MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bán lẻ nội: "Bó đũa" không thành!

28-12-2013 - 17:47 PM | Doanh nghiệp

Đã từng có thời, các nhà bán lẻ nội tính đến chuyện liên kết nhằm tăng cường sức mạnh, song đã chỉ nhận được thất bại.

Trong khi đó, xu hướng liên doanh liên kết với khối ngoại lại đang dần trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN) nội. Vấn đề đặt ra là tại sao các nhà bán lẻ trong nước lại không thể tạo thành liên doanh mà phải đi bắt tay với hãng ngoại, trong khi hình thức này tiềm ẩn không ít rủi ro thâu tóm?

4 "ông lớn" trong ngành bán lẻ của Việt Nam là: Satra, Hapro, Phú Thái và SaigonCo.op đã cùng hợp tác để hình thành nên một liên minh bán lẻ, với kỳ vọng xây dựng một thương hiệu lớn để có "sức mạnh" cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài". Các nhà bán lẻ này còn có tham vọng xây dựng và trở thành một tập đoàn bán lẻ lớn để hỗ trợ các DN trong nước, như đầu tầu để định hướng cho khối DN nội phát triển.

"Yếu" cả trong lẫn ngoài

Trong bối cảnh ngày càng nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài dòm ngó và nhảy vào thị trường, tạo nên sức ép cạnh tranh lớn, đây được xem là định hướng đúng của các DN nội để gia tăng sức chống đỡ với khối ngoại. Sẽ không phải bàn cãi nhiều nếu liên doanh này thành công, bởi chắc chắn bức tranh của ngành bán lẻ đã khác, song mọi chuyện đã không như kỳ vọng.

Chia sẻ lại "chuyện cũ", ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, nói với Thời báo Kinh Doanh rằng cản trở lớn nhất khiến cho liên minh thất bại chính là tiếp cận đất đai, hạ tầng của các DN gặp rất nhiều khó khăn.

"Việc thủ tục cấp đất, ưu đãi đất, xin đất kéo dài và tốn kém, cùng nhiều khoản chi phí không thể hợp lệ được. Vì thế mà mô hình cổ phần lớn mà 4 đơn vị liên kết không thực hiện được. Thậm chí triển khai còn chậm hơn các DN tư nhân nhỏ lẻ. Đó là điều cần rút kinh nghiệm, vì nếu liên doanh liên kết này mà không có sự hậu thuẫn của Chính phủ thì không thể thành công", ông Đoàn nói.

Xem đây là nỗi đau của ngành bán lẻ, Ts. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thì cho rằng sự không thành công của liên doanh không chỉ từ phía DN, mà cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ lớn từ phía Nhà nước. Thực tế, với những khâu yếu trong hoạt động logistics, liên doanh này nhắm đến xây dựng chuỗi logistics phát triển mạnh để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong hệ thống bán lẻ, song việc tiếp cận mặt bằng, xin quỹ đất để xây dựng kho bãi tại các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành của Hapro, dù 4 DN có chung mục đích xây dựng liên doanh, song hoạt động điều hành, điều phối chung giữa các DN lại không có sự "ăn khớp". "Cần nhấn mạnh, tập trung vào công tác điều hành, điều phối và mục tiêu chung của liên doanh, song các nhà bán lẻ lại đều có việc riêng của mình làm. Vì vậy, chúng tôi cần có sự hỗ trợ, tạo thành hành lang cho các DN, giúp cho 4 bên nhận thấy lợi ích kinh tế ngay lập tức và tạo thế mạnh cho DN nội địa khi Việt Nam mở cửa thị trường", bà Hiền nói.

Không thể thành công nếu không hợp sức, song nếu liên doanh là một khối đồng nhất nhưng lại không thống nhất, cũng như không có được sự trợ giúp từ các chính sách, thì rất khó để thành công. Bởi thế mà trong số 4 nhà bán lẻ trên, để tìm nguồn lực cho riêng mình, đã phải "chuyển hướng" liên kết với khối ngoại. Mở đầu là Phú Thái, khi tập đoàn này liên doanh Itochu (Nhật Bản) để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart, và mới đây là SaigonCo.op liên doanh với nhà bán lẻ hàng đầu của Singapore là FairPrice để mở đại siêu thị. Không ít nhà bán lẻ khác cũng đang tính chuyện tìm đối tác liên doanh như một chiến lược cần thiết để gia tăng thị phần.

Tất yếu: Chơi với kẻ mạnh!

Bản thân ông Đoàn cũng thừa nhận trong thời điểm các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn gặp phải rào cản về mở điểm bán, để chiếm lĩnh thị phần, họ phải tính chuyện liên doanh. Trong khi các DN nội lại đang thiếu những nguồn lực cần thiết để phát triển hệ thống, như: vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị…, thì chuyện liên doanh là tất yếu. Song có điều, thay vì chọn liên doanh với khối nội - vốn có "sức khoẻ" cũng chẳng hơn kém gì, các DN hướng đến khối ngoại như một "cứu tinh" nhằm củng cố nguồn lực.

"Các DN nội dù có liên doanh nhưng đều yếu và thiếu rất nhiều thứ, lại không có sự hỗ trợ đầy đủ và tích cực từ cơ quan nhà nước, thì chắc chắn không thể phát triển được. Có tạo nên "bó đũa", cũng chỉ là "bó đũa" với các cá thể èo uột, thiếu sức sống. Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các DN buộc phải tính tới chuyện hợp tác với khối ngoại - vốn "khoẻ" hơn và có thể hỗ trợ được khối nội", đại diện một DN nói.

Chuyện bắt tay với một "ông lớn" có "sức khoẻ" tốt hơn, kinh nghiệm nhiều hơn cũng đồng nghĩa với nguy cơ có thể đến nhiều hơn. Dù nhận thấy điều này, song các nhà bán lẻ nội vẫn chấp nhận cuộc chơi rủi ro nhưng đầy toan tính để nhanh chóng gia tăng thị phần, sức mạnh cho mình. Phú Thái dù đã nếm trải bài học xương máu khi phải chia tay với FamilyMart để tìm hướng đi riêng cho mình với BMart, song ông Đoàn cho biết chuyện tìm đối tác liên doanh mới vẫn đang được cân nhắc.

"Các nhà bán lẻ nội sẽ không thể có sự đột phá về nguồn vốn, công nghệ, nên việc tìm đến những đối tác nước ngoài có nguồn lực mạnh là cần thiết vào lúc này, trước khi thị trường mở cửa hoàn toàn", ông Đoàn nói.

Theo Cẩm An

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên