MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt kiều sẵn sàng làm cầu nối

10-02-2015 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Còn quá ít doanh nghiệp chịu đầu tư cho nông dân, dẫn đến nông sản Việt Nam “đứt quãng” trên thị trường thế giới

Ngày 9-2, tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã chủ trì “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp (DN) Việt kiều và DN trong nước”. Rất nhiều DN Việt kiều tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ, làm cầu nối để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.

Tắc lối ra

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng khó khăn nhất hiện nay của nông nghiệp Việt Nam là đầu ra.  Ông nói: “Mặc dù nông dân chúng ta rất giỏi, có thể làm ra một sản lượng nông sản lớn, chất lượng chưa hẳn thấp nhưng việc tiêu thụ lại khó khăn do thiếu sự kết nối”.

Bộ trưởng cho biết năm 2014 được đánh giá là năm được mùa, được giá của nông nghiệp Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu khoảng 31 tỉ USD và tiếp tục đứng ở vị trí nhất nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu.

Cụ thể, năm qua, Việt Nam xuất khẩu cả chính và tiểu ngạch gần 8 triệu tấn gạo; 1,5 triệu tấn cà phê, trên 1 triệu tấn cao su; dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu với sản lượng 150.000 tấn; xuất khẩu hạt điều, thanh long cũng chiếm một nửa sản lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận đa phần sản phẩm nông nghiệp chỉ xuất thô, xuất sơ chế, giá bán thấp và không ổn định, dẫn đến nông dân được mùa nhưng lời ít, thậm chí lỗ. “Do đó, phải thay đổi cách làm, chú trọng giá trị gia tăng. Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều biện pháp tìm lối ra cho nông sản Việt Nam” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Bà Đinh Kim Huyền, Việt kiều Canada, nêu thực tế là nông sản Việt Nam sang nước này rất hiếm.  “Giá 1 cọng rau húng quế ở Canada là 1 USD, 1 quả xoài cát 30 USD, chuối 40 USD một nải... Giá cao nhưng ít thấy hàng của Việt Nam. Còn gạo thì chỉ toàn của Thái Lan, thanh long có hàng nhưng việc kinh doanh, hậu mãi cực kỳ yếu” - bà Huyền nhận xét.

Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), cho rằng đang có một nghịch lý là ngành nông nghiệp hiện rất nhiều tiềm năng nhưng còn quá ít DN tham gia đầu tư nên nông sản Việt Nam chưa có chỗ đứng ổn định ở nước ngoài.

Thế nên, dù Việt Nam dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu nhiều mặt hàng nhưng sản xuất và thị trường đang bị “đứt quãng”. Để giải quyết nghịch lý này, ông Sơn đề xuất: “Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng chuyển từ các hợp đồng mua đứt bán đoạn sang đầu tư từ nuôi trồng, sản xuất chế biến đến tiêu thụ và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro trong một chuỗi giá trị”.

Bù lỗ cho nhà nông

Tại diễn đàn, một số đại biểu tỏ ra lo lắng cho nông dân Việt Nam vì họ không có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cũng như “mù tịt” về thị trường.

Bà Đỗ Thị Đông Xuân, Việt kiều Hungary, chia sẻ: “Tôi thật sự đau lòng khi nhìn thấy nông dân phải bỏ quê lên thành phố vì họ không đủ sống với nghề nông. Chúng ta nói nhiều về công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm gì khi một số nông dân thành người thành thị khó khăn, thiếu thốn?”.

Theo bà Xuân, nhà nước cần có chính sách bù lỗ để nông dân yên tâm ở lại nông thôn sản xuất, làm giàu trên chính mảnh ruộng, nương rẫy của mình bằng kiểu làm nông nghiệp hiện đại.

Hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp

Tại diễn đàn, IPSARD cũng đã ra mắt “Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.  Ông Đặng Kim Sơn cho biết đây là hình thức đối tác công tư hoàn toàn mới, hoạt động với mục đích hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Đáng chú ý, có khoảng 20 DN điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào nhóm này, như: Thủy sản Minh Phú, Vĩnh Hoàn, sữa TH True Milk, Phạm Tôn (gia cầm), Bình Điền (phân bón) Saigon Co.op, Vinamit… Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của 2 “đại gia” mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là Vingroup và Viettel.

Theo SƠN NHUNG - NGỌC ÁNH

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên