MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp chủ động đến đâu?

30-07-2013 - 07:39 AM | Doanh nghiệp

Khoan đã nói trách nhiệm thuộc về ai, chỉ biết hàng giả hàng nhái đã đánh những đòn chí mạng vào các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không thể tách rời với môi trường hoạt động xung quanh, những nhân tố tác động tích cực lẫn tiêu cực lên hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài những biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, sức cầu, thị trường lao động...., sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, gián tiếp khiến không ít doanh nghiệp đau đầu.

Hàng giả, hàng nhái, thách thức không của riêng ai

Hàng giả hàng nhái không chỉ trực tiếp chia sẻ doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp, mà còn làm giảm uy tín sản phẩm của doanh nghiệp. Thế nhưng, trước vấn nạn này, phần lớn doanh nghiệp đều phải "bó tay". Các cơ quan quản lý thị trường có vẻ cũng không giúp được nhiều cho doanh nghiệp, mặc dù đó là chức năng của họ. 

Các lực lượng quản lý thị trường cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động trong phòng chống hàng giả, hàng nhái mà còn trông chờ vào các cơ quan chức năng.

Khoan đã nói trách nhiệm thuộc về ai, chỉ biết hàng giả hàng nhái đã đánh những đòn chí mạng vào các doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

Tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2013 của ông vua săm lốp Casumina CSM, đại diện công ty này cho biết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, công ty vẫn chưa có hướng giải quyết. Cũng tương tự như vậy, sản phẩm tiêu dùng phổ biến của Rạng Đông RAL cũng thường bị làm giả, làm nhái tràn lan, và doanh nghiệp cũng chỉ biết đứng nhìn! Đối với TSC, việc làm giả sản phẩm Kali CIS mang thương hiệu công ty đã gây tổn thất nặng nề, và trong các giải pháp doanh nghiệp đưa ra là....giảm mạnh việc kinh doanh phân bón. 

Everon, một nhãn hiệu chăn ga gối đệm nổi tiếng của EVE cũng là đối tượng  bị làm nhái, làm giả khá nhiều. Thậm chí, để mua một bộ sản phẩm Everon "xịn", người tiêu dùng phải cực kỳ tinh mắt, và kiểm tra kỹ lưỡng tem chống hàng giả của công ty này cùng các đặc điểm nhận biết khá tinh vi khác. 

Mặc dù đã tìm đủ mọi cách để tránh hàng giả, hàng nhái (đăng ký nhãn hiệu, tem chống hàng giả, tuyên truyền trên các website tiêu dùng về cách phân biệt hàng thật và hàng nhái...) thì trên thực tế, cũng không khó để khách hàng tìm thấy một bộ sản phẩm Everon không-chính-hãng. 

Với các doanh nghiệp nói trên, có thể doanh thu, lợi nhuận vẫn tăng đều đặn. Nhưng chi phí cơ hội bị mất đi khi hàng giả hàng nhái hoành hành là không thể đo đếm được.

Tự vệ thương mại và quyền của doanh nghiệp

Nếu như vấn nạn hàng giả hàng nhái dù gì cũng là việc "quân ta đánh quân mình", khi các sản phẩm đều được sản xuất trong nước, thì việc bán phá giá hàng hóa nhập khẩu lại là việc các doanh nghiệp Việt trực tiếp "đánh nhau" với các sản phẩm/doanh nghiệp nước ngoài.

Có một điều hết sức bất công, là khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài luôn bị các rào cản kỹ thuật và thương mại do các nước sở tại áp dụng, thì có vẻ như doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng hơn trong việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam. 

Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được ban hành năm 2004 và tiếp đó một loạt văn bản pháp lý hướng dẫn cũng được ban hành, nhưng gần 10 năm qua, các DN Việt Nam có vẻ chưa áp dụng đúng mức để bảo vệ bản thân.

Gần đây, doanh nghiệp Việt mới chỉ tiến hành 3 vụ khởi kiện tự vệ và chống bán phá giá.

Vào cuối tháng 5/2013, Cục quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết vừa tiếp nhận đơn của Công ty TNHH Posco VST và CTCP Hòa Bình Inox yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp bán phá giá với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Đến hết tháng 7, Bộ Công thương sẽ ban hành quyết định có điều tra vụ việc hay không.

Trước đó, các doanh nghiệp kính nổi và dầu ăn trong nước đã tiến hành kiện sản phẩm nhập khẩu bán phá giá tại thị trường nội địa. Kết quả Việt Nam không áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm kính nổi và tự vệ tạm thời đối với sản phẩm dầu ăn bằng 5% thuế nhập khẩu. 

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện theo đuổi vụ kiện. Chi phí tiền bạc, thời gian và công sức bỏ ra không phải là nhỏ. Viêc thu thập số liệu đầy đủ để chứng minh doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá, rõ ràng không thuộc chuyên môn của một doanh nghiệp chuyên sản xuất. 

Đành rằng, không phải cứ kiện là thành công. Kết quả có áp dụng hay không các biện pháp tự vệ chỉ được đưa ra sau quá trình điều tra kỹ lưỡng. Nếu áp dụng, Chính phủ phải bồi thường thương mại cho các nước có hàng hóa bị áp dụng các biện pháp tự vệ với những điều kiện nhất định. Nếu không tuân thủ, WTO cho phép các nước liên quan được áp dụng các biện pháp trả đũa. Tuy vậy, việc đệ đơn kiện các doanh nghiệp nước ngoài là một biện pháp đáng khích lệ. 

Còn nhớ, sản phẩm mía đường Việt Nam cũng đã và đang bị các sản phẩm ngoại nhập làm cho điêu đứng. Thế mà từ trước đến giờ, vẫn chưa có một doanh nghiệp mía đường nào của Việt Nam đứng lên "thưa kiện", mà chỉ phản ánh, đề ra khó khăn về việc giá đường liên tục sụt giảm. 

Minh Huyền

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên