Doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” với đề xuất tăng lương
Nếu mức đề xuất tăng lương lên 16% được áp dụng sẽ kéo theo mức tăng đáng kể các chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
- 06-08-2015Tăng lương tối thiểu nhỏ giọt: Công nhân hụt hơi!
- 05-08-2015Người lao động kỳ vọng được tăng lương tối thiểu
- 05-08-2015Thương lượng tăng lương tối thiểu 2016 thất bại
Theo các doanh nghiệp, nếu mức đề xuất tăng lương lên 16% được áp dụng sẽ kéo theo mức tăng đáng kể các chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn, càng gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Tại cuộc họp Hội đồng tiền lương quốc gia cuối tuần qua, mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 vẫn chưa được thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xét các yếu tố như lạm phát, năng suất... để tăng lương tối thiểu vùng như hiện nay là chưa phù hợp.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cho rằng, việc tăng lương tối thiểu quá cao sẽ không có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết, mức lương trung bình của các doanh nghiệp trung bình và trung bình khá trở lên chiếm 53% trong tổng chi phí.
Khi tăng 16%, nếu mọi chi phí giữ nguyên thì lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 25%. Với mức tăng lương phải thực hiện trong năm 2015, riêng chi phí đóng bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải bỏ ra thêm để đóng cho hơn 7.200 lao động là 15 tỷ đồng, người lao động phải đóng thêm 4,85 tỷ đồng.
Như vậy, nếu năm 2016 lương tối thiểu tăng thêm 16% thì phí đóng bảo hiểm mà doanh nghiệp phải bỏ ra thêm sẽ là 10 tỷ đồng, người lao động cũng sẽ phải đóng thêm khoảng 4,5 tỷ đồng nữa.
Trong khi từ đầu năm 2015 đến nay, doanh nghiệp dệt may nói chung đều đang đối mặt với khó khăn do đồng Euro mất giá so với đồng USD và đơn hàng giảm.
Hơn nữa, theo bà Huyền, với mức tăng lương tối thiểu như năm 2015, người lao động đi làm nhưng chỉ chơi không làm gì hoặc làm không đủ định mức thì doanh nghiệp vẫn phải trả mức lương là hơn 3,5 triệu đồng/tháng (không tính làm thêm).
Và với tốc độ tăng như thế này sẽ tạo tâm lý ỉ lại cho người lao động. Cơ hội việc làm cho những người lao động này cũng ít đi và chất lượng cũng bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp giảm khả năng cạnh tranh, chỉ tiêu lợi nhuận không đạt, thuế nộp Nhà nước cũng giảm, người lao động giảm thu nhập. Còn với những công ty nhỏ, cạnh tranh yếu hơn thì “chịu không nổi” phải đóng cửa, lao động thất nghiệp và khi đó quỹ trợ cấp thất nghiệp tiếp tục phải giải quyết.
Bài học của Myanmar đã cho thấy, tăng lương tối thiểu lên gấp đôi, lập tức các đơn hàng theo về Việt Nam và một số quốc gia khác, như vậy kéo theo hàng ngàn lao động mất việc.
“Chúng ta nếu không cẩn thận, kịch bản như vậy cũng sẽ xảy ra. Bởi khách hàng đến đặt hàng bao giờ cũng quan tâm tới xu hướng tăng lương tối thiểu ở Việt Nam”, bà Huyền cho biết.
Cũng là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty may Hồ Gươm và May Chiến Thắng, cho rằng, tăng lương phải tăng “chuẩn” để giữ được giá ổn định, bởi nhiều lần chưa tăng lương, giá cả đã tăng vù vù, như vậy người lao động đâu có được hưởng lợi.
Và hậu quả của doanh nghiệp là sức cạnh tranh kém, bởi bình quân hiện nay 70% doanh nghiệp thua lỗ, phá sản. Nếu tăng lương ồ ạt, thì tỷ lệ này còn cao nữa, doanh nghiệp khá thành trung bình, trung bình thành doanh nghiệp yếu.
Riêng với bản thân 2 doanh nghiệp của bà Ty, nếu lương tối thiểu tăng 16%, tiền bảo hiểm của doanh nghiệp sẽ tăng mỗi tháng thêm gần 1 tỷ đồng.
Với những khó khăn được phân tích, đại diện các doanh nghiệp đều kiến nghị mức tăng lương tối thiểu hợp lý nên từ 6-7% là cao nhất và tăng từ từ không nên tăng một cách đột biến.
VnEconomy