến món nào thì người ta sẽ về với món đấy. Với CII B&R, tôi biết rất nhiều người quan tâm, nhiều NĐT tổ chức, đại diện vốn nước ngoài đang tìm kiếm các DN lợi nhuận không cao nhưng lợi nhuận ổn định 12-14%/năm. Đối tượng NĐT này rất nhiều nhưng không đầu tư vào CII vì CII còn có rủi ro về BĐS, tài chính…và do đó họ sẽ chọn CII B&R”.
Nói về cơ hội phát triển, theo ông Bình, các dự án cầu đường hiện nay đều có tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ trở lên, nhiều dự án lên đến đến 1-2 tỷ USD, Chính phủ quy định rõ trong vòng 30 ngày sau khi nhận dự án phải nộp vào 20% vốn đầu tư dự án. Với sự thay đổi pháp luật như vậy, CII phải có một nguồn vốn rất lớn để tìm kiếm các dự án mới.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Tài chính phải có vốn mới được nhận dự án, nhưng không có dự án thì không thể huy động vốn. Câu chuyện “con gà quả trứng” này áp dụng vào danh mục dự án của CII đang có và các dự án CII đang triển khai thì rất khó để CII có thể nhận được các dự án mới.
Chính phủ đang khuyến khích rất lớn các NĐT tư nhân tham gia vào các dự án BOT về giao thông, thị trường có cơ hội lớn như vậy nếu chúng ta không tham gia thì sẽ lỡ cơ hội rất lớn.
Ngoài ra, sau khi CII B&R tăng vốn, CII giữ lại 51% vốn của CII B&R và “chia sẻ” 49% lợi nhuận của CII B&R sang cho nhà đầu tư mới, đổi lại CII lấy được 1.372 tỷ lợi nhuận, ở góc độ nào đó bán một phần thương hiệu CII trong việc phát triển dự án mới sang tiền mặt, nếu tính với hiệu suất đầu tư 17-18%/năm thì 1 năm sẽ có thêm vài chục tỷ.
Câu chuyện thứ 3, về việc đảm bảo lợi nhuận cho cổ đông CII, với việc có thêm gần 2.000 tỷ, tương đương với việc CII có thể huy động thêm 10.000 tỷ giá trị dự án đầu tư mới. Nguồn vốn này còn tạo công ăn việc làm rất lớn cho CII L&C.
Phát hành trái phiếu hoán đổi ai mua?
Theo ông Bình, CII vừa hoàn tất đợt phát hành 1.081 tỷ trái phiếu, nếu phát hành nữa thì nhà đầu tư hiện hữu sẽ không đủ sức đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, nếu NĐT không thẩm định kiểm tra và đánh giá hoạt động của CII B&R thì rất khó tham gia đầu tư vì theo quan điểm của nhà đầu tư, phải trả cho CII 1.372 tỷ tiền chênh lệch thì phải nghiên cứu rất kỹ và CII phải tổ chức bộ phận chuyên thẩm định cho các nhà đầu tư, nên trái phiếu hoán đổi này chủ yếu sẽ dành cho các nhà đầu tư lớn đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Bình tuyên bố ông cũngsẽ đăng ký mua trái phiếu CII B&R.
Thời điểm phát hành cổ phiếu, theo ông Bình, dự kiến đầu quý 4 sẽ chốt quyền phát hành cổ phiếu tỷ lệ 3:2 của CII B&R, tuy nhiên về việc chào bán trái phiếu, ông Bình cho rằng để nhà đầu tư có thời gian thẩm định lâu hơn và có nhiều NĐT tham gia thì CII sẽ bán được giá tốt hơn, nên không loại trừ việc chào bán sẽ chuyển sangquý I/2015.
Lợi nhuận hạch toán vào 2014 hay 2015?
Đại diện của SSI đặt câu hỏi, có con số ước tính lợi nhuận năm sau ước tính bao nhiêu, năm 2014 thì lợi nhuận bao nhiêu? Kế hoạch lợi nhuận của CII đặt ra đầu năm tương đối thấp thì năm nay khả năng đạt bao nhiêu, đấu giá cổ phần ngay lập tức 189 tỷ thì sẽ lợi nhuận rơi vào 2014 hay 2015?
Theo ông Bình, năm nay chắc chắn CII hoàn thành kế hoạch, khoảng 300 tỷ đồng. CII không muốn tạo ra mô hình đột biến về lợi nhuận. Từ năm 2013 trở đi CII xây dựng mô hình tăng trưởng đều chứ không muốn có đột biến và không giảm sút như các giai đoạn trước, đó là lí do tại sao phát hành trái phiếu hoán đổi. Ở một góc độ nào đó, khi NĐT đổi 100 tỷ trái phiếu thì CII có 80 tỷ lợi nhuận, do đó phải giảm tiến độ hoán đổi của NĐT ra từ đó tạo ra tăng trưởng bền vững được, nếu bán hết lấy 1.300 tỷ về thì có lợi nhuận đột biến nhưng các năm sau bị giảm sút đi, và điều đó CII không muốn.
>> Thực hư việc CII “bỗng dưng” lãi nghìn tỷ từ tái cấu trúc CII B&R
Theo Phương Mai
NDH