Doanh nghiệp “chết” chủ yếu là doanh nghiệp “sân sau”?
Đó là nội dung một câu hỏi được gửi đến tại tọa đàm trực tuyến biztalk: “làm ăn gì năm 2015?” do báo điện tử bizlive tổ chức chiều 12/1.
- 28-10-2014Số Doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhưng vốn tăng
- 28-10-2014Hơn 54.000 doanh nghiệp giải thể trong 10 tháng
Tại buổi tọa đàm “Làm ăn gì năm 2015?” do BizLIVE tổ chức chiều 12/1, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã có những chia sẻ về tình hình phát triển doanh nghiệp trong những năm gần đây.
Trước câu hỏi có nghiên cứu cho biết đa số doanh nghiệp phá sản là “sân sau” hoặc được lập ra để tham gia vào các dự án dùng ngân sách, khi ngân sách được siết lại thì doanh nghiệp cũng hết vai trò, bà Lan nói:
“Tôi không biết nghiên cứu nào đưa ra kết luận như vậy, nhưng thực tế số doanh nghiệp ngưng hoạt động chiếm tới gần 1/3 tổng số doanh nghiệp Việt Nam thì khó có thể số lớn là doanh nghiệp “sâu sau” được!”
Bà Lan chia sẻ thêm, nói chung các doanh nghiệp “sân sau” có những chỗ dựa để không phải làm gì nhiều mà vẫn thu hoạch được, và họ cũng được che chắn khỏi nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp khác thường gặp phải trên thương trường.
“Nếu có ngưng hoạt động trước mắt thì họ cũng sẽ chờ thời để tiếp tục. Vì vậy, tôi nghĩ hầu hết các doanh nghiệp ngừng hoạt động không phải thuộc diện “sân sau” này”, bà Lan nhận định.
Không nên mừng vì doanh nghiệp “sinh” ra nhiều hơn “chết” đi
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Năm 2014 đã có nhiều cải thiện quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, đây là “di sản” rất tốt cho năm 2015, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững hơn trong những năm tới
Tuy nhiên, bà Lan cảm thấy “rất buồn” trước số doanh nghiệp ngưng hoạt động trong năm nay. “Nhiều người mừng vì số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập lớn hơn số doanh nghiệp dừng hoạt động. Tôi thì không thấy vậy!”, bà Lan nói.
Bà Lan lý giải, số doanh nghiệp ngưng là doanh nghiệp “chết” thật, người lao động mất việc làm, dừng hẳn đóng góp cho ngân sách. Còn doanh nghiệp mới thì họ không thể có những đóng góp ngay được, họ còn mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao đông...
Qua những chuyến đi thực tế, qua những cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, bà Lan nhận thấy số doanh nghiệp khó khăn thực sự còn nhiều lắm. Nghiên cứu về doanh nghiệp mới đấy của CIEM cho thấy quy mô doanh nghiệp đang giảm đi nhiều cả về số vốn và lao động khiến bà Lan không khỏi lo lắng, bởi theo bà “đó là chiều hương đi ngược với sự phát triển!”.
Doanh nghiệp vẫn bị làm khó?
Nhiều ý kiến cho rằng, các báo cáo độc lập công bố gần đây đều cho thấy, ở nhiều nơi, doanh nghiệp và người dân vẫn bị làm khó bởi chính các chính sách và hệ thống thực thi chính sách.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Có chính sách tốt là một điều khó tuy nhiên thực thi được tốt chính sách tốt đó có khi lại còn khó hơn.
Điều mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần luôn là những gì trực tiếp ảnh hưởng đến họ, những gì họ thụ hưởng trực tiếp được chứ không chỉ những tuyên bố, tinh thần trên văn bản.
Theo ông Tuấn, đó là lý do mà tại sao thời gian qua nhiều doanh nghiệp cho rằng một đạo luật có thể tốt nhưng dễ dàng bị hạn chế bằng hàng loạt các văn bản cấp dưới như thông tư hay nghị định hướng dẫn.
Do vậy, khi thiết kế một chính sách, cần tính đến việc thực thi trên thực tế của chính chính sách đó. Trước đây để thực thi được Luật Doanh nghiệp 1999, Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, mặc dù đây là cơ chế vụ việc nhưng điều này cũng đã giúp cho những tinh thần ưu việt của đạo luật này đi được vào thực tế.
Ông Tuấn cho rằng những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong rà soát, chỉnh sửa chính sách là điều đáng hoan nghênh nhưng đồng thời với đó là phải xây dựng được một cơ chế hữu hiệu để giám sát được việc thực thi của chính sách đó trên thực tế.
Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành hay đặt hàng tiến hành các khảo sát độc lập để biết được đầy đủ cơ chế thực hiện chính sách trên thực tiễn. Tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp thường xuyên cũng là cách nắm bắt việc triển khai thực hiện chính sách trên thực tế.
Theo MẠNH NGUYỄN
Diễn đàn Đầu tư