MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đang dần hồi sức

10-01-2015 - 12:32 PM | Doanh nghiệp

Năm 2015 với sức khỏe khá hơn, DN đang cố gắng vượt qua những chướng ngại vật trong quá trình sản xuất kinh doanh để tìm kiếm cơ hội làm ăn mới.

Thêm nhiều DN khai sinh

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2014, cả nước có 74,84 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% về số DN nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước. Tuy vậy cả nước vẫn có 67,82 nghìn DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Như vậy, nếu so với số DN "khai tử" thì số DN "khai sinh" năm 2014 đã nhiều hơn hẳn. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng: Số lượng DN giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy việc có “sức đề kháng” và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những DN có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các DN nhỏ.

Để minh chứng cho việc DN giải thể, ngừng hoạt động không đáng lo ngại, Tổng cục Thống kê cũng đã liệt kê các số liệu thống kê của các nước trên thế giới. Theo đó năm 2012 tỷ lệ DN tồn tại sau 3 năm hoạt động ở Anh là 70%; tại Mỹ tỷ lệ tồn tại sau 5 năm hoạt động là 50%. Còn số liệu của Chính phủ New Zealand trong 4 năm liên tiếp (2010-2013) số DN rút khỏi nền kinh tế lớn hơn số DN thành lập mới. Bên cạnh đó số liệu thống kê của Ủy ban châu Âu cho thấy tốc độ gia tăng DN thành lập mới và DN giải thể là tương đương; tỷ lệ DN tồn tại sau 5 năm là 46%. Trong khi đó ở nước ta với khoảng 500 nghìn DN đang hoạt động trong tổng số 830 nghìn DN đã đăng ký thành lập thì tỷ lệ tồn tại là trên 60%.

Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá: Việc DN giải thể, ngừng hoạt động là không đáng lo ngại. Ở góc độ nào đó, giải thể hay phá sản của DN giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Nhưng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhìn nhận cộng đồng DN vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng DN trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành.

Sàng lọc lại DN có chất lượng

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: Xu hướng thanh lọc diễn ra mạnh mẽ từ năm 2013 đến nay đã sàng lọc lại những DN thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, trong năm 2014, có 22,75 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2014 là gần 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2014 đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo công việc làm của các DN thành lập mới trong năm 2014 cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, DN thành lập mới trong năm 2014 đã tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh. Ngoài ra, trong năm 2014, cả nước có 15,4 nghìn DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những DN đang gặp khó khăn.

Đánh giá về tình hình DN năm 2014 trong một báo cáo vừa công bố, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng ghi nhận mức sinh lời của DN được tăng lên. Khả năng thanh toán và trả lãi của DN được tăng lên. Ví dụ sau thời gian dài suy giảm, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn (ROE) của các DN niêm yết 9 tháng năm 2014 lần lượt là 3,8% và 9,4% tăng tương ứng 0,5 và 1,1 điểm phần trăm so với cùng kì 2013.

Dự báo cho năm 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá: Đầu tư tư nhân cải thiện do môi trường kinh tế vĩ mô cùng với những cải cách thể chế sẽ tạo dựng niềm tin của DN và hộ gia đình. Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì trong những năm gần đây sẽ tạo dựng niềm tin của DN trong năm 2015, khuyến khích các DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm lãi suất trong thời gian qua sẽ giúp giảm chi phí sản xuất cũng như chi phí tài chính cho DN, nâng cao hiệu quả sinh lời của DN để có động lực mở rộng sản xuất trong năm 2015.

Theo Lương Bằng

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên