MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Doanh nghiệp tố cảng “ăn chặn”

12-03-2015 - 14:46 PM | Doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) “tố” các cảng biển phân biệt đối xử bốc hàng giữa tàu Việt Nam với tàu nước ngoài, “ăn chặn” doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại của Bộ GTVT với doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển tổ chức ở Hà Nội ngày 11-3, ông Trịnh Quốc Đạt - chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) - đã “tố” các cảng biển phân biệt đối xử trong việc bốc hàng giữa tàu Việt Nam với tàu nước ngoài và “ăn chặn” doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Trịnh Quốc Đạt cho biết ở các cảng Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Mỹ, Gò Dầu khi tàu Việt Nam đang bốc hàng nhưng có tàu quốc tế đến thì đuổi tàu Việt Nam ra khiến các chủ tàu Việt Nam rất bức xúc. “Cần có sự bình đẳng vì cùng một loại tàu, một loại hàng mà có sự đối xử phân biệt tàu nước ngoài với tàu Việt Nam” - ông Đạt nói.

Đặc biệt, ông Đạt chỉ rõ một số cảng thủy nội địa, nhất là ở phía Bắc như cảng Phú Thái, cảng Phúc Sơn, cảng Hoàng Thạch, cảng Khe Dây, cảng 10-10... hiện nay thu lộ phí rất lớn. Tàu 2.000-3.000 tấn thu phí 10 triệu đồng không có hóa đơn.

“Bản thân tôi có tàu 3.000 tấn vào cảng bốc hàng bị thu đến 10 triệu đồng mà không có hóa đơn chứng từ, trong khi phí vào cảng Nhà nước quy định thu hơn 1 triệu đồng. Họ nói là cảng mới, không phải cảng biển nên khi các anh vào đây phải giúp chúng tôi thế này.

Chúng tôi đã có nhiều đơn của thuyền viên gửi lên trình bày việc này và vận động anh em cần viết đơn tố giác với cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan cần, chúng tôi sẽ cung cấp những tàu đã bị trường hợp đó. Chúng tôi có đủ bằng chứng việc các cảng nội địa ăn chặn”- ông Đạt trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị.

Trước tố giác của ông Đạt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết lần đầu tiên nghe thấy chuyện này và yêu cầu thanh tra Bộ GTVT thành lập đoàn kiểm tra, gặp trực tiếp ông Đạt để lấy chứng cứ.

Với việc thu lộ phí của các cảng thủy nội địa, ông Trần Văn Thọ - phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa - cho biết trước đây có hiện tượng cảng thu thêm tiền nhưng không ghi trong hóa đơn đã bị công an khởi tố. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều chế tài, kiểm tra nhưng đến nay mới nghe phản ảnh của doanh nghiệp.

Mặc dù là cuộc đối thoại lần ba từ năm 2014 đến nay nhưng tại hội nghị, các doanh nghiệp vận tải biển vẫn nhắc lại các kiến nghị về giảm thuế, xử lý các hãng tàu nước ngoài thu thêm phụ phí. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định giảm thuế VAT xuống 5% đối với vận tải nội địa trong thời gian ba năm.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để có những chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ GTVT cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu biển nước ngoài thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung...

Hiệp hội Taxi TP.HCM tiếp tục phản ứng Uber

Trước đó, tại cuộc đối thoại của Bộ GTVT với các doanh nghiệp vận tải đường bộ được tổ chức vào sáng cùng ngày, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam. Ông Hỷ đưa ra kiến nghị trên vì cho rằng Uber không thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT khi không đảm bảo quy định vận tải khách bằng ôtô.

Theo ông Hỷ, mạng lưới xe sử dụng phần mềm Uber để chở khách do Công ty Uber điều hành là taxi dù, mỗi khi thanh tra giao thông chặn bắt thì toàn bộ mạng của hãng ngưng hoạt động.

Xe sử dụng phần mềm Uber hoạt động không minh bạch, ngoài vòng pháp luật khi nhiều xe không có đồng hồ, tính cước, lái xe không được tập huấn, không có chứng chỉ kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó Uber bảo kê cho vi phạm, cấp tiền nộp phạt cho tài xế nếu xe vi phạm bị xử phạt.

Theo TUẤN PHÙNG

PV

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên