Doanh nghiệp Hà Nội vẫn 'kêu' thiếu tiền và thiếu đất
Ngày 2/3, tại Hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2015”, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là DN vừa và nhỏ băn khoăn, họ không thể “ăn nên làm ra” nếu lãi suất vẫn cao như hiện nay.
- 02-03-2015Năm hội nhập 2015: Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp?
- 02-03-2015Nhiều Doanh nghiệp không cần thế chấp vẫn được vay vốn
- 02-03-2015Doanh nghiệp dệt may chủ động trước cánh cửa hội nhập
“Đau đầu” chuyện vốn, chuyện đất đai
“DN đang cực kỳ khó khăn. Bây giờ không phải trước thềm hội nhập mà hội nhập sâu rồi mà hành trang vẫn là con số 0, nhỏ và vốn ít”. Phát biểu thống thiết của Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Hà Nội có lẽ cũng là nỗi lo chung của các DN thể hiện trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TP Hà Nội.
Chia sẻ khó khăn DN gặp phải trong năm 2014 và dự kiến còn kéo dài đến năm 2015, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết: “DN nông nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7-8% chỉ là danh nghĩa, trên thực tế hầu hết DN phải vay vốn với lãi suất 9%, một bộ phận chịu lãi suất 11-12%. Làm sao DN có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài”?
Theo vị đại diện này, lãi suất cho vay bình quân từ 7,5% trở xuống thì DN mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được. “Giá vốn” cao cũng là nỗi trăn trở của nhiều DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (nơi có đến 1.500 thành viên) cũng đề nghị trong năm 2015, TP chú trọng hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP về vốn.
Đại diện Tổng Công ty Du lịch Hà Nội “than”: DN phải đầu tư cơ sở lưu trú, khách sạn với đầu tư cao nhưng nguồn thu chưa tương xứng, đặc biệt đối với loại hình khách sạn 5 sao khi giá phòng thấp. Từ đó, DN đề nghị giảm tiền sử dụng đất, thuế đất. Đại diện Công ty CP sản xuất thương mại An Việt thì mong muốn, có được 1 trung tâm để tập kết, sơ chế, bảo quản, dự trữ thực phẩm để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Thủ đô...
Ngoài thiếu vốn, giá thuê mặt bằng cao, chính sách chồng chéo, hầu hết các ý kiến từ phía DN cho thấy, họ đang phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tổng cầu giảm, tồn kho cao, chi phí sản xuất tăng.
Ông Hoàng Long Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Nội kiến nghị: “Cần nghiên cứu, giảm giá các loại chi phí điện, nước, giá thuê đất, thuê nhà cho DN và người dân để giảm giá thành sản xuất cho DN, tăng sức cầu tiêu dùng cho người dân và xã hội; nới lỏng các điều kiện kinh doanh vận tải, giảm các loại thuế, phí đánh vào phương tiện vận tải để tăng thêm số lượng DN tham gia vào lĩnh vực này. Từ đó tạo sự cạnh tranh và giảm giá thành”.
“Cả hệ thống chính trị đồng hành cùng DN”
Tại hội nghị, giám đốc một DN chuyên xuất khẩu dệt len, may mặc đề nghị thành lập ban hỗ trợ khó khăn kịp thời, để DN khi khó khăn tìm đến ban đó, chứ “tôi viết đơn đi khắp nơi, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nhưng không được đáp ứng”. Giải đáp ý kiến của nữ doanh nhân này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, TP đã có ban tháo gỡ khó khăn cho DN. TP cũng đang “lắng nghe” ý kiến của DN. Cụ thể, các buổi gặp gỡ, đối thoại được tổ chức thường xuyên, riêng năm 2014, UBND TP Hà Nội tổ chức 7 cuộc tiếp xúc với giới DN.
Giải đáp băn khoăn của DN, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội cho biết, lãi suất đang diễn biến tích cực. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm bình quân 5-6% trong thời gian qua. Riêng lãi suất cho vay đối với DN nông nghiệp, nông thôn luôn được ưu đãi thấp hơn 1% so với thông thường. Bà Mai Sương cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện kết nối giữa ngân hàng và DN. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lãi suất hợp lý, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1-1,5% nữa”.
Liên quan đến kiến nghị tiếp tục được giảm tiền thuê đất, ông Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho hay, từ năm 2012-2014, Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm hoãn, giãn, đình chỉ thu tiền thuê đất nhằm chia sẻ khó khăn đối với DN. Năm nay, TP Hà Nội đang xin ý kiến chỉ đạo. Nếu Thủ tướng cho phép thì sẽ tiếp tục thực hiện trong năm 2015. Còn đại diện ngành Thuế Hà Nội, ông Hà Minh Hải - Cục trưởng Cục Thuế TP cam kết, năm 2015, ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, năm 2015, TP sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Còn Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “TP sẽ theo sát hoạt động kinh tế, kịp thời chia sẻ và đồng hành cùng DN, để kiến tạo nền kinh tế lành mạnh, phát triển nhanh, bền vững”.
Theo Chi Linh
Công an nhân dân