Đuốc sáng trong bão
Tính đến hết tháng 9/2013, số doanh nghiệp kinh doanh “sống mòn”, không có lãi lên tới 66% trong tổng số 450 nghìn doanh nghiệp đang “sống”.
Đó là con số được đưa ra tại hội nghị đối thoại về thủ tục thuế, hải quan giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan với hơn 500 doanh nghiệp phía Bắc cuối tháng 10/2013- con số khá bi quan cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa thoát “bão” khủng hoảng!
Nhưng mừng thay, trong “bão” vẫn có những điểm sáng. Còn nhớ, cách đây vài tháng, những thông tin về con số cổ tức lớn của doanh nghiệp dệt may khiến không ít người bất ngờ, nhiều doanh nghiệp, cả trong ngành dệt may lẫn lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng..., phải “ngả mũ” nể phục!
Đại hội cổ đông của Tổng công ty CP May Việt Tiến kết thúc trong hoan hỉ khi lãnh đạo Việt Tiến cam kết cổ tức năm 2013 chia cho cổ đông tối thiểu không dưới 20%, doanh thu đạt mốc 4.300 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Năm 2012, Việt Tiến chia cổ tức tới 25%.
Không thua kém, năm 2012, Tổng công ty CP May Đức Giang đã chia cổ tức 25%. Sang năm 2013, Đức Giang củng cố niềm tin với các cổ đông khi đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng: Cổ tức 30%, doanh thu 1.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 62,8 triệu USD, kinh doanh nội địa 300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 40 tỷ đồng.
Cổ đông của Tổng công ty CP Phong Phú không có gì phải quan ngại khi biết cổ tức năm 2013 được cam kết ở mức 20- 25% (năm 2012, Phong Phú chia cổ tức 25%).
Cổ đông của Công ty CP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cũng vui không kém khi cổ tức năm 2012 được chia ở mức 25%, năm 2013 chắc chắn không dưới 20%...
Không ít doanh nghiệp dệt may khác cũng có mức cổ tức khiến cổ đông đầy lạc quan, dù thấp hơn một chút. Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may từng khẳng định: “Có lực mới có thực tiền”. Đúng vậy, những doanh nghiệp dệt may tạo ra được lợi nhuận cao để chia cổ tức “khủng” cho cổ đông bởi có thị trường xuất khẩu tốt. Doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, thương hiệu uy tín, đủ năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và đơn hàng lớn của các công ty đa quốc gia, đặc biệt phải thực hiện phương thức mua nguyên liệu- bán thành phẩm, sẽ nhận được chữ “thắng”!
Có người ví những Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Đức Giang, May 10, Garmex Sài Gòn... như những “ngọn đuốc” thắp sáng trên con đường xuất ngoại của dệt may Việt. Hy vọng TPP sắp tới sẽ châm lửa thêm nhiều “ngọn đuốc” không chỉ riêng trong làng dệt may Việt.