Doanh nghiệp tung chiêu chặn lao động “nhảy việc” sau Tết
Khác với những năm trước, thị trường lao động sau Tết năm nay không biến động, tình trạng nhảy việc cũng xảy ra rất ít tại các khu công nghiệp (KCN).
- 15-02-20164 thách thức hội nhập của doanh nghiệp Việt
- 14-02-2016Doanh nghiệp chuẩn bị hành trang để hội nhập thành công
Sếp ra tận cổng đón nhân viên
Ghi nhận của PV, tính tới 16/2, hầu hết người lao động đã trở lại các KCN làm việc sau kỳ nghỉ Tết Bính Thân kéo dài. Đáng chú ý, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc tại các KCN miền Bắc khá cao, như Hà Nội và Bắc Ninh đều đạt hơn 95%. Trong khi đó, tại TP HCM và Bình Dương, tỷ lệ này đạt khoảng hơn 85%, dự kiến sau một tuần nữa, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ trở lại hoạt động bình thường.
Theo đại diện BQL các KCN-KCX, nếu so với những năm trước con số trên là khá cao, thị trường lao động sau Tết sẽ không biến động nhiều. Điều này cũng chứng tỏ ý thức của người lao động đã được nâng lên. Nguyên nhân số công nhânchưa trở lại làm việc đầy đủ là do họ chủ yếu là người ngoài tỉnh, khó khăn phương tiện đi lại. Ngoài thời gian nghỉ Tết theo quy định của Nhà nước, một số doanh nghiệp giải quyết cho người lao động kết hợp nghỉ phép hàng năm...
Trao đổi với PV , bà Hoàng Thị Thu Hải, Trưởng phòng LĐ (BQL các KCN Bắc Ninh), tình trạng nhảy việc thời gian gần đây rất ít xảy ra do mặt bằng chung về chế độ của các DN trong KCN đa phần như nhau. Theo bà Hải, do chế độ đãi ngộ tốt, nhiều công ty đã có gần 100% người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Ví như tại Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, tính tới 16/2 đã có tới 99,5% nhân viên trở lại làm việc.
Trước đó, trong buổi làm việc đầu tiên, các nhân viên Samsung đều được lãnh đạo công ty trực tiếp đón từ cổng. Lý giải về cách đón tiếp này, ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc Khu Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, việc này thể hiện mong muốn của công ty mang lại khởi đầu đầy may mắn và vui vẻ trong một năm làm việc mới.
Theo ông Han Myoungsup, việc hỗ trợ vé tàu xe, tặng quà, tổ chức lễ tiễn và lễ đón đưa nhân viên về quê ăn Tết là hoạt động thường niên của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam nhằm khuyến khích nhân viên gắn bó hơn với nơi làm việc. Bên cạnh những phần quà tri ân giá trị gửi tặng đến nhân viên và gia đình trong dịp Tết, công ty còn phối hợp với Công đoàn hỗ trợ 60% giá vé tàu, xe khứ hồi cho nhân viên tại các tỉnh xa về quê đón Tết và trở lại công ty làm việc sau kỳ nghỉ.
Tung chiêu giữ chân lao động
Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân tại Công ty Điện tử của Nhật Bản (KCN Bắc Thăng Long) cho biết, tới thời điểm này xóm trọ của anh mọi người đã tề tựu đông đủ, đi làm đúng ngày khai xuân. “Năm nay nghỉ Tết dài ngày, chơi cũng thỏa rồi”.
Gắn bó với công ty hơn 4 năm, mức thu nhập hiện nay của anh Thành (hơn 5 triệu đồng/tháng) cũng chỉ đủ trang trải dè dặt cho gia đình. “Nhiều lúc cũng muốn tìm việc nơi khác song bây giờ người khôn của khó, dù mình đã có kinh nghiệm nhưng đi đâu cũng vẫn bị bắt thử việc từ đầu và hưởng 70% mức lương cơ bản nên lại thôi”, anh Thành nói.
Dự kiến tháng 2/2016, tại TP HCM nhu cầu việc làm cần tuyển 19 nghìn lao động, trong đó, 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ. Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động là: Marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, phục vụ tổ chức sự kiện - hội chợ - hội nghị khách hàng, vệ sinh công nghiệp - dân dụng, thiết kế cảnh quan - chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu thị trường, người dẫn chương trình, sửa chữa điện, cơ khí, dịch vụ giúp việc gia đình, giao hàng, nhân viên bảo vệ, sửa chữa xây dựng, sửa chữa điện dân dụng - điện lạnh - điện - điện tử…
Về phía DN, để giữ chân lao động, hàng loạt chế độ đãi ngộ đã được thực hiện như thưởng tháng lương 13, hỗ trợ tiền tàu xe đưa đón công nhân... Sau Tết, các DN cũng có nhiều hình thức khen thưởng, động viên người lao động quay trở lại làm việc đúng hẹn. Theo tìm hiểu, tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), tất cả DN đều lì xì cho người lao động trong buổi làm việc đầu tiên với mức phổ biến từ 10 - 50 nghìn đồng/người, cao nhất là mức 100 nghìn đồng/người. Ngoài ra, để giữ chân người lao động, hầu hết các DN đều chủ động giữ lại một phần mức thưởng Tết và lương tháng 2 để chi trả vào đầu tháng 3, cũng là khi người lao động chắc chắn đi làm trở lại.
Nhận định thị trường lao động đầu năm, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM phân tích: Chính sách lương thưởng được quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, bên cạnh nhu cầu ổn định công việc của người lao động nên sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 không cao. Riêng tại TP HCM, ông Tuấn dự báo: Mức thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán 2016 bình quân 3 - 4%, mức độ di chuyển lao động trong các doanh nghiệp bình quân 6 - 8% trong quý I/2016. “Xu hướng dịch chuyển lao động gắn liền với quá trình tiếp tục tái cấu trúc phù hợp yêu cầu phát triển thời kỳ đầu hội nhập”, ông Tuấn nói.
Báo giao thông