MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dỡ trần khuyến mãi: Doanh nghiệp nói gì?

21-12-2015 - 07:32 AM | Doanh nghiệp

Sau khi trần quảng cáo 15% được dỡ bỏ, Bộ Công Thương đã đề xuất cho phép doanh nghiệp (DN) bỏ áp dụng trần khuyến mãi trong các dịp như tháng khuyến mãi, mùa mua sắm cuối năm; trong khuôn khổ các hội chợ, triển lãm cũng như các đợt thanh lý hàng tồn hoặc thanh lý khi DN ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các DN cho rằng, cần thiết phải dỡ bỏ trần khuyến mãi vì quản lý cạnh tranh không lành mạnh đã có Luật Cạnh tranh.

Giảm giá nhiều hơn 50%

Tại dự thảo báo cáo đánh giá về việc thực hiện Luật Thương mại 2005 trên cơ sở ghi nhận ý kiến phản hồi của các địa phương và DN, Bộ Công Thương đã đề xuất DN được giảm giá bán hàng hóa trên mức 50% trong tháng khuyến mãi, mùa mua sắm hằng năm; trong khuôn khổ hội chợ, triển lãm đã được cơ quan quản lý về xúc tiến thương mại cho phép đăng ký, thanh lý hàng tồn kho hoặc thanh lý hàng khi DN ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung các hình thức khuyến mãi mua theo nhóm (groupon), mô hình khuyến mãi theo gói hàng hóa, dịch vụ (coupon), khuyến mãi bằng tiền mặt, lãi suất hay khuyến mãi theo hình thức chiết khấu...

Nếu đề xuất này được thông qua, DN sẽ được "cởi trói" một phần về hạn mức khuyến mãi bằng hình thức giảm giá.

Theo Luật Thương mại 2005 và nghị định hướng dẫn (Nghị định 37/2006/NĐ-CP), DN không được khuyến mãi bằng hình thức giảm giá vượt quá 50% giá bán sản phẩm.

Theo các DN, trong nhiều năm qua, quy định này gây cản trở không nhỏ đến kinh doanh của nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ (siêu thị, trung tâm điện máy, nội thất...).

Vì mức giảm giá dưới 50% không đủ sức thu hút người tiêu dùng mua sắm, nhất là trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu như hiện nay. Vì thế, để thu hút khách hàng, một số DN phải giảm giá nhiều hơn 50% và cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt.

Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại... thường tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để thu hút khách hàng. Đơn cử như tại hệ thống siêu thị Big C, bình quân mỗi năm có đến 30 chương trình khuyến mãi.

Thậm chí, khi chương trình khuyến mãi này chưa kết thúc, chương trình khác đã bắt đầu.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông hệ thống siêu thị Big C, cho biết, khuyến mãi là chính sách bán hàng của Big C từ nhiều năm nay nhằm kích thích sức mua, kích thích người tiêu dùng mua hàng, lôi kéo khách hàng.

Ở các thương hiệu bán lẻ khác như Co.opmart, Thiên Hòa, Nguyễn Kim..., các chương trình khuyến mãi cũng được xem là lợi thế cạnh tranh và liên tục được thực hiện.

Tuy nhiên, để hấp dẫn người tiêu dùng, bên cạnh giảm giá, các chương trình tặng quà, tích lũy điểm thưởng, DN còn tăng các ưu đãi (tặng thêm) như tăng thời gian bảo hành, miễn phí lắp đặt...

Ở nước ngoài, để thúc đẩy mua sắm, các nước đưa ra quy định cho phép mức giảm giá, khuyến mãi lớn hơn 50%. Đơn cử như ở Singapore, vào mùa khuyến mãi (từ tháng 5 đến tháng 7), các mặt hàng khuyến mãi có thể giảm tới 70%.

Còn ở Malaysia, mùa giảm giá bắt đầu từ tháng 7 với tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều giảm giá từ 10% - 80% so với ngày thường. Hay như ngay Black Friday ở Mỹ, giảm giá từ 30% - 50%, thậm chí nhiều mặt hàng giảm đến 90%.

Vào ngày này năm nay, có đến hơn 68 triệu người Mỹ đến các trung tâm thương mại và siêu thị mua sắm với tổng chi phí lên đến 617 tỷ USD.

Dỡ trần khuyến mãi

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, quy định về hạn mức tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi (không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi) cũng như hạn mức thời gian cho phép khuyến mãi là chưa hợp lý và hạn chế quyền tự do kinh doanh của thương nhân.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu - Giám đốc Maketing Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, cho rằng, nên cho phép DN giảm giá "thả ga" trong những dịp nhất định.

Theo lý giải của ông Hậu, những sản phẩm áp dụng giảm giá thường là những sản phẩm đã qua mùa, lỗi mốt, vì thế nên cho phép DN giảm giá mạnh để thu hồi nhanh lượng tiền để xoay vòng vốn còn hơn là cho giảm 50% nhưng vẫn không bán ra được.

"Cần cho phép các chuỗi bán lẻ giảm giá đến 80% để đẩy hàng đi. Như vậy, người tiêu dùng sẽ có lợi vì mua được hàng giá rẻ trong khi DN đẩy nhanh sản phẩm ra và thu hồi vốn nhanh.

Như vậy Nhà nước sẽ tạo được xu hướng kích cầu mua sắm ở người tiêu dùng. Chuyện ràng buộc 50% chỉ nên áp dụng cho những ngày bình thường còn những chương trình do Nhà nước tổ chức nên cho tự do, thậm chí nếu giảm 99% cũng được", ông Hậu đề xuất.

Theo các DN, trong dự thảo lấy ý kiến DN và các địa phương, Bộ Công Thương dự kiến áp dụng trong các dịp đặc biệt với mức giảm không quá 70%. "Có ràng buộc là chưa thật sự tốt. Tốt nhất là để DN tự quy định mức giảm giá trong những ngày nhất định nào đó”, ông Hậu nói.

Cùng nhận định như ông Hậu, một DN nói thêm, việc khuyến mãi bao nhiêu, như thế nào là chuyện của từng DN, cơ quan quản lý nên để DN tự do bán hàng, đó cũng là một yêu cầu của kinh tế thị trường.

Cơ quan quản lý không cần lo lắng về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vì giải quyết vấn đề này đã có Luật Cạnh tranh. Nếu các DN có thị phần chi phối thị trường có hành động cạnh tranh không lành mạnh thì cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ vào cuộc.

Cùng nhận định này, một vị đại diện Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng: "Cơ quan nhà nước không nên quản lý khuyến mãi bằng giảm giá mà hãy để DN tự quyết định, điều chỉnh theo thị trường. Nếu DN lũng đoạn thị trường thì đã có Luật Cạnh tranh giải quyết".

 

Theo MINH HÀO

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên