MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường Quảng Ngãi và bước ngoặt nghìn tỷ từ sữa đậu nành

21-04-2015 - 00:19 AM | Doanh nghiệp

Là cái tên có phần xa lạ nhưng Đường Quảng Ngãi là một trong số ít các doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống đạt doanh thu hơn 300 triệu USD/năm.

“Con đường dẫn đầu” là series những bài viết nhìn lại chặng đường 10-15 năm phát triển của các doanh nghiệp lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Bài viết về Đường Quảng Ngãi là bài đầu tiên nằm trong series này.


Khởi đầu là một doanh nghiệp mía đường với các sản phẩm chính là đường, mật, cồn như nhiều công ty mía đường khác nhưng CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) lại đang có vị thế cũng như doanh mục sản phẩm hoàn toàn khác biệt.

Công ty đường không chỉ có đường

Thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm liên quan tới mía đường, QNS đã định hướng trở thành một doanh nghiệp hàng tiêu dùng với các dòng đa dạng từ mía đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), Bánh kẹo (Bisca Fun), Nước khoáng & bia (Thạch Bích, Dung Quất).

Mặc dù vẫn giữ tên gọi Đường Quảng Ngãi nhưng hiện mía đường chỉ còn đóng góp ¼ tổng doanh thu và chưa tới 10% lợi nhuận của QNS. Trong khi đó, mảng sữa đậu nành với sự tăng trưởng rất ấn tượng hiện chiếm tới ½ tổng doanh thu và 2/3 tổng lợi nhuận gộp.

Doanh thu của QNS tăng trưởng bình quân 27%/năm trong giai đoạn 2010-2014

 

Doanh thu của QNS tăng trưởng bình quân 27%/năm trong giai đoạn 2010-2014

 

Năm 2014, QNS đạt gần 6.500 tỷ doanh thu (~300 triệu USD) và 942 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này giúp QNS vượt qua một tên tuổi lớn trong ngành hàng thực phẩm là Kinh Đô. Kết quả tương ứng của Kinh Đô là 5.000 tỷ và 667 tỷ đồng.

Không nhiều doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống của Việt Nam đạt được mức doanh thu 300 triệu USD/năm, có thể kể đến như Vinamilk, Sabeco, Habeco, Masan Consumer hay Tân Hiệp Phát.

Sữa đậu nành – bước ngoặt “đổi đời”

Quyết định đầu tư vào lĩnh vực sữa đậu nành là quyết định mang tính đột phá, góp phần đưa QNS trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành hàng tiêu dùng.

Câu chuyện về ngành sữa của QNS bắt đầu từ 18 năm trước khi công ty thành lập nhà máy sữa Trường Xuân. Ban đầu, nhà máy này kinh doanh các sản phẩm sữa truyền thống. Do phải cạnh tranh với những đối thủ lớn trên thị trường như Vinamilk, Dutch Lady nên việc kinh doanh sữa của QNS không đạt hiệu quả cao và thua lỗ lớn.

Đến tận năm 2005, nhận định thị trường sữa đậu nành là phân khúc đầy tiềm năng trong khi các đối thủ còn “bỏ ngỏ”, QNS đã đổi tên nhà máy sữa Trường Xuân thành nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy với mục tiêu là chỉ tập trung vào duy nhất sản phẩm sữa đậu nành.

Quyết định này là lời giải cho bài toán “Nếu không dẫn đầu, anh phải tìm một ngách để trở thành người dẫn đầu" mà Giám đốc điều hành Vinasoy Ngô Văn Tụ đã đề ra.

Với hướng đi đúng, Vinasoy đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường, vươn lên vị trí số 1 kể từ năm 2010.

Doanh thu sữa đậu nành tăng trưởng bình quân 51,4% tỏng giai đoạn 2010-2014

Doanh thu sữa đậu nành tăng trưởng bình quân 51,4% trong giai đoạn 2010-2014

Trong giai đoạn 2010-2014, doanh thu của Vinasoy tăng gấp 5 lần từ 600 tỷ lên 3.100 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng bình quân hơn 50%/năm. Bên cạnh nhà máy tại Quảng Ngãi, Vinasoy đã đầu tư nhà máy mới tại Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Theo các số liệu được trích dẫn từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, Vinasoy hiện chiếm khoảng 80% thị phần sữa đậu nành đóng gói tại Việt Nam. Phần còn lại thuộc về Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Tribeco…

Dư địa tăng trưởng của Vinasoy và sản phẩm sữa đậu nành vẫn còn rất nhiều. Theo Giám đốc điều hành Vinasoy Ngô Văn Thu, vẫn có tới 3/4 lượng tiêu thụ sữa đậu nành vẫn đến từ sữa đậu nành được nấu tại các hộ gia đình.

 

Đường, bánh kẹo, đồ uống: Không hề nhỏ

Tăng trưởng của QNS chủ yếu đến từ sữa đậu nành nhưng sẽ là không đủ nếu không nhắc đến các mảng kinh doanh còn lại – những mảng đang góp 1/2 doanh thu.

Với doanh thu 1.700 tỷ đồng, quy mô mảng mía đường của QNS tương đương với Mía đường Lam Sơn (LSS). Hiện ngành đường trong nước vẫn ở trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã lỗ.

Tuy nhiên, QNS lại quyết định đầu tư mở rộng công suất. Công ty đang tiến hành mở rộng công suất Nhà máy đường An Khê lên mức 18.000 tấn mía/ngày. Sau khi hoàn thành mở rộng vào năm 2014, QNS với 2 nhà máy đường An Khê và Phổ Phong sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp đường lớn nhất cả nước.

Đối với các mảng kinh doanh còn lại của QNS, cơ hội tăng trưởng và mở rộng quy mô vẫn còn là ẩn số. Các sản phẩm bia, nước khoáng và bánh kẹo doanh thu vẫn còn thấp so với thị trường và có xu hướng đi ngang. Tuy vậy, đây vẫn là những nguồn thu đáng kể đối với QNS.

Doanh thu bánh kẹo của QNS vẫn còn thấp, chưa bằng 1/2 so với những tên tuổi lâu năm khác trong ngành như Bibica hay Hữu Nghị.

Đối với hai sản phẩm nước khoáng Thạch Bích và bia Dung Quất là những thương hiệu chủ yếu tiêu thụ tại miền Trung thì kết quả đạt được không hề thấp. Doanh thu của Thạch Bích hiện bằng 80% so với Vĩnh Hảo – doanh nghiệp nước khoáng nằm dưới sự kiểm soát của Masan Consumer.

Các sản phẩm bia, bánh kẹo và nước khoáng đang có xu hướng đi ngang

Các sản phẩm bia, bánh kẹo và nước khoáng đang có xu hướng đi ngang

 

Kiến Khang

Đức Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên