MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt Nam và đường vòng tới AEC

30-01-2015 - 11:33 AM | Doanh nghiệp

Thực tế cho thấy không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự chủ động tìm hiểu AEC, TPP là gì và nếu những Hiệp định này có hiệu lực thì sẽ có lợi hay gánh những rủi ro gì?

Một bằng chứng hiển nhiên là trong khấp khởi mừng vui AEC sẽ hình thành, các thị trường trong khu vực sẽ được trải thảm đỏ, ở khu vực cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lại chưa có mấy doanh nghiệp hình dung và tìm ra được cách thức đưa hàng hóa của mình vào cạnh tranh và khai thác với các thị trường cận bên, chẳng hạn như Thái Lan. Cuộc trường chinh đưa hàng hóa Việt Nam vào Thái Lan, cho đến hiện nay vẫn chỉ ở một vài nhãn hàng có thể kể trên đầu ngón tay, như Trung Nguyên, Vinamit, Thiên Long…

Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan như đã nắm rất chắc và sẵn sàng hành động, cho mọi cơ hội ngay trước khi AEC mở ra. Tỷ phú thứ ba của Thái, ông chủ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đã sẵn sàng chi ra hơn 600 EUR để mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam. Ông chủ Thái này này cũng đã kịp nắm trong tay cổ phần của Vinamilk, cũng như, sẵn sàng dự chi một khoản tiền khủng để mua Sabeco, làm giàu thêm hoặc tăng sức mạnh mở rộng ý đồ “chiếm cứ” ngành bia Việt, khi đang nắm trong tay một doanh nghiệp đồ uống lớn nhất Thái Lan. Một ngành khác, thức ăn chăn nuôi, hiện cũng đã được CP Group, một tập đoàn của tỷ phú Dhanin Chearavanont, người giàu thứ hai nước Thái, chi phối…

Như vậy, vẫn một câu hỏi cũ được đặt ngược lại là: Chúng ta có bao nhiêu doanh nghiệp đang có cổ phần sở hữu ở một doanh nghiệp nước ngoài có tăm tiếng tại một trong các nước thuộc AEC? Không phải là do chúng ta không có nguồn lực để đầu tư ra nước ngoài mà quan trọng là dường như ta chưa có chiến lược , hay ý đồ để đưa hàng hóa của mình vào các thị trường này một cách thuận lợi, chưa tính đến chiến lược đi len lỏi và bành trướng. Càng chưa tính chiến lược cứ trụ vững tại Việt Nam, ngẩng mặt đón sóng gió và chấp nhận mọi thách thức.

Nếu lên danh sách những doanh nghiệp có đã bước đi chắc chắn từ nội địa đến xuất khẩu trong khu vực ASEAN, kiểu như Vinamit của ông Nguyễn Lâm Viên, với tâm niệm phải “đánh” xong khu vực ASEAN + mới tiến ra thế giới, hay những doanh nghiệp như Vingroup, rất chắc chân ở thị trường Việt Nam với các chuỗi thương hiệu Vinhome, Vinschool, Vinmec, Vinpearl, Vinmart… cứ “từ từ thẳng tiến” vào các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, y tế, bán lẻ và tới đây là thương mại điện tư mà gần như không có đối thủ cùng phân khúc? Câu trả lời sẽ là con số gần như quá hiếm!

Không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng “người Việt Nam chưa coi trọng ASEAN, lúc nào cũng có tư tưởng muốn ra hẳn biển lớn, sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…”.  Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… rõ là thị trường lớn nhưng đó đã là thị trường truyền thống và sức mua đang ổn định tới mức… bão hòa. Các rào cản kĩ thuật ở các thị trường này cũng ngày một gắt gao hơn. Còn một thị trường kinh tế ASEAN với tổng diện tích 4.435.670km², dân số gần 650 triệu người, GDP là 1.850 tỷ USD, tổng giá trị thương mại là 2.042 tỷ USD, tổng giá trị đầu tư 74 tỷ USD, đang mở rộng về sức mua cũng như ít rào cản kĩ thuật, thuế suất thấp và tương lai bằng 0% ở ngay cạnh ta, thì lại đang bỏ ngỏ.

Sẽ chẳng có bữa tiệc nào cho dù mọi cánh cửa thương mại tự do đều mở, nếu doanh nghiệp không chủ động. Có bao nhiêu doanh nghiệp đã lên kế hoạch “đánh” đường vòng, đi từ châu Âu, Mỹ và EU mở rộng… về ASEAN, rồi  sau đó nữa, mở rộng về… nội địa?

Một chiến lược đường vòng để trở về như vậy, xem ra khá muộn. Muộn có còn hơn không?

>> Hội nhập AEC : Doanh nghiệp vẫn còn bị động về thông tin

Theo Thuận Hóa

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên