Fivimart lần đầu tiết lộ lý do “kết hôn” với Aeon
Nếu chỉ vì mục đích tài chính thì Fivimart có thể chọn một công ty đầu tư tài chính. Việc lựa chọn Aeon trong cuộc “hôn nhân” này giúp Fivimart bổ sung nhiều cái còn thiếu của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam…
- 28-01-2015[Doanh nghiệp 28/01]: KBC chuyển đổi 1.200 tỷ đồng trái phiếu, Aeon dốc tiền vào Fivimart và Citimart
- 20-09-2012Chế phiếu mua quà tặng giả, nguyên kế toán Fivimart 'nẫng' 3 tỷ đồng
- 06-03-2012"Fivimart đóng cửa vì không thuê được đất"
Đầu năm 2015, sau nhiều tháng tìm hiểu, Aeon và Fivimart đã chính thức “kết hôn” với việc Aeon sở hữu 30% cổ phần của Fivimart. Cái tên Fivimart không còn đứng một mình. Một loạt siêu thị của CTCP Nhất Nam – đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart - đã đổi tên thành Aeon – Fivimart.
Tại sao là Aeon?
Lần đầu chia sẻ chi tiết về việc lựa chọn đối tác, Fivimart cho hay, việc lựa chọn đại gia Nhật Bản trong cuộc “hôn nhân” này không chỉ vì mục đích tài chính.
“Nếu chúng tôi chỉ chọn mục tiêu bổ sung về tài chính, chúng tôi có thể chọn một công ty đầu tư về tài chính. Chúng tôi lựa chọn Aeon bởi Aeon cùng chung ngành nghề với chúng tôi. Việc lựa chọn hợp tác với một công ty có chung ngành nghề sẽ bổ sung rất nhiều những cái thiếu của doanh nghiệp Việt Nam”, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc CTCP Nhất Nam – chia sẻ.
“Các nhà bán lẻ Việt Nam yếu hơn so với nhà bán lẻ nước ngoài về nhiều mặt. Đến nay, chúng tôi đã bổ sung được những cái yếu đó”.
Theo bà Hậu, các thay đổi của Fivimart từ ngày “có Aeon” gồm:
- Nhân viên của Fivimart từ cấp cao, cấp trung đến cấp thấp đều được phía Nhật Bản đào tạo và giảng dạy về tính chuyên nghiệp, cách quản lý trong hệ thống siêu thị.
- Hệ thống phần mềm của Fivimart, thay vì chỉ xử lý được khoảng 20 siêu thị. Phần mềm mới xử lý được nhiều dữ liệu hơn rất nhiều.
- Về mặt tài chính, Fivimart cũng được bổ sung tài chính (con số cụ thể không được nêu ra) để tiến tới mở rộng hệ thống siêu thị lớn hơn nhằm chiếm lĩnh được thị phần, cạnh tranh được trên thị trường.
- Về việc sắp xếp bên trong siêu thị:
Sắp xếp cơ cấu ngành hàng: Tiện hơn cho khách hàng. Khách hàng đến sẽ dễ thấy, dễ tìm, dễ lấy, giúp giảm bớt nhiều thời gian đi lại trong siêu thị của khách hàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
Các khu vực chế biến thực phẩm, sơ chế, đóng khay thực phẩm tươi sống, nấu chín: Đã được quy chuẩn, phân khu rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm sản xuất tại siêu thị.
Khu vực quầy rau, củ, quả: Chú trọng nông sản của Việt Nam ở nhiều góc độ, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng ngày càng được nâng cao… Phần lớn các sản phẩm nông sản đã được chứng nhận VietGap.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến tới trở thành hệ thống siêu thị lớn nhất của Việt Nam”, bà Hậu khẳng định.
Nhất Nam hiện sở hữu 22 siêu thị tại tất cả các quận tại Hà Nội, trong đó, có 6 siêu thị mang thương hiệu Aeon – Fivimart. Sau khi “tìm hiểu” từ tháng 7/2014, đến tháng 1/2015, Aeon và Fivimart chính thức hợp tác.
Ngày 28/10 tới, cùng với việc khai trương của Aeon Mall Long Biên, Aeon - Fivimart Long Biên cũng khai trương vào ngày này với quy mô 1.000 m2, đặt tại tầng 1 của Aeon Mall, nâng tổng số siêu thị mang tên Aeon – Fivimart lên 7 siêu thị và nâng tổng số siêu thị trong hệ thống Fivimart lên con số 23 tại Hà Nội.
Bà Hậu cho biết, trong thời gian tới, Fivimart vẫn tiếp tục khai thác thị trường Hà Nội với việc mở rộng hệ thống siêu thị trên địa bàn các quận nội thành vì tiềm năng của Hà Nội còn lớn.
Trong những năm tiếp theo, Aeon và Fivimart sẽ mở những siêu thị Aeon – Fivimart ở các vùng lân cận của Hà Nội.
Trí Thức Trẻ/Cafebiz