MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp có hồ hởi với tin lãi suất giảm?

20-01-2015 - 17:41 PM | Doanh nghiệp

Thông tin ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động và thống đốc ngân hàng nhà nước nguyễn văn bình hứa sẽ cố gắng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống 1% nữa, khoảng dưới 10%, có tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh?

Thông tin ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hứa sẽ cố gắng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống 1% nữa, khoảng dưới 10%, có tạo động lực cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh?

Đáp lại tin giảm lãi suất, ông Mai Hồng Bàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VinaVico, cho rằng gốc vấn đề vẫn là độ mở của tín dụng, tức là mức khả tín của khách hàng sau đó mới đến lãi suất. Vì lãi suất thấp nhưng điều kiện cho vay khó khăn thì tín dụng vẫn tắc.

Khó săn lãi suất trung và dài hạn

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần này, có thêm 2 ngân hàng hạ lãi suất huy động đó là LienVietPostBank và TPBank, mức giảm nhẹ 0,1-0,2 ở các kỳ hạn.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,7-6,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,7-7,3%/năm.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất giảm sẽ tác động thế nào tới doanh nghiệp? Câu hỏi có phần ngớ ngẩn, bởi đây là chi phí đầu vào quan trọng với doanh nghiệp, nên lãi suất giảm sẽ là động lực lớn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư. Vậy nhưng, tiếp xúc với thông tin lãi suất, không ít doanh nghiệp khá thờ ơ, bởi mức lãi suất đấy, doanh nghiệp chỉ có thể “ngắm” nhưng khó có thể tiếp cận được.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khai khoáng tâm sự, công ty ông rất cần vay vốn để đầu tư thêm 2 cái máy xúc nữa nhằm phục vụ cho việc mở rộng khai thác, tuy nhiên, việc gõ cửa ngân hàng để tiếp cận vốn vay trung và dài hạn rất khó khăn.

“Sau một thời gian dài tiếp xúc nhiều ngân hàng vẫn không thể tìm được vốn trung và dài hạn, công ty đã chuyển hướng sang hợp tác với công ty thuê mua tài chính để có vốn đầu tư máy móc thiết bị”, vị này cho biết.

Thực tế, đây là vấn đề của nhiều doanh nghiệp và cả ngân hàng. Với ngân hàng, nguồn vốn để cho vay trung và dài hạn tương đối hạn hẹp nên khó mở rộng cho vay kỳ hạn này. Kể cả khi Thông tư 36 có hiệu lực, và room dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn được nới từ 30% lên 60% cũng không giải quyết được nhiều nhu cầu vốn kỳ hạn này của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Bàng cho biết công ty cũng đang có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn để mở rộng khai thác nhưng rất khó khăn khi tiếp cận vốn. Hầu hết các ngân hàng đều từ chối cho vay trung và dài hạn nhưng sẵn sàng cho vay ngắn hạn. Nhưng với doanh nghiệp, vay để đầu tư máy móc thiết bị mà vay ngắn hạn là rất rủi ro.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng thừa nhận, ngân hàng ông cũng gần như cạn room cho vay trung và dài hạn, kể cả khi Thông từ 36 có hiệu lực. Bởi vậy, với nhu cầu vốn kỳ hạn này, ngân hàng đành phải từ chối.

Năng lực thấp hơn lãi suất

Một thực tế nữa cũng khiến doanh nghiệp thờ ơ với thông tin giảm lãi suất, đó là sức khỏe và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp vẫn thấp hơn so với lãi suất cho vay hiện nay.

Hơn nữa, mặc dù lãi suất cho vay giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải chịu lãi suất vay ngân hàng lên đến 12%/năm, còn mức phổ biến là 8 -10%/năm.  Thực tế, mức lãi suất này chỉ giảm so với thời kỳ đỉnh điểm của lãi suất hồi năm 2008 là 20 - 22%/năm chứ nếu so với khả năng kiếm lời trong điều kiện kinh tế vĩ mô đang khó khăn hiện nay thì lãi suất cho vay như vậy không thể nói là thấp.

Vì với điều kiện hiện nay, doanh nghiệp rất khó có thể đạt được mức lợi nhuận khoảng 15%. Đây cũng là lý do vì sao, cùng một mặt hàng nhưng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp trong nước cao hơn doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chỉ khi hạ được lãi suất huy động còn tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với các nước trong khu vực, tức 3%/năm, còn lãi suất cho vay 4,5%-5% thì khi đó, cộng với những yếu tố thuận lợi về tự nhiên, nhân công rẻ… thì doanh nghiệp Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.

Đấy cũng là lý do vì sao mà doanh nghiệp được vay ngoại tệ thường sẽ vay ngoại tệ chứ không vay VND, vì lãi suất cho vay thường thấp hơn. Điều đó thể hiện khá rõ qua tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 25/12/2014, tín dụng ngoại tệ đã tăng 12,8% so với cuối năm 2013.

Do khả năng Ngân hàng Nhà nước giảm giá tiếp VND trong ngắn hạn thời gian tới không còn nhiều nên các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động vay ngoại tệ trong thời gian tới nhằm hưởng mức lãi suất cho vay thấp (khoảng 4-7%) trong khi không phải lo ngại về rủi ro tỷ giá.

Theo TRẦN GIANG

PV

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên