MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cần chủ động tham gia cải cách thể chế

30-03-2015 - 10:26 AM | Doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn 2015-2016, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bên cạnh sự quyết tâm từ phía Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, việc chủ động tham gia của cộng đồng DN đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thuế, Hải quan “đột phá”

Cách đây một năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NĐ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và ngày 12-3 mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19/NĐ-CP đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hai năm 2015-2016.

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: DN chung tay trong cải cách thể chế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng ngày 19-3, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với việc ban hành các Nghị quyết 19, Việt Nam đã đánh giá sự cải cách thể chế, các thủ tục hành chính dựa trên những tiêu chí khá cụ thể theo bộ tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới được áp dụng tại nhiều quốc gia. Điều này đánh dấu sự thay đổi khá lớn từ phía Chính phủ, cho thấy tinh thần hội nhập thực sự, tạo nhiều thuận lợi cho DN. Đáng nói là, điều này không chỉ đem lại lợi ích cho những DN lớn mà cả những DN có quy mô vừa và nhỏ.

Từ khi bắt đầu triển khai Nghị quyết 19 năm 2014 đến nay, Thuế và Hải quan được xem là những lĩnh vực đạt được kết quả mang tính đột phá trong cải cách thủ tục hành chính công, tạo thuận lợi cho DN. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, khi Nghị quyết 19 năm 2014 được ban hành, Bộ Tài chính coi việc triển khai các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực thuế, hải quan là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, trước sức ép từ phía Chính phủ, cộng đồng DN, đặc biệt là sức ép hội nhập, Ban cán sự Bộ Tài chính đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề và thấy rằng hoàn toàn có thể thực hiện được. Tính đến 1-1-2015, Tổng cục Thuế đã sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế; xây dựng mới 44 quy trình, quy chế, sổ tay nghiệp vụ. Thực hiện rà soát, hệ thống hoá danh mục 421 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế; triển khai mở rộng DN khai thuế qua mạng internet (đạt 97%) và nộp thuế điện tử… đã góp phần giảm tổng số giờ về khai, nộp thuế được khoảng 370 giờ. Như vậy, số giờ cơ quan Thuế cần giảm tiếp trong năm 2015 là 45,5 giờ.

Ở lĩnh vực Hải quan, từ ngày 20-4-2014, Hệ thống thông quan tự động VNACC/VCIS được đưa vào hoạt động, tính đến nay có tới 98% số tờ khai, được thực hiện qua hệ thống này. Bên cạnh đó, cơ chế một cửa quốc gia cũng đã được kết nối giữa các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, sử dụng dữ liệu tập trung, giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Hải quan 2014 với nhiều nội dung mới, thuận lợi cho DN…

“Trong năm 2015, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, kết nối với các Bộ: NN&PTNT, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường…, rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa cho DN”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ghi nhận những cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan đem lại nhiều lợi ích cho DN nhưng chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng kết quả còn có thể đạt được tốt hơn hiện tại. Do đó, các cơ quan Thuế, Hải quan cần không ngừng cố gắng để các chỉ tiêu như thời gian nộp thuế, thời gian thông quan hàng hóa… nhanh chóng tiếp cận mức trung bình của các nước ASEAN-6.

Tăng tính chủ động

Theo ông Lê Đăng Doanh, để việc triển khai Nghị quyết 19 thu về những kết quả như mong đợi, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tiến tới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong thời gian tới, các hiệp hội cùng bộ, ngành cần có những ý kiến, kiến nghị lên Chính phủ mang tính cụ thể về các vấn đề liên quan chứ không thể bám vào các mục tiêu cải cách chung chung nữa. Ví dụ như, cân nhắc xem số thủ tục hành chính công thực sự có thể tinh giảm được là những gì; thủ tục, số giờ nộp thuế còn tinh giảm được đến đâu; việc đăng ký hình thành cũng như phá sản DN liệu có đạt được như mục tiêu đề ra…

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, để tăng cường tiếng nói của cộng đồng DN trong quá trình cải cách thể chế, mỗi tháng một lần, VCCI báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề về môi trường kinh doanh, khúc mắc của DN. Đặc biệt, VCCI đã thành lập Hội đồng Trung ương các hiệp hội DN Việt Nam, họp mỗi quý một lần nhằm trao đổi thông tin, phản ánh, tập hợp đầy đủ mọi vấn đề có liên tuan để Chủ tịch VCCI báo cáo trước Chính phủ. Ngoài ra, 6 tháng một lần, chủ tịch VCCI còn báo cáo trước Quốc hội về các vấn đề vướng mắc của DN nói chung, nhất là về sự đổi thay của môi trường kinh doanh.

Tại hội thảo, ông Cory O Hara, Giám đốc Văn phòng Cải cách thể chế và thương mại USAID chia sẻ, Nghị quyết 19 của Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu khá cụ thể để đánh giá sự cải cách thủ tục hành chính, nhằm tăng cường hội nhập, kinh doanh với thế giới. Để tăng cường sự tham gia, đồng hành của DN trong quá trình cải cách thể chế, kinh nghiệm là cần thành lập ra những cơ chế đối thoại chính thức giữa cơ quan Nhà nước với DN, trong đó sự dẫn dắt thuộc về DN. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, mô hình khả thi là thành lập ra các cơ quan đại diện theo xu hướng có nhiều đại diện của DN, đặc biệt là DN tư nhân hơn là đại diện của Chính phủ, Nhà nước để DN có cơ hội bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình.

Ông Trần Hữu Huỳnh- Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam:

Chính phủ đã đặt mình vào thế cạnh tranh toàn cầu để cải cách

Có thể thấy rằng, với Nghị quyết 19, Chính phủ đã đặt mình vào thế cạnh tranh toàn cầu để cải cách. Nghị quyết 19 ưu tiên tạo dựng môi trường thương mại tốt và có công cụ để đánh giá, trong đó Chính phủ dùng bộ chỉ số của Ngân hàng Thế giới chứ không chỉ dùng công cụ nội bộ. Cách tiếp cận mới này sẽ có ích cho các DN-chủ thể tham gia, đối tượng hưởng lợi chính và cho cả các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thực tế, điều mà nhiều DN mong muốn là sẽ có sự cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực sự. Bởi, trong bối cảnh kinh tế hội nhập mạnh mẽ, các DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà đã và đang cạnh tranh ngày càng gay gắt với các DN trên thế giới. Nghị quyết 19 sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động cải cách thể chế, thủ tục hành chính, hướng tới đạt được mục tiêu mà DN mong muốn. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng là cần bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng của đội ngũ công chức, viên chức ở các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Thanh Nguyễn

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên