MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân trẻ Sài Gòn kỳ vọng gì vào kinh tế 2015?

16-01-2015 - 09:16 AM | Doanh nghiệp

Doanh nhân Việt Nam thua kém hơn thế giới, doanh nhân Thành phố cũng thiệt thòi hơn, vì các tổ chức hiệp hội chưa phát huy hết vai trò. Nhìn lại các hiệp hội nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc…hoạt động rất mạnh, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp họ.

Tọa đàm “Triển vọng kinh tế năm 2015” do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Thành phố và chuyên gia kinh tế, giúp doanh nhân định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay.

Tham dự tọa đàm, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã trao đổi về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền Thành phố, những cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính cũng như giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của doanh nhân.

Ông Cang cho biết: Thông điệp đầu năm của Thành phố gửi đến các doanh nghiệp là các bạn hãy mạnh dạn làm đi, bên cạnh các bạn có chính quyền hỗ trợ

Doanh nhân Việt Nam thua kém hơn thế giới, doanh nhân Thành phố cũng thiệt thòi hơn, vì các tổ chức hiệp hội chưa phát huy hết vai trò. Nhìn lại các hiệp hội nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc…hoạt động rất mạnh, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp họ.

Thành phố rất mong Hội doanh nhân trẻ (YBA) phải thực sự đại diện cầu nối giữa doanh nhân với chính quyền, vì doanh nghiệp phát triển thì xã hội mới phát triển.

Một số chính sách ban hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã phù hợp chưa, có gì cần điều chỉnh không?  Rất cần sự phản ánh của các doanh nghiệp mà đại diện là các hiệp hội.

Cụ thể như chuyện huy động vốn: Hiện nay, điều kiện tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cực kỳ khó do không có tài sản thế chấp.

Thành phố có quỹ nhưng chưa đi vào cuộc sống doanh nghiệp. Đây là vấn đề lớn, phải rà soát đánh giá lại Quỹ tín dụng cho doanh nghiệp, việc này phải làm ngay trong quý I/2015.

Tiếp theo là chủ trương hỗ trợ lãi suất, chương trình này làm lâu rồi, nhưng các doanh nghiệp biết hết chưa? Câu trả lời là chưa. Đến khi biết được thì hết thời cơ, mất lợi thế so sánh.

Phải thực hiện đánh giá để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, triển khai công khai trên các kênh truyền thông để xã hội biết, doanh nghiệp biết.

Nói riêng về cải cách hành chính, ông Cang kể một ví dụ về Khu công nghiệp An Hạ, được quy định là kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế suất và được miễn thuế đất 11 năm.

Luật là vậy, nhưng cán bộ quản lý bắt đủ loại giấy tờ, thủ tục đối với doanh nghiệp. Sau khi nghe phản ánh xong, Thành phố yêu cầu rà soát lại và doanh nghiệp đã được miễn thuế.

Do đó, theo ông Cang các doanh nghiệp gặp khó phải nói ra, hiệp hội phải lên tiếng để bảo vệ doanh nghiệp. Có như thế doanh nghiệp mới kinh doanh hiệu quả, Thành phố mới phát triển.

Trong cải cách hành chánh, ông Cang mong muốn định kì, hiệp hội doanh nhân, gửi ý kiến cho tôi.  Nếu ngại, sợ nhạy cảm có thể không cần để tên. Thành phố sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

Trong phần thảo luận, ông Tất Thành Cang và ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp thành viên YBA:

Ông Lâm Ngọc Minh, Giám đốc công ty Nệm Liên Á: Doanh nghiệp Thành phố rất an tâm khi có sự quan tâm của chính quyền và chuyên gia kinh tế.

Mong anh Nguyễn Xuân Thành đã chia sẻ về tình hình vĩ mô và anh Tất Thành Cang cho biết chính quyền, có những thông điệp chính sách tốt gì cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Xuân Thành nói, kinh doanh là dựa trên niềm tin người tiêu dùng và sức mua. Nhưng trong vấn đề này bức tranh cả nước và TP. HCM là khác nhau.

Trên cả nước, sức mua không có cải thiện đáng kể so với những năm trước. Riêng năm 2014, khi cả nước tăng 6,3% còn Thành phố tăng hơn 10%.

Ông Tất Thành Cang chia sẻ: Nếu doanh nghiệp chỉ dựa vào thị trường Thành phố là ngắn hạn. Cái chính là làm sao sản phẩm tiêu thụ được trong thị trường trong nước, sau nữa là Đông Nam Á. Doanh nghiệp phải từng bước tính toán, hướng đến xuất khẩu.

Thị trường trong nước, sức mua cũng có tăng nhưng không cao. Từ tháng 1/2015, lương tối thiểu vùng đã tăng, thu nhập người lao động cao hơn. Các dịp nghỉ lễ, tết cũng là cơ hội kích cầu mua sắm trong dân.

Các chương trình chính sách kích cầu của Chính phủ sau mấy năm kiên trì triển khai, sẽ phát huy tác dụng làm sức mua tăng

Bà Tú Anh, Giám đốc CTCP Nông nghiệp sạch - GAP: Năm 2015, Thành phố có những chính sách ưu đãi gì cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp?

Ông Tất Thành Cang cho biết, Thành phố xác định đây là lĩnh vực quan trọng. Nông nghiệp gắn liền chế biến, chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Thành phố, vừa nâng cao chất lượng vừa hỗ trợ xuất khẩu

Về thị trường và thương hiệu, cũng sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư

Doanh nhân Thái Bình: Với doanh nghiệp, khổ nhất là gặp các vấn đề với ngành thuế, hải quan, quản lý đầu tư. Chúng tôi muốn có hộp thư nóng để gửi mail và nhận hỗ trợ giải quyết.

Ông Tất Thành Cang chia sẻ, lãnh đạo Thành phố nghe phản ánh các ngành thuế, hải quan, ngân hàng, quản lý đầu tư… rất nhiều tiêu cực.

Tôi là người trực tiếp làm các cải cách hỗ trợ sản xuất. Các doanh nghiệp có thể ghi lại địa chỉ email sau, các kiến nghị sẽ nhận được phản hồi: Hvvinh.ubnd@tphcm.gov.vn

Doanh nhân ngành tài chính: Vai trò của chính quyền hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là gì?

Ông Tất Thành Cang trả lời, Thành phối có nhiều hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nhân…. cần đóng vai trò rất quan trọng.

Câu chuyện YBA kể lại rằng ngày thành lập YBA, ông Trần Lệ Nguyên (Kinh Đô), ông Cô Gia Thọ (Thiên Long) đều là chủ cơ sở sản xuất nhỏ. Chính vì tham gia câu lạc bộ với nhau, Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á đã bàn cách giúp. Sau này các doanh nghiệp trên đều thành công, ông chủ doanh nghiệp thành doanh nhân lớn.

Các hiệp hội doanh nghiệp là nơi tôi đặt rất nhiều tâm huyết, phải làm sao để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhất là về vốn. Hiệp hội phải thật sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ với băn khoăn của vị doanh nhân:  Đối với doanh nghiệp phải có chính sách ưu đãi. Đối với chính quyền, phải giải quyết các rào cản cho các doanh nghiệp đúng như cam kết.

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản… các doanh nghiệp nhỏ được dìu dắt bởi các công ty lớn hơn. Nhìn lại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn có dìu dắt các doanh nghiệp nhỏ không?

Đó là vấn đề cần quan tâm!

 

Theo Ngọc Dương

PV

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên