Được cả thiên thời địa lợi, gia đình ông Đặng Văn Thành mãn nguyện với cổ phiếu đường
Trải qua nhiều biến động với ngân hàng và bất động sản, ông Thành dồn tâm huyết về với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của gia đình với những bước đi M&A táo bạo. Họ đã có 1 năm có thể mìm cười.
- 29-02-2016"Công chúa mía đường" chốt lời cổ phiếu BHS, không còn là cổ đông lớn Đường Biên Hòa
- 22-02-2016Giá mía đường tăng cao
- 21-04-2014Ông Đặng Văn Thành: “Tôi đang say sưa về lĩnh vực du lịch và nông nghiệp!”
- 06-06-2013Chia tay Sacombank, gia đình ông Đặng Văn Thành còn lại gì?
Tước khi đến với nghiệp ngân hàng, lĩnh vực kinh doanh chính của gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành vốn là mía đường. Trong khi ông Thành tập trung phát triển Sacombank, con trai Đặng Hồng Anh phát triển mảng bất động sản thì vợ ông Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc và con gái Đặng Huỳnh Ức My tiếp tục củng cố công ty mía đường Thành Thành Công.
Trải qua nhiều biến động với ngân hàng và bất động sản thì cuối cùng, lĩnh vực thành công nhất của gia đình ông Thành vẫn là mía đường. Đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ, Thành Thành Công đã tạo dựng được vị thế rất đáng kể trong ngành đường. Vợ ông Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc từng được ví von là “nữ hoàng mía đường”.
Còn ông Đặng Văn Thành, sau cuộc chia tay đầy biến cố với Sacombank, ông đã quay trở về với lĩnh vực đã cùng vợ khởi nghiệp khi xưa.
Thành Thành Công giờ đây kinh doanh thêm nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, du lịch nhưng lĩnh vực cốt lõi trong suốt mấy chục năm qua vẫn là mía đường. Thực hiện một chiến lược tái cấu trúc đầy táo bạo, tập đoàn Thành Thành Công của gia đình ông Thành đã tinh gọn bộ máy và tiến hành công cuộc M&A các công ty mía đường.
Công cuộc M&A chưa kết thúc nhưng tạm thời đến lúc này, các thành viên trong đế chế mía đường Thành Thành Công hẳn đều có thể mỉm cười sau một năm 2015 “thiên thời địa lợi": hoàn thành kế hoạch sáp nhập, giá đường tăng cao, lợi nhuận khởi sắc và giá cổ phiếu thì lên mức cao nhất trong lịch sử.
Địa lợi: Sóng cổ phiếu mía đường
Sau một thời gian dài cho các doanh nghiệp trong tập đoàn đầu tư chéo lẫn nhau, Thành Thành Công bắt đầu tinh gọn hệ thống. Tháng 9/2015, Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) được sáp nhập vào Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và hai tháng sau đó, Đường Ninh Hòa (NHS) được sáp nhập vào Đường Biên Hòa (BHS).
Đường Biên Hòa và TTC Tây Ninh hiện trở thành 2 đầu mối sản xuất đường của Thành Thành Công cũng như trở thành những doanh nghiệp quy mô hàng đầu trong ngành.
Sóng mía đường tại các cổ phiếu đường của Tập đoàn Thành Thành Công đã được tạo nên từ sự kỳ vọng vào quá trình M&A này. Sau một thời gian dài dao động quanh thị giá, cổ phiếu Đường Biên Hòa hiện đã lên gần 20.000 đồng/cp còn TTC Tây Ninh lên xấp xỉ 30.000 đồng – đều là mức cao nhất kể từ khi niêm yết.
Hiện vốn hóa của TTC Tây Ninh đạt hơn 5.200 tỷ đồng gấp 8 lần so với một công ty lớn khác trong ngành là Mía đường Lam Sơn.
Công cuộc mở rộng quy mô ngành đường của Thành Thành Công chưa có dấu hiệu dừng lại khi mà mới đây TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa tiến hành mua cổ phần chi phối đối với Mía đường Tây Ninh (Tanisugar) khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.
Thiên thời: Giá đường tăng do thời tiết khắc nghiệt
Sau 4 năm giảm giá liên tiếp, giá đường nguyên liệu thế giới bật tăng trở lại từ cuối tháng 8/2015, nguyên nhân chính là do thời tiết khắc nghiệt khiến cho lượng cung sụt giảm.
Tại Brazil - nước sản xuất đường số 1 thế giới, sản lượng đường giảm do mưa lớn vào đúng vụ thu hoạch mía tháng 5. Không những thế, thay vì đường, Brazil hiện đang đẩy mạnh sản xuất Ethanol từ mía do xu hướng sử dụng các loại năng lượng khác thay xăng dầu của người dân nước này.
Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 Thế giới đã lâm vào cảnh khô hạn bởi El Nino và đứng trước nguy cơ từ nước sản xuất đường thành nước nhập khẩu đường.
Tổ chức Đường quốc tế (ISO) hôm 23/02 cho rằng thị trường sẽ thiếu kỷ lục khoảng 5 triệu tấn đường trong năm nay do thời tiết khắc nghiệt. Theo đó, giá đường sẽ tăng trở lại trong 2 niên vụ 2015-2016 và 2016-2017.
Báo cáo phân tích của CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) dự báo giá đường trong nước cũng tăng nhẹ do 3 yếu tố. Một là sâu bệnh và hạn hán khiến cho nguồn cung trong nước giảm. Hai là ngăn chặn được đường nhập lậu Thái Lan ở biên giới Tây nam. Ba là lượng cung đường giá rẻ nhập từ Hoàng Anh Gia Lai sẽ kiềm chế giá đường không tăng quá mạnh.
Đối với các doanh nghiệp mía đường, có lẽ không có gì vui hơn là giá đường tăng.
Chia sẻ trên báo chí, Thành Thành Công cho biết, sau khi M&A các công ty có vùng nguyên liệu và nâng cao năng suất bằng cách sử dụng giống mía cũng như công nghệ trồng của nước ngoài thì Tập đoàn này sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Như vậy, quá trình cấu trúc lại Thành Thành Công vẫn còn tiếp tục. Với các yếu tố thiên thời địa lợi như trên, Thành Thành Công đang ở trên con đường “thành công” như cái tên của họ.
Và liệu việc tìm kiếm đối tác nước ngoài có tiếp tục tạo nên kỳ vọng mới cho cổ phiếu ngành này?