Dư âm ĐHCĐ JVC: Khi niềm tin là con số 0!
ĐHCĐ thường niên năm 2015 dù không diễn ra thành công nhưng nó đã thể hiện sự “kịch tính”, thu hút sự quan tâm không nhỏ từ cổ đông như những gì đã dự báo trước đó.
- 30-09-2015Giá cổ phiếu giảm hơn 4 lần, cổ đông bức xúc chất vấn lãnh đạo JVC
- 30-09-2015Trực tiếp ĐHCĐ JVC: Sẽ trả 235 tỷ đồng nợ vay bằng vốn huy động từ cổ đông
- 28-09-2015Trước thềm ĐHCĐ JVC: Khối ngoại “tháo chạy”, lời hứa đồng hành từ DIAIF có còn giữ vững?
Kể từ sau biến cố “Lê Văn Hướng”, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) đã gặp không ít khó khăn khi hoạt động kinh doanh, uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, giá cổ phiếu JVC cũng liên tục lao dốc, mất 80% chỉ sau 4 tháng và khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi đầu tư vào cổ phiếu.
ĐHCĐ thường niên 2015 của JVC được tổ chức vào giai đoạn công ty gặp muôn vàn khó khăn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư, cổ đông công ty và không ngoài dự đoán khi đại hội đã diễn ra với những tình tiết hết sức kịch tính.
Dự cảm về đại hội bất thành
Trước thềm đại hội, tài liệu ĐHCĐ đã được JVC đăng tải lên website công ty. Tuy nhiên, những nội dung được công bố trong đó khá sơ sài và việc truy cập vào website JVC rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Cùng với đó, JVC vẫn chưa công bố BCTC quý 1 (niên độ 1/4/2015- 31/3/2016) và liên tục bị nhắc nhở vi phạm công bố thông tin. Điều này có phần khá tương đồng với OGC- một cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề khi lãnh đạo bị bắt giữ và cũng phải tổ chức ĐHCĐ đến 3 lần mới thành công.
Theo ghi nhận, rất ít cổ đông nhận được giấy mời dự họp dù JVC cho biết đã chuyển giấy mời trước đó vài tuần. Không rõ liệu vấn đề này xuất phát từ phía công ty chuyển phát hay từ phía JVC?
Tiếp đến, khi cổ đông đã ngồi chật kín khán phòng khách sạn Nikko, bóng dáng ban lãnh đạo JVC vẫn không hề xuất hiện. Điều này khiến không ít nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng đại hội được tổ chức và thực tế không ngoài dự đoán khi chỉ có 46,56% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự và đại hội đã không thể diễn ra.
Khi niềm tin của cổ đông là con số 0
Khi vị luật sư đại diện tư vấn pháp lý JVC cho biết không thể tổ chức phiên họp do không đủ điều kiện, hàng loạt tiếng la ó, bức xúc của cổ đông đã vang lên:
“Dù rằng đại hội không được diễn ra nhưng đây là cơ hội cho nhà đầu tư và ban lãnh đạo gặp mặt sau những biến cố xảy ra với công ty, đề nghị cho gặp ban điều hành JVC!”
“Việc thiếu vắng ban lãnh đạo công ty trong đại hội là điều thiếu tôn trọng với cổ đông, phải chăng họ đã lường trước việc đại hội sẽ không diễn ra nên đã không xuất hiện?”
Dưới sức ép không nhỏ từ cổ đông, cuối cùng ông Lê Văn Giáp- người tạm quyền nắm giữ chức vụ TGĐ JVC đã xuất hiện và gửi lời xin lỗi tới cổ đông JVC vì những biến cố xảy ra với JVC trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, không rõ do sức ép từ phía cổ đông hay bởi lần đầu xuất hiện trước cổ đông đã khiến ông Giáp có phần… lúng túng và không thể tiếp tục đứng trước cuộc chất vấn của cổ đông.
Thay mặt ông Giáp, bà Hồ Bích Ngọc- kế toán trưởng- người đã đồng hành với JVC từ những ngày đầu thành lập đã đứng lên giải trình hàng loạt vấn đề của công ty.
Dù đã đưa ra phương hướng hoạt động của JVC trong giai đoạn tới, nhưng dường như điều này không đủ khiến nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng. Thậm chí có cổ đông còn cho rằng “Mặc dù có thiện cảm với ông Giáp, nhưng tôi không tin ông Giáp đủ khả năng lèo lái JVC vượt qua khó khăn lúc này”.
Niềm tin của cổ đông đặt vào JVC đã ở mức rất thấp, thậm chí họ còn yêu cầu JVC công bố danh sách cổ đông tham dự cuộc họp.
Bất ngờ đã xảy ra khi có cổ đông sở hữu 1,5 triệu cổ phần nhưng không thấy tên mình trong danh sách cổ đông tham dự và có lẽ đây là sơ suất của ban kiểm phiếu. Tuy nhiên trong bối cảnh nhạy cảm lúc này thì một chi tiết như vậy cũng đủ khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi về tính minh bạch của JVC.
Đại hội đã kết thúc lúc 12h trưa, có lẽ không nhà đầu tư nào cảm thấy thỏa mãn trước những giải đáp mà lãnh đạo JVC đã đưa ra trong đại hội. Một nhà đầu tư đã lên tiếng “Niềm tin của tôi vào JVC gần như con số 0”.
Mất niềm tin- mất tất cả!
Mới đây, hãng xe Volkswagen danh tiếng của Đức đã bị phát hiện gian lận trong việc kiểm định chất lượng khí thải. Bê bối này không chỉ làm suy giảm hình ảnh Volkswagen mà còn cướp đi lòng tin của người tiêu dùng đối với hãng xe. Không ít người cho biết họ sẽ tẩy chay Volkswagen, giá cổ phiếu công ty theo đó cũng liên tục “lao dốc không phanh”.
Từ một tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới, chỉ trong phút chốc Volkswagen đã đối diện với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất từ trước đến nay từ việc đánh mất niềm tin với khách hàng.
Tương tự là câu chuyện của JVC, từ một doanh nghiệp được đánh giá khá cao trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế. Tuy nhiên, bước ngoặt khi chủ tịch Lê Văn Hướng bị khởi tố vì hành vi “lừa dối khách hàng” đã khiến công ty rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Việc chậm trễ, thiếu minh bạch trong hoạt động công bố thông tin càng khiến cổ đông quay lưng lại với JVC.
Lúc này, ban lãnh đạo JVC còn rất nhiều việc cần phải làm để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà JVC cần phải làm là khôi phục lại niềm tin với cổ đông công ty bởi “Mất tiền là mất ít- Mất niềm tin là mất tất cả”.
Trí Thức Trẻ