MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Doanh nhân Việt đã bắt đầu có tư duy toàn cầu”

05-06-2015 - 17:08 PM | Doanh nghiệp

“Hội nhập hiện là xu thế tất yếu, chúng ta không có quyền lựa chọn”, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương, nhìn nhận.

Đây là lúc cần tập trung

Theo ông, việc các doanh nghiệp Thái Lan, Nhật... đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ đã thâu tóm, mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam trước khi ASEAN hình thành cộng đồng kinh tế chung, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được thông qua, nói lên điều gì? Đấy có phải là một lời cảnh báo cho doanh nghiệp Việt không?

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành vào cuối năm 2015, tức là chỉ còn nửa năm nữa. Vừa qua, quyền đàm phán nhanh (TPA) cũng đã được Thượng viên Mỹ thông qua, là một tín hiệu tốt cho thấy triển vọng TPP được ký kết trong thời gian gần.

Các nước láng giềng của chúng ta đã có những bước chuẩn bị tích cực, với sự hỗ trợ tối đa của chính phủ nước họ, đặc biệt như Singapore, Thái Lan, Malaysia..., để đón đầu cơ hội lớn này.

Cuối năm 2014, một khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) cho thấy, hiểu biết của đa số các doanh nghiệp Việt Nam về AEC còn hạn chế, dẫn đến việc không tận dụng được các ưu đãi và cơ hội, đồng thời, chưa lường trước được những rủi ro và thách thức khi Việt Nam mở cửa. 

Chỉ có một số ít các doanh nghiệp lớn của Việt Nam là đã có những bước chuẩn bị nhất định cho cuộc chơi này.

Chúng ta đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều các doanh nghiệp Thái Lan trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt như nông sản, hàng công nghiệp nhẹ và hệ thống dịch vụ bán lẻ, là những mảng mà họ có lợi thế.

Tôi nghĩ, đây là lúc doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung, và tận dụng thời gian một cách có hiệu quả củng cố nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong số 12 nước tham gia TPP. 

Và đặc biệt các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc nâng cao tầm hiểu biết của mình về hội nhập, để nắm bắt được cơ hội đưa doanh nghiệp đi tới thành công, chứ không chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như hiện nay.

Cộng đồng kinh tế ASEAN hay tiến trình TPP được cho sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt. Là người tư vấn nhiều doanh nghiệp Việt, ông nhìn nhận cơ hội này như thế nào?

Các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế quốc tế là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp Việt Nam cơ cấu, cân bằng thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường nào đó, giúp doanh nghiệp có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi xâm nhập vào một số thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU...

Mở cửa nền kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Hội nhập hiện nay là xu thế tất yếu, chúng ta không có quyền lựa chọn có tham gia hay không mà phải nhìn nhận việc này như là cơ hội tốt nhất để tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, từ Nhà nước cho tới bản thân từng doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, cũng có nhiều doanh nghiệp ở các ngành khác nhau đã vươn ra nước ngoài và cũng có thành công bước đầu như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, FPT, Vinamilk... Theo ông, ưu thế cũng như giới hạn lớn nhất của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” là gì?

Đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận với khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh.

Ngày nay, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Hành lang pháp lý quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn kinh doanh.

Từ những trường hợp kể trên có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam luôn có tham vọng vươn ra thị trường thế giới. Nhưng trên con đường này thì rõ ràng doanh nghiệp Việt cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất là vẫn còn hạn chế về vốn, năng lực và công nghệ. Sau đó là những khó khăn trong việc tìm hiểu về thị trường nước bản địa, bao gồm thông tin về hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, những khác biệt về thị trường văn hóa, ngôn ngữ.

Những biến động kinh tế, chính trị tại địa bàn đầu tư và việc không lường hết các rủi ro tiềm ẩn cũng là những rào cản khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước ngoài trong khi doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế.

Một yếu tố khác nữa, tôi cho rằng các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài còn thiếu tính liên kết với nhau để chia sẻ các thông tin thị trường.

Đề cao sự bền bỉ

Là một người tham gia làm ban giám khảo nhiều cuộc thi của giới doanh nhân, thậm chí là sân chơi của những người thành công nhất trong giới doanh nhân, ông nhìn nhận thế nào về tinh thần và hoài bão của doanh nhân Việt hiện nay?

Trong 5 năm gần đây, tôi có tham gia hội đồng bình xét của giải thưởng EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp. Đây là giải thưởng quốc tế được tổ chức trên 60 quốc gia.

Khi tham gia giải thưởng này, tôi đã có dịp tiếp xúc với các thế hệ doanh nhân Việt Nam, các bạn doanh nhân trẻ đang mày mò và tìm cách khởi nghiệp, những doanh nhân đã bước đầu thành công, cũng như những doanh nhân ưu tú là trụ cột của đất nước.

Dù là lãnh đạo của các doanh nghiệp ở mức độ quy mô và ngành nghề rất khác biệt, nhưng tôi có thể nhận thấy họ đều bắt đầu có những tư duy toàn cầu. Doanh nhân trẻ, các bạn ở thế hệ mới, được tiếp xúc nhiều với văn minh thế giới có xu hướng tìm tòi áp dụng những kiến thức điều hành doanh nghiệp bài bản ngay từ đầu.

Các lớp thế hệ doanh nhân trước, những người đã trải qua một thời kỳ gian khó khi đất nước tái thiết và chuyển đổi, hiện đã có những thành công nhất định thì luôn muốn vươn cao, vươn xa hơn nữa để chinh phục thị trường thế giới, và cũng từ khát vọng này, hòa nhập để đáp ứng những yêu cầu quản trị điều hành của các nhà đầu tư, của thị trường khu vực, tham gia vào sân chơi thế giới và tạo dựng nên những tập đoàn đa quốc gia.

Những giải thưởng như thế này đang đóng vai trò là cầu nối, thúc đẩy những khát khao hoài bão của doanh nhân Việt, khuyến khích và đồng hành cùng với doanh nhân Việt vươn tới những chuẩn mực điều hành và quản trị toàn cầu, đồng thời giúp họ tham gia vào một cộng đồng doanh nhân, các quan hệ kinh doanh xuyên quốc gia, mở rộng cơ hội và tầm mắt của doanh nhân Việt về các vấn đề quản lý kinh doanh đang là xu hướng trên toàn thế giới như vấn đề về minh bạch, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội...

Nếu đặt vấn đề so sánh trực tiếp, ngay cả những doanh nhân thành đạt nhất ở Việt Nam, nếu so sánh với doanh nhân thế giới, sự khác biệt lớn nhất, theo ông, ở đây là gì?

Để so sánh thì tôi nghĩ là khá là khập khiễng vì họ có những nền tảng giáo dục và ở các điều kiện phát triển khác nhau của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong giải thưởng quốc tế tôi vừa chia sẻ ở trên thì doanh nhân khắp thế giới được đánh giá thông qua 6 tiêu chí thống nhất trên toàn cầu, không có bất kì sự khác biệt nào.

Năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức đã được lựa chọn đại diện Việt Nam tham dự giải thưởng này dựa trên 6 tiêu chí và được hội đồng bình xét đánh giá cao. Tháng 6 này, đến lượt ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen - tham dự.

Nếu không xét về quy mô và doanh số, dù đất nước chúng ta phát triển sau, nhưng doanh nhân Việt Nam cũng không thua kém gì doanh nhân thế giới.

Song cũng phải nói rằng, mặt bằng chung thì doanh nhân Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến quản trị doanh nghiệp. Hầu hết các chuẩn mực và nguyên tắc quản trị công ty chỉ được tuân thủ một phần hoặc chưa được tuân thủ.

Khi gia nhập vào thị trường quốc tế, nếu không đáp ứng được các yêu cầu quản trị khắt khe thì doanh nghiệp không thể cạnh tranh sòng phẳng và sớm bị đào thải.

Bên cạnh đó, các quốc gia phát triển trên thế giới đã xây dựng được một nền văn hóa và giáo dục trong đó nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần doanh nhân, đồng thời chính phủ của họ cũng có nhiều sáng kiến hỗ trợ sự phát triển của đội ngũ này, và vì vậy cũng có những thuận lợi nhất định so với đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển.

Dù vậy, có một đặc điểm tôi cho là khác biệt. Đó là doanh nhân Việt Nam thế hệ sinh ra trong chiến tranh, họ là những con người sống trong gian khó khi đất nước tái thiết. Điều này làm cho họ có sức sống mãnh liệt, có ý chí mạnh mẽ và có sự bền bỉ cao.

Và chính sự bền bỉ, và khát vọng vượt khó này là động lực mạnh mẽ cho tinh thần doanh nhân vượt qua mọi khó khăn thử thách, chấp nhận thất bại để đứng dậy và vươn lên.

Do vậy, tôi đề cao sự bền bỉ vượt qua khó khăn, tính cần cù tìm tòi sáng tạo của doanh nhân Việt, mà tôi cho rằng, đây là một yếu tố nền tảng được kế thừa và phát huy của dân tộc Việt Nam.

 

 

 

Theo Nhật Bình

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên