MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khó “trốn” tăng lương và mức đóng bảo hiểm xã hội

15-03-2016 - 11:38 AM | Doanh nghiệp

Từ ngày 1-1-2016, DN phải thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cùng với điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Đã hơn 2 tháng kể từ thời điểm các quyết định có hiệu lực, bên cạnh những DN đang thực hiện tốt việc điều chỉnh lần này, vẫn có DN cố tình né tránh.

Doanh nghiệp tìm cách “né”

Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ về tăng lương tối thiểu vùng quy định mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1-1-2016, theo đó vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Mức đóng BHXH bắt buộc từ ngày 1-1-2016 theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 như sau: Người lao động đóng BHXH bằng 8% tiền lương tháng (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). Tổng tỷ lệ đóng BHXH là 26% tiền lương tháng.

Đối với những DN sử dụng nhiều lao động, thực hiện tốt việc tăng lương cho người lao động đã là một điều không dễ dàng. Trong khi đó, lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 lại trùng với thời điểm thay đổi mức đóng - hưởng BHXH khiến áp lực với DN càng lớn hơn.

Bà Lương Thúy Hằng (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Vạn Bảo, Ninh Bình) cho biết, việc điều chỉnh mức lương và BHXH cho hơn 100 công nhân khiến đơn vị này phải mất thời gian xây dựng lại toàn bộ thang bảng lương và có những ảnh hưởng nhất định tới quỹ lương chung. Với những lao động làm việc lâu năm, để xây dựng lại bảng lương phù hợp nhằm đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm tương ứng với thời gian công tác là một điều không dễ. “Tuy nhiên, biết trước được lộ trình tăng lương hàng năm nên Công ty đã chủ động lên kế hoạch tính toán, điều chỉnh và cân đối hợp lý. Ngay khi Nghị định 122 về tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực, người lao động đã được tăng lương và tăng cả mức đóng bảo hiểm. Việc chuẩn bị kế hoạch từ trước giúp DN duy trì ổn định được vòng vốn, đồng thời khiến người lao động yên tâm làm việc hơn”.

Bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt, sớm có kế hoạch điều chỉnh lương cho người lao động thì vẫn có không ít DN cố tình trì hoãn tăng lương hoặc có tăng nhưng cắt giảm phụ cấp hay quy vào các khoản thưởng để né BHXH. Khi được hỏi về tình hình thực hiện các quy định thay đổi về lương và BHXH, không ít DN né tránh không trả lời bằng những lý do như chưa có báo cáo, vẫn đang xây dựng thang bảng lương mới…

Thẳng thắn trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hảo (Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Haco, Vĩnh Phúc) cho biết, tháng đầu tiên thực hiện việc tăng lương tối thiểu trùng với thời điểm tết Nguyên đán, DN đã phải cân đối lo thưởng Tết cho người lao động nên việc thực hiện tăng lương tối thiểu, điều chỉnh mức đóng BHXH đã bị gián đoạn. “Để lo thưởng Tết tươm tất cho công nhân, chúng tôi đã mất một khoản không nhỏ từ quỹ lương. Nếu ngay sau đó phải thực hiện việc tăng lương và phí BHXH sẽ khó cho DN. Chúng tôi vẫn đang tính toán để có thể thực hiện quy định này một cách sớm nhất. Tuy nhiên cũng khó nói trước được thời điểm bắt đầu”, bà Hảo cho hay.

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ công nhân đình công vì công ty không thực hiện tăng lương hoặc có tăng lương nhưng cắt giảm các trợ cấp khác. Điển hình như: Ngày 4-2, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Đồng Nai) đình công vì cho rằng công ty thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng và chi trả tiền phụ cấp độc hại chưa đúng quy định. Ngày 20-2, hàng nghìn công nhân tại Công ty Nissey (TP.HCM) tham gia đình công bởi công ty này đối phó với quy định tăng lương tối thiểu vùng bằng cách tăng lương từ 248.000 - 268.000 đồng/tháng/công nhân nhưng lại giảm phụ cấp 200.000 đồng/tháng/công nhân. Ngày 21-1, Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) xác nhận hàng nghìn công nhân của Công ty sợi Tainan Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, đình công vì cho rằng công ty tăng lương chưa thỏa đáng… Thực trạng trên cho thấy, DN không thực hiện đúng quy định tăng lương tối thiểu vùng cũng như tăng mức phí đóng BHXH cho người lao động là khá phổ biến.

Doanh nghiệp không thể không thực hiện

Về việc thực hiện “kép” lộ trình tăng lương tối thiểu vùng và tăng mức phí BHXH, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thừa nhận, với những thay đổi về chính sách tiền lương, BHXH sẽ làm gia tăng chi phí vận hành, sản xuất. Nhưng để giảm áp lực cho DN, việc điều chỉnh lương tối thiểu cũng được thực hiện từng bước, theo một lộ trình nhất định. Do đó, bản thân mỗi DN phải tự nỗ lực cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào. Về phía người lao động, ông Phạm Minh Huân cũng cho biết, người lao động hãy an tâm về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng. Với cơ chế giám sát chặt chẽ, DN không thể không thực hiện.

Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu của các DN. Các cấp Công đoàn có trách nhiệm báo cáo lại với Công đoàn cấp trên nếu phát hiện DN xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc.

Đối với những DN sử dụng nhiều lao động, đã từng xảy ra tranh chấp, Tổng Liên đoàn Lao động cử cán bộ bám sát, hướng dẫn Công đoàn cơ sở trong quá trình thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng, tránh tình trạng ngừng việc tập thể. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở phải rà soát, xem xét lại các khoản phụ cấp, trợ cấp mà DN đã thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể, không để xảy ra tình trạng DN “né” tăng lương bằng cách bớt thưởng.

Rõ ràng những thay đổi về chính sách tiền lương, BHXH sẽ làm gia tăng chi phí vận hành, sản xuất của DN. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng và mức phí BHXH là phù hợp với thực tế, bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Bởi vậy DN không thể trốn tránh việc này mà phải coi đó là động lực để DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Theo Nhật Minh

Báo Hải Quan

Trở lên trên