MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh có lợi cho doanh nghiệp

21-11-2014 - 10:53 AM | Doanh nghiệp

"Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ tạo thêm nhiều điều kiện để các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng như các DN trong nước hoạt động hiệu quả". Đây là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo "Tác động của Luật Đầu tư (sửa đổi) và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài", ngày 20/11 tại Hà Nội.

Đón làn sóng đầu tư mới
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng: "Trong lần sửa đổi Luật Đầu tư, Thuế lần này, cộng đồng các NĐT, DN đều phản ứng tích cực với các chính sách sửa đổi".

Bằng chứng là năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam là 22,3 tỷ USD và vốn thực hiện là 11,5 tỷ USD. Mục tiêu năm 2014 là 15 - 16 tỷ USD. Nhưng theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) công bố, tính đến ngày 20/10/2014, cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD.

Bên cạnh đó, còn có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD. Như vậy, tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 10 tháng, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 13,7 tỷ USD.

Không chỉ các NĐT quan tâm, khoảng một tháng nay, báo chí quốc tế như Italia, Đức… đã có những bài viết đánh giá Việt Nam đang có cải tiến rõ về thể chế và môi trường đầu tư. GS.TSKH Nguyễn Mại -  Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (VAFIE) dẫn chứng: "Điển hình như lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ Việt Nam phát hành nhận được sự phản ứng tốt: 1 tỷ USD đặt mua trái phiếu với lãi suất thấp…".


Bên cạnh đó, có 5 tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam như: Samsung đầu tư tại Việt Nam từ năm 2007, sau nhiều lần tăng vốn đến nay đã trở thành NĐT nước ngoài lớn nhất Việt Nam; Microsoft dự kiến sẽ chuyển một nhà máy ở Hungaria sang Việt Nam để sản xuất smartphone; Intel quyết định chuyển một nhà máy sang Việt Nam để sản xuất khoảng 80% chip cung cấp cho tất cả các thị trường trên thế giới…


Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước một làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao, công nghệ cao. Vì thế, Luật Đầu tư cùng với Luật DN phải sửa đổi làm sao để phát huy hiệu quả nhằm gia tăng cơ hội thu hút đầu tư cho Việt Nam, giúp Việt Nam có những DN mạnh trong 5 - 10 năm tới.


Sẽ có hướng nhìn dài hạn
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, trong quá trình sửa đổi luật hiện nay thường xảy ra tình trạng những vấn đề nào không đưa được vào luật sẽ được "lách" qua nghị định. Vì vậy, ông đề nghị các nghị định phải nhất quán với tư tưởng của luật. 

"Tôi hy vọng sẽ không có các thông tư do các bộ ban hành do các thông tư này đều đại diện lợi ích cho các bộ đó và làm khó thêm cho DN. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo lại đội ngũ công chức hành chính hiện nay để giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho DN" - ông Mại kiến nghị.
Đồng tình với các kiến nghị của đại diện VAFIE, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế DN lớn, Tổng cục thuế cho biết, lần này, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ có hướng nhìn dài hạn, sẽ không có tình trạng dự thảo luật vừa được thông qua đã phải điều chỉnh với thực tế. Do vậy, chất lượng dự thảo luật sửa đổi, nghị định được ban hành có chất lượng cao hơn.
Còn theo ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT, một trong những điểm mới của Luật Đầu tư (sửa đổi) là tách 2 thủ tục Giấy chứng nhận đăng ký DN và Giấy đăng ký đầu tư. "Khi xem qua, mọi người hình dung việc này phức tạp nhưng thủ tục lại đơn giản, thời gian rút ngắn khoảng 50% so với thủ tục ban đầu" - ông Tuấn giải thích.
Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này cũng sẽ thu hẹp danh sách các dự án phải xem xét trong vòng 45 ngày và thay đổi để thực hiện chế độ đăng ký 15 ngày, đặc biệt sẽ công bố công khai danh mục những lĩnh vực cấm đầu tư và danh mục lĩnh vực đầu tư và kinh doanh có điều kiện. 

Luật cũng sẽ có những điều chỉnh quyền hạn của các địa phương trong việc cấp và sửa Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các dự án ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN...

 Đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và ngày càng có xu hướng tăng. 10 đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam hiện tại bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Anh, Hồngkong,  Mỹ, Malaysia, Trung Quốc và Thái Lan.


Theo Trang Anh

huongtt

Báo Kinh tế đô thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên