Doanh nghiệp vận tải biển đồng loạt “đòi” ưu đãi
Đối với hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải, hiện chỉ còn đúng 2 tàu nước ngoài, là tàu mẹ, được hoạt động với mục đích thu hút các tàu con vào nhả hàng ở cảng.
Tại buổi đối thoại giữa Bộ giao thông vận tải và các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển được tổ chức sáng 5/8/2014, các doanh nghiệp vận tải biển đã đồng loạt đưa ra những yêu cầu cấp thiết nhằm vực dậy tình hình kinh doanh đang cực kỳ khó khăn hiện nay.
Từ lãi suất, thuế, phí
Một trong những khó khăn nổi trội của các doanh nghiệp vận tải biển chính là lãi vay và tỷ giá. Làm ăn khó khăn, chi phí lãi vay trở thành một gánh nặng đối với các doanh nghiệp này. Trong khi đó, các ngân hàng tỏ ra không mặn mà lắm đối với việc cho các doanh nghiệp vận tải biển vay vốn. Cũng đúng thôi, cái họ cần là an toàn nguồn vốn cho vay, giảm thiểu nợ xấu… chứ không phải là hỗ trợ cứu vớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị một cái vòng luẩn quẩn: không có vốn đầu tư – lãi suất cao – thua lỗ - không vay được vốn…
Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải biển đề xuất các Bộ ban ngành hỗ trợ các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên tại buổi đối thoại, không có một quyết định nào liên quan đến các khoản vay ưu đãi lãi suất được đưa ra.
Sáng nay, tại buổi đối thoại, rất tiếc không có sự tham gia của đại diện phía Ngân hàng nhà nước, mặc dù đã được “chủ tọa” – ông Đinh La Thăng “mời” hơn 1 lần!
Hiện nay các doanh nghiệp đang được hưởng chính sách phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá trong vòng 5 năm – như vậy đã là ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp rồi. Nếu doanh nghiệp còn có khúc mắc riêng liên quan đến vấn đề này, đề nghị làm văn bản giải trình và yêu cầu trực tiếp đến các cơ quan chức năng.
Đối với kiến nghị miễn tiền chậm nộp thuế, đại diện cơ quan thuế cho biết thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hiện nay đã có văn bản đề nghị miễn khoản tiền phạt này được trình lên các cơ quan chức năng.
Đến quy định về đội tàu
Không chỉ các vấn đề trực tiếp liên quan đến tài chính, các doanh nghiệp còn thổ lộ nhiều vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Một nghịch lý xảy ra là hiện nay do nguồn vốn có hạn, các doanh nghiệp phải sắm các tàu cũ, trên 15 năm. Tuy nhiên theo quy định, nhằm tránh biến Việt Nam thành bãi rác của thế giới, tàu trên 15 năm tuổi bị cấm nhập vào Việt Nam. Doanh nghiệp đề nghị nới lỏng quy định nhập tàu, chỉ kiểm tra kỹ thuật đối với các tàu được nhập, đảm bảo hoạt động.
Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Hàng Hải cho biết khó có thể nới lỏng quy định. Mặc dù trên thực tế một số tàu 15 năm tuổi sản xuất tại các quốc gia như Đức, Nhật,… vẫn hoạt động tốt. Nhưng không phải tất cả. Và không thể có quy định riêng cho tàu mang quốc tịch một số quốc gia. Nếu quy định nới lỏng, một số tàu "già" của các quốc gia như Trung Quốc... sẽ tràn vào và không kiểm soát được chất lượng.
Hiện nay các doanh nghiệp vận tải biển, logistics đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc, đại biểu Cục Hàng Hải khẳng định vận tải nội địa là đặc quyền quốc gia. Hiện nay Cục đã siết chặt lại hoạt động của các hãng tàu nước ngoài. Đối với hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải, hiện chỉ còn đúng 2 tàu nước ngoài, là tàu mẹ, được hoạt động với mục đích thu hút các tàu con vào nhả hàng ở cảng.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, vẫn còn một số mảng mà năng lực đội tàu nội địa chưa đáp ứng được, ví dụ vận tải xi măng rời, khí hóa lỏng… và phải “mời” các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Việc cấp phép cho các hãng tàu ngoại, vì vậy là chưa thể cấm triệt để.
Minh Thư