MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu: Kêu trời vì cước phí vận tải biển

06-08-2015 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc thu phụ phí, cước phí của các hãng tàu biển nước ngoài một cách không có cơ sở hay việc tăng giảm bất hợp lý là sự cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền thị trường.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... thời điểm giữa năm ngoái các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã lao đao chịu trận vì các hãng tàu biển nước ngoài tăng giá khiến chi phí tăng cao, lợi nhuận sụt giảm. Chưa kịp “hoàn hồn”, đến tháng 4/2015, giá cước lại tiếp tục tăng thêm 50 - 70%.

Cước phí tăng phi mã

Cụ thể, trung bình 1 container 20 feet thủy sản khô đi thị trường Mỹ là 2.300 USD sau khi tăng giá đã lên thành 3.800-3.900 USD/container. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các DN thủy sản Việt Nam khi giá trị hàng năm trung bình là 1,5 tỷ USD, chiếm đến hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu.

Theo tính toán của DN, mỗi tháng giá cước vận tải biển tăng trung bình khoảng 300 USD. Đó là chưa kể đến các loại phụ phí khác của hãng tàu như phí bốc xếp tại cảng, phí chứng từ và vô lý nhất là phí mất cân bằng container cũng tăng từ 60 USD/container 40 feet lên 100 USD/container! Nhưng mặc cho sự phản đối của các DN XNK Việt Nam nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Các DN XNK kêu trời vì cước phí vận tải biển

Tương tự, Tổng giám đốc một công ty XNK tại TP. HCM cho biết, ước tính đến nay, phí mất cân đối container đã tăng gấp đôi từ 40 lên 80 USD/container 40 feet, phí chứng từ, phí lệnh giao hàng D/O hiện đang ở mức 25 USD/container 20 feet và 40 USD/container 40 feet.

Thậm chí, những khoản phí như phí vệ sinh container hay phí khai báo hải quan/người nhận mà nhiều DN cho là bất hợp lý song vẫn phải trả đủ, thu đủ để được nhận hàng.

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan khẳng định, thực tế có chuyện các hãng tàu nước ngoài lạm thu khi một số loại cước phí cảng biển chỉ thu khoảng 40 USD/container nhưng khi thông qua hãng tàu đã được “hô biến” thành 100 USD/container và như vậy khoản chênh lệch đáng kể kia không ai khác là các hãng tàu được hưởng, trong khi DN XNK vẫn phải cõng chi phí cao trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thị trường thu hẹp.

Tìm cách ứng phó

Chia sẻ về cách tự cứu mình trước khi đợi cơ quan quản lý can thiệp, bà Phạm Kiều Oanh, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP May Nhà Bè (Nhà Bè) cho biết, ngay tại thời điểm giữa năm ngoái khi các loại cước phí bắt đầu tăng cao, Nhà Bè đã quyết định tự tham gia vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục hải quan.

Sau 3 năm tự làm dịch vụ logistics (chiếm khoảng 70% các lô hàng của công ty), hiện nay, nếu 1 lô hàng các DN khác mất 100 USD cho các loại phí nhưng Nhà Bè chỉ mất 15 USD và như vậy mỗi tháng công ty tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng, nhân lên hàng năm số tiền mà DN tiết kiệm được không hề nhỏ, trung bình từ 12-20 tỷ đồng từ các loại chi phí này.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ DN nào cũng đủ nguồn lực tài chính và con người để tự giải quyết khó khăn của mình. Phần lớn các DN XNK đều chỉ biết “kêu trời” và cho rằng, các mức phí, phụ phí của các hãng tàu hiện nay chưa được công khai, minh bạch để có thể so bì, ngã giá sòng phẳng theo kiểu “thuận mua vừa bán”.

Trong khi, khổ nhất vẫn là đa số các DN XNK Việt Nam đều không có sự lựa chọn, vì một phần hàng hóa XNK đã được các đối tác nước ngoài chỉ định chọn hãng tàu cung cấp dịch vụ. Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, ngoài việc trông chờ vào sự can thiệp từ cơ quan quản lý Nhà nước, các DN cũng phải tự nâng cao kiến thức, nghiệp vụ trong vận tải biển, giao nhận, ngoại thương...

Đồng thời các DN cũng cần lưu giữ, tập hợp các hóa đơn một cách có hệ thống để tiện theo dõi diễn biến phí, phụ phí cho kế hoạch kinh doanh. Dự kiến, trong thời gian tới các hiệp hội ngành hàng sẽ kiến nghị Nhà nước có quy định hoặc yêu cầu các hãng tàu công khai các loại phí, phụ phí và phải có sự thông báo sớm trước khi chuẩn bị tăng giá.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc thu phụ phí, cước phí của các hãng tàu biển nước ngoài một cách không có cơ sở hay việc tăng giảm bất hợp lý là sự cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền thị trường. Bộ đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này.

Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng loạt, thường xuyên DN vận tải biển, cảng biển, đồng thời sẽ đưa những chế tài kiểm soát các loại phí, phụ phí trong sửa đổi Luật Hàng hải Việt Nam. Thêm nữa, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đang nghiên cứu quy định Việt Nam và quốc tế để xem xét các DN vận tải có vi phạm luật cạnh tranh, độc quyền thống lĩnh thị trường hay không.

Tuyết Anh

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên