MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp phải trả 22 loại phí cho 1 lô hàng xuất nhập khẩu

29-09-2015 - 15:33 PM | Doanh nghiệp

Để hoàn thành thủ tục cho một lô hàng xuất/nhập khẩu, có doanh nghiệp phải trả 22 loại phí chính thức và không chính thức.

Đánh giá tình hình và kết quả 6 tháng triển khai Nghị quyết số 19/2015 ngày 12/3/2015 của Chính phủ (NQ19) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu để ra. Chi phí không chính thức tiếp tục là vấn đề được các doanh nghiệp kêu ca nhiều nhất.

Hải quan yêu cầu nộp thêm các giấy tờ không có trong quy định

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (thuộc CIEM), cho biết: NQ19 yêu cầu đến hết năm 2015, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu xuống còn 13 ngày, nhập khẩu 15 ngày. Đến 2016, tiếp tục giảm thêm, xuất khẩu còn dưới 10 ngày và nhập khẩu dưới 12 ngày.

Tuy nhiên, "chỉ tiêu này cho đến tháng 9/2015 chưa đạt. mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hải quan, áp dụng hải quan điện tử, song các thủ tục chuyên ngành đối với hàng hóa XNK chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa".

Cụ thể, về thủ tục hải quan, theo Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn đã giảm và đơn giản hóa 55 thủ tục hành chính (TTHC), gồm: bãi bỏ 14 TTHC và đơn giản hóa 41 TTHC. Có áp dụng chính sách chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp; điện tử hóa trong thực hiện thủ tục hải quan (TTHQ). Đặc biệt, “Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp rà soát, đánh giá về thủ tục quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều bộ chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ này”- bà Thảo nhấn mạnh.

Trong thủ tục giám sát hàng hóa cũng còn bất cập khi đang áp dụng với tất cả các lô hàng và thực hiện theo hình thức thủ công. Đồng thời, có tình trạng áp dụng luật không thống nhất giữa các đơn vị, các công chức hải quan.

Dẫn chứng rõ hơn về tình trạng này, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng, Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, chuyên gia Dự án GIG (Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện) cho biết: Có đơn vị hải quan cho phép, có đơn vị không cho phép đưa hàng về kho doanh nghiệp bảo quản chờ kiểm tra chuyên ngành; mã số hàng hóa mỗi đơn vị hải quan xác định mỗi khác; có đơn vị yêu cầu bản chính, có đơn vị chỉ yêu cầu bản photo chứng từ nộp tiền thuế tại ngân hàng.

“Tuy là chi tiết nhỏ, nhưng không nhỏ về mức độ phiền hà, thời gian và chi phí, nhất là chi phí lưu kho hàng hóa do chưa được thông quan, khi doanh nghiệp phải chuyển bản chính chứng từ từ TP HCM ra Hải Phòng”- ông Bình đánh giá.

Và hải quan còn yêu cầu nộp thêm các giấy tờ không có trong quy định. Ông Bình dẫn chứng: Hàng luồng xanh, theo quy định, doanh nghiệp không phải nộp, xuất trình hồ sơ hải quan, nhưng một số đơn vị hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp, xuất trình.

Chi phí hoàn thành xuất nhập khẩu 1 lô hàng không giảm, thậm chí tăng

Bên cạnh các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, các loại phí, nhất là phí đối với hàng hóa xuất khẩu và phí không chính thức tiếp tục là vấn đề được các doanh nghiệp kêu ca nhiều nhất.

Dẫn báo cáo chỉ số thương mại qua biên giới (TAB), ông Phạm Thanh Bình nêu một loạt dẫn chứng: Theo một doanh nghiệp làm dịch vụ logistic, để hoàn thành thủ tục cho một lô hàng xuất/nhập khẩu, doanh nghiệp phải trả 22 loại phí chính thức và không chính thức. Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, chi phí cho một lô hàng xuất khẩu là 120 triệu đồng, cao gấp 2,5 lần so với chi phí cho lô hàng nhập khẩu.

“Một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản cho biết, có trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu 10 con’t hàng nông sản phải trả tổng chi phí hơn 208 triệu đồng, trong đó hơn 50 triệu đồng không có chứng từ”- ông Bình cho biết thêm.

Cũng theo báo cáo TAB, về tổng chi phí đề hoàn thành việc xuất nhập khẩu 1 lô hàng (không gồm thuế, cước phí vận tải quốc tế, bảo hiểm), có tới 95,5% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết mức phí này không thấp hơn hoặc cao hơn năm 2014, chỉ 4,5% doanh nghiệp cho biết mức phí này của năm 2015 thấp hơn năm 2014.

Riêng chi phí kiểm tra chuyên ngành, so sánh giữa năm 2015 và các năm trước 2015, 86% doanh nghiệp cho biết chi phí kiểm dịch vẫn như 2014 hoặc cao hơn (86% doanh nghiệp); chi phí kiểm tra an toàn thực phẩm cũng có tới 97,4% doanh nghiệp đánh giá là vẫn như năm 2014 hoặc cao hơn 2014.

Cần thay đổi căn bản cách thức quản lý

Theo ông Phạm Thanh Bình, “tỷ lệ 30-35% lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan là một tỷ lệ không bình thường. Lại càng không bình thường hơn khi tỷ lệ phát hiện hàng hóa không đáp ứng quy định chỉ dưới 1% và việc kiểm tra chuyên ngành lại nhắm nhiều vào hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản”.

Cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay, theo đánh giá của chuyên gia GIG, không những bản thân nó là gánh nặng thủ tục hành chính, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, mà nó còn kéo theo hệ lụy là làm phức tạp thêm thủ tục hải quan.

Kiến nghị của GIG là cần thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng không kiểm tra lô hàng xuất khẩu, mà kiểm tra cơ sở sản xuất; không kiểm tra lô hàng nhập khẩu tại giai đoạn thông quan mà chuyển căn bản sang kiểm tra sau thông quan (trừ kiểm dịch).

Theo Xuân Thân

VOV

Trở lên trên